Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây dịch, do vi rút Dengue gây nên, bệnh lan truyền chủ yếu do muỗi Aedes aegypti. Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh SXH Dengue hiện đang lan truyền ở nhiều nước trên thế giới. Tỷ lệ tử vong có thể đến 5%, thậm chí cao hơn nếu không được chẩn đoán và điều trị thích hợp. SXH Dengue hiện nay đã trở thành một bệnh dịch lưu hành tại Việt Nam. Tại Bình Dương tính đến thời điểm hết tháng 5-2010 đã có hơn 333 ca mắc bệnh và có 1 ca tử vong tại huyện Phú Giáo.
Triệu chứng
Người bệnh bị SXH Dengue thường có các biểu hiện sau:
- Sốt cao đột ngột, nhiệt độ 39 - 40 độ C, khó hạ sốt, sốt kéo dài 2 - 7 ngày, sốt kèm các triệu chứng như: mệt mỏi, chán ăn, đau bụng ở thượng vị hoặc hạ sườn phải, đôi khi nôn, gan to, có khi kèm theo da xung huyết hoặc có phát ban.
- Đau người: đau cơ, đau khớp, nhức đầu, đau quanh hố mắt; trẻ em nhỏ sốt cao, có thể co giật, hốt hoảng.- Xuất huyết: thường xuất hiện vào ngày thứ 2, thứ 3 của bệnh. Trường hợp không có xuất huyết thì có dấu hiệu dây thắt dương tính.
- Sốc thường xảy ra vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của bệnh, nhiệt độ hạ xuống đột ngột, da lạnh, tím tái, bệnh nhân vật vã, li bì, đau bụng cấp. Sốc xuất hiện nhanh chóng với mạch nhanh nhỏ khó bắt, da lạnh nhớp mồ hôi: huyết áp hạ. Nếu không xử trí kịp thời, sốc diễn biến rất nhanh và bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 12 đến 24 giờ.
Có 5 dấu hiệu trẻ trở nặng, các bà mẹ cần nhận biết sớm để đưa con đến bệnh viện ngay, đó là: lừ đừ, li bì hoặc bứt rứt; ói nhiều; đau bụng nhiều; xuất huyết; tay chân mát, lạnh.
Phòng bệnh
Để phòng chống tốt dịch SXH trong mùa cao điểm này, biện pháp tốt nhất là người dân tự phòng chống dịch bệnh ngay tại gia đình. Công tác phòng chống SXH phải thực hiện từ gia đình bởi muỗi sống ngay trong mỗi nhà.
Điều cơ bản nhất để hạn chế SXH là phải diệt muỗi, diệt lăng quăng và loại trừ những nơi muỗi sinh sản.
1. Phòng muỗi đốt:
Muỗi truyền virus Dengue đốt người vào ban ngày, cho nên phải tự bảo vệ để tránh muỗi đốt. Mặc quần áo dài che kín tay chân. Sử dụng thuốc diệt muỗi thận trọng khi sử dụng thuốc này đối với trẻ nhỏ và người già. Dùng các dụng cụ bắt muỗi và diệt muỗi vào ban ngày. Dùng màn để tránh muỗi cho trẻ em, người già và những người khác khi ngủ ban ngày. Tác dụng của màn tốt hơn khi tẩm Permethrin (chất diệt côn trùng pyrethroid), rèm (bằng vải hoặc bằng tre) cũng có thể được tẩm chất diệt côn trùng và treo tại cửa sổ hoặc cửa ra vào để xua muỗi và diệt muỗi.
2. Phòng muỗi sinh sản:
Muỗi sống và sinh sản ở những nơi nước ứ đọng ở trong và xung quanh nhà. Ðổ nước thừa ở chỗ ứ nước, máy điều hòa, ở các bể, thùng nước, xô, lu (ảnh), chậu... Bỏ tất cả các vật dụng mà chứa nước đọng (chẳng hạn như ở chậu cây cảnh...) ra khỏi nhà. Luôn luôn đậy kín tất cả các vật dụng chứa nước. Thu nhặt và loại bỏ những dụng cụ mà nước có thể đọng lại như: chai, lọ, túi nhựa, lon đồ hộp, lốp xe đạp... Thả cá bảy màu diệt lăng quăng.
Và cuối cùng bà con nên nhớ là: không có lăng quăng sẽ không có SXH.
BS VĂN THÀNH HOÀNG PHƯỢNG