Theo từ điển tiếng Việt, hộ lý là người phụ trách giúp đỡ bệnh nhân tại bệnh viện trong những việc như ăn uống, đại tiểu tiện, tắm giặt và trông nom vệ sinh phòng bệnh.
Nghề hộ lý, có thể nói là một nghề ít được xã hội coi trọng. Điều đó, có thể do tính chất công việc của nó. Một loại công việc theo nhận xét của nhiều người là dơ bẩn và cực khổ. Công việc cụ thể của các chị hộ lý là quét dọn vệ sinh, lau chùi sàn nhà, hành lang, thay drap, giặt giũ áo quần, chăn màn cho bệnh nhân đến chăm sóc bữa ăn cho người bệnh. Về thời gian làm việc của các chị hộ lý cũng khá khắc nghiệt. Không phải làm ngày 8 tiếng, cũng không phải làm theo giờ hành chính, theo ca quy định của Nhà nước, của bệnh viện. Mỗi ngày, các chị hộ lý thường bắt đầu từ 6 giờ sáng và chỉ kết thúc khi công việc đã hoàn thành. Có thể nói khối lượng công việc của một hộ lý phải làm là không nhỏ. Ngoài những công việc trên, họ còn phải tham gia vận chuyển bệnh nhân, tắm gội, vệ sinh cá nhân cho những bệnh nhân nặng… Thế nhưng, lương mỗi tháng của các chị hộ lý cũng chỉ từ 2 - 4 triệu đồng, một khoản thu nhập, tại thời điểm hiện nay không thể trang trải các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.
Tâm sự với chúng tôi, nhiều chị hộ lý nói rằng, công việc vất vả hay thu nhập thấp không khiến các chị nản lòng mà điều khiến các chị phải buồn nhất là thái độ xem thường của nhân viên trong đơn vị hay của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Họ đánh giá sai vai trò của người hộ lý. Có rất nhiều chị bỏ việc, hay muốn từ bỏ việc trong thời gian mới bắt đầu công việc cũng chỉ vì thái độ thiếu tôn trọng của người khác. Vượt qua được những cản trở đó, họ lại thấy hết sức tự hào về công việc của mình. Vì những việc làm của họ giúp cho quang cảnh vệ sinh sạch sẽ, không khí thoải mái đem lại niềm vui và sự hài lòng cho bệnh nhân khi đến bệnh viện. Nhiều chị tự tin mà nói rằng: công việc của chúng tôi là công việc có ích và cao cả, không những đem lại niềm vui cho người bệnh mà còn đem lại niềm vui và sự thanh thản trong tâm hồn của mình.
Thiết nghĩ, nếu không có các hộ lý, môi trường bệnh viện sẽ như thế nào? Các bệnh nhân - những thân thể yếu ớt và mệt mỏi sẽ như thế nào? Và các bác sĩ sẽ như thế nào khi vào phòng mổ? Vì ai sẽ là người chuẩn bị phòng mổ? Ai sẽ là người vô trùng các vật dụng phòng mổ? Nói theo cách nói của nhà thơ Tố Hữu, họ là những người “giữ sạch lề, đẹp lối”. Chính vì thế, hơn ai hết, họ là những người xứng đáng được tôn vinh.
MAI HƯƠNG