"Ngọn núi lửa mới được phát hiện có tên là Tamu Massif. Nó vượt qua ngọn núi lửa đang giữ kỷ lục lớn nhất thế giới là Mauna Loa ở Hawaii, Mỹ. Tamu Massif chỉ nhỏ hơn 25% so với Olympus Mons trên Sao Hỏa, núi lửa lớn nhất trong hệ mặt trời", William Sager, nhà địa lý học từ trường đại học Houston, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.
Hình ảnh 3D của ngọn núi lửa Tamu Massif. Ảnh: Livescience
Núi lửa Tamu có bề rộng 650 km nhưng chỉ cao khoảng 4 km, diện tích khoảng 2,5 triệu km2. Tamu hoạt động cách đây khoảng 144 triệu năm, vào đầu Kỷ Phấn trắng. Ngọn núi lửa này có diện tích lớn hơn nước Anh.
Các cuộc khảo sát bằng thuyền cho thấy dù kích thước của Tamu Massif lớn nhưng chưa có bằng chứng cho thấy nó từng nhô lên trên mặt biển. Ngọn núi lửa lớn nhất trên thế giới bị chìm sâu vì nó nằm trên lớp thạch quyển mỏng, lớp vỏ mỏng này không chống đỡ được khối lượng lớn của nó. Đỉnh ngọn Tamu nằm cách bề mặt Thái Bình Dương khoảng 1.980 m.
Giống như những ngọn núi lửa khác, Tamu Massif hoạt động theo cấu trúc hình nón trung tâm, từ đó phun trào dung nham ra những sườn núi rộng. Những cuộc khảo sát địa chấn và các mẫu dung nham thu thập được từ các tàu nghiên cứu cách đây vài năm đã chứng mình được điều này.
"Các sóng địa chấn cho thấy những dòng dung nham được phun ra từ đỉnh núi lửa. Những miệng núi lửa trên đỉnh Tamu Massif có hình dạng tương tự như các miệng núi lửa kéo dài của Mauna Loa", Sager cho biết.
Các nhà địa chất cho rằng Tamu Massif là một phần của vùng cao nguyên dưới biển có tên gọi Shatsky Rise ở phía tây bắc Thái Bình Dương. Dòng nham thạch phun ra từ vùng cao nguyên này cho tới nay vẫn còn gây tranh cãi trong giới khoa học.
Tamu Massif hiện là ngọn núi lửa duy nhất được phát hiện ở đây, bởi vậy các nhà khoa học gặp phải nhiều khó khăn trong việc nghiên cứu về sự hình thành các cao nguyên dưới biển.
Các cao nguyên dưới lòng đại dương là những vựa dung nham lớn nhất trên Trái Đất. Việc phun trào dung nham dẫn tới sự tuyệt chủng hàng loạt của các loài và sự biến đổi khí hậu.
Theo VNE