Không nên xem thường chứng rối loạn tiền đình…

Cập nhật: 30-12-2013 | 00:00:00

Ngày càng có nhiều người (đa phần làm việc trí óc) dễ bị bệnh rối loạn tiền đình (RLTĐ). Đây là chứng bệnh làm giảm chất lượng cuộc sống, gây lo âu nhiều hơn cho người mắc bệnh. Chúng tôi đã tham vấn bác sĩ (BS) Nguyễn Văn Công, khoa Tai mũi họng Bệnh viện Đa khoa tỉnh về RLTĐ…  

 Người bệnh cần được tư vấn kỹ để đề phòng bệnh RLTĐ

Theo BS Nguyễn Văn Công, có thể hiểu đơn giản về RLTĐ là một hội chứng do thần kinh giữ thăng bằng bị tổn thương. Người bị RLTĐ thường từ các tổn thương về hệ thần kinh, tim, mắt, tai, tâm thần… hoặc cũng có thể do thuốc. Những biểu hiện của RLTĐ là chóng mặt, cảm giác môi trường xung quanh hoặc bản thân đang chuyển động xoay tròn hoặc bập bênh kèm theo các triệu chứng là buồn nôn, nôn thốc nôn tháo, mất cân bằng, nhìn mờ, đổ mồ hôi. Triệu chứng này thường là do tổn thương ở dây thần kinh ngoại biên hoặc trung ương của hệ thống tiền đình mang lại. Có người bị nặng hơn sẽ ngất do lưu lượng máu lên não giảm, thường gặp ở bệnh nhân tụt huyết áp, rối loạn chức năng tim hoặc phản xạ thực vật kèm theo đổ mồ hôi, buồn nôn, nhìn mờ.

Triệu chứng chung nhất của RLTĐ là mất thăng bằng, đi đứng không vững giống như người say rượu. Nguyên nhân do mất đồng bộ thông tin từ tiền đình, tiểu não, cảm giác sâu, mắt, ngoại tháp. Lại có người mắc RLTĐ thường cảm giác thấy đầu lâng lâng, nặng nề, sợ ngã. Gặp ở những người có rối loạn cảm xúc như lo âu, trầm cảm.

Để phòng bệnh, bệnh nhân nên tránh những xúc động lo âu vì khi xúc động lo âu cũng gây ra tình trạng chóng mặt. Để tìm được nguyên nhân chính xác RLTĐ, người bệnh cần đi khám các chuyên khoa tim, mắt, tâm thần, thần kinh, tai và làm các xét nghiệm hình ảnh như CT Scanner, chụp cộng hưởng từ, X.quang.

Có khá nhiều nguyên nhân gây rối loạn tiền đình: Môi trường, thời tiết (chuyển mùa), nhiễm độc (hóa chất, thuốc, ăn uống...), tuần hoàn kém và các vấn đề tâm thần kinh như căng thẳng, tâm lý không ổn định. Việc khống chế những cơn chóng mặt “khủng khiếp” là rất cần thiết và phải kịp thời. Để người bệnh nằm nơi yên tĩnh, tránh ánh sáng mạnh. Chọn tư thế nằm thích hợp như nghiêng trái hoặc phải, hoặc nằm ngửa. Nếu buồn nôn thì cho nôn hết ra, nhưng sau đó phải cho uống bù nước và điện giải; orezol là dung dịch được lựa chọn. Xen kẽ cho người bệnh uống một cốc sữa nhỏ có đường đặc thật nóng. Việc dùng thuốc nhất thiết phải theo chỉ định của bác sĩ.

HƯƠNG CẦN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên