- Là một cán bộ trong ngành, ông đánh giá như thế nào về y đức của đội ngũ thầy thuốc tỉnh nhà?
- Nhìn chung là tốt, phần lớn cán bộ y tế vẫn tận tụy với nghề. Nhiều tấm gương của các y bác sĩ vẫn cần mẫn suốt ngày đêm để chăm sóc người bệnh không so đo thiệt hơn dù phải đối mặt với nhiều rủi ro bệnh tật, dù điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn thiếu thốn, dù quyền lợi, vật chất bù đắp cho sức khỏe chưa ngang tầm với sức làm việc và trách nhiệm được giao trong ca trực… họ vẫn hết lòng vì người bệnh.
- Có người cho rằng, đãi ngộ của xã hội ảnh hưởng nhiều đến y đức hiện nay. Tuy nhiên, có nhiều thầy thuốc dù nghèo nhưng vẫn giữ được y đức. Thái độ tiếp xúc lạnh lùng, thờ ơ của bác sĩ đối với người bệnh ngày nay có thể đổ lỗi do đời sống khó khăn?
- Người cán bộ y tế, người thầy thuốc cũng là một con người như bao con người khác trong xã hội, họ cũng cần có những điều kiện vật chất tối thiểu để tồn tại, phát triển, để đáp ứng cho những tính đặc thù. Chắc chắn rằng, khi được quan tâm, cuộc sống ổn định thì ít nhất người thầy thuốc sẽ không phải mất thời gian để lo toan chạy vạy kiếm sống và đây sẽ là điều kiện cần thiết để họ toàn tâm, toàn ý hơn trong thực thi nhiệm vụ của mình.
Người thầy thuốc có y đức thì dù trong môi trường nào họ cũng sẽ hành động vì tình người với đầy đủ phẩm chất đạo đức của người thầy thuốc chân chính “Lương y như từ mẫu”. Họ luôn đặt lợi ích của người bệnh lên trên lợi ích của mình. Điều cốt lõi nhất của y đức vẫn là sự xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm của những người thầy thuốc.
Thái độ ân cần với bệnh nhân là điều luôn cần thiết. Trong ảnh: Các thầy thuốc trẻ đang chăm sóc trẻ sơ sinh ở Bệnh viện Đa khoa Bến Cát Ảnh: Q.NHƯ
- Theo ông, để nâng cao y đức của người thầy thuốc cần có những giải pháp nào?
- Để có được những người thầy thuốc như lời dạy của Bác “Lương y như từ mẫu” với đầy đủ phẩm chất cao quý thì y đức phải được thường xuyên phấn đấu, rèn luyện, thực hiện khi đang còn học trong nhà trường cho đến khi tốt nghiệp để thực hành y nghiệp. Rèn luyện y đức phải gắn liền với rèn luyện tay nghề chuyên môn nghiệp vụ bảo đảm “vừa hồng vừa chuyên” để trở thành y đạo của những người làm công tác y tế. Cụ thể hiện nay, người thầy thuốc phải rèn luyện tuân thủ 12 điều y đức, 10 điều dược đức và quy tắc ứng xử của Bộ Y tế.
Mặt khác cũng cần xây dựng một môi trường làm việc với các điều kiện tốt như cơ chế làm việc khoa học, minh bạch về quyền lợi, nghĩa vụ… nhằm bảo đảm cho người thầy thuốc có điều kiện thực hiện nhiệm vụ, y đức của mình, hạn chế các chi phối tác động. Cụ thể cần có những chính sách công bằng, hợp lý, hài hòa với vấn đề lợi ích của người thầy thuốc vì đó là điều kiện, là động cơ làm việc của người thầy thuốc và chắc chắn sẽ ngăn chặn được sự suy thoái y đức của một bộ phận thầy thuốc.
- Xin cảm ơn ông!
Một số thành tựu của ngành y tế
- Tính đến cuối năm 2012, toàn tỉnh có 6.193 cán bộ y tế, tăng 1.120 người so với cùng kỳ, trong đó: y tế công lập có 3.268 người, gồm: 298 người có trình độ trên đại học, 630 người đại học và 2.340 người trình độ khác.
- Năm 2012, tỷ lệ cán bộ y tế/10.000 dân đạt 34,8; tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân đạt 6; tỷ lệ dược sĩ đại học/10.000 dân đạt 1. Hiện có 816 cán bộ y tế đang làm việc tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn; 100% trạm y tế có bác sĩ, nữ hộ sinh và y sĩ sản nhi phục vụ; 100% khu, ấp có nhân viên y tế hoạt động.
- Ngày 10-2-2012, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định 337/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Đềán bảo đảm nguồn nhân lực y tế tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2015 phải đạt 6,8 bác sĩ/10.000 dân; 1,2 dược sĩ/10.000 dân; 37 cán bộ y tế/10.000 dân. Đến năm 2020, phải đạt 7,5 bác sĩ/10.000 dân; 1,7 dược sĩ/10.000 dân; 42 cán bộ y tế/10.000 dân; bảo đảm 100% xã, phường, thị trấn có bác sĩ, nữ hộ sinh hoặc y sĩ nhi công tác. Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 106 tỷ đồng.
HỒNG THUẬN (thực hiện)