Phòng chống HIV/AIDS trong thanh niên: Cả cộng đồng cùng vào cuộc

Cập nhật: 22-04-2011 | 00:00:00

Theo số liệu của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh (TTPC), tính từ đầu năm đến cuối tháng 2-2011, số người nhiễm HIV/AIDS mới phát hiện ở Bình Dương: 43 người. Tích lũy từ ca nhiễm đầu tiên vào tháng 10-1993 đến nay: 7.061 người; trong đó, người nhiễm HIV thường trú tại Bình Dương: 2.765 người, chiếm tỷ lệ 39,2%. Điều đáng lo, đại dịch này đang tiềm ẩn nguy cơ lan ra cộng đồng.

  Tư vấn cho thai phụ nhiễm AIDS tại TTPC HIV/AIDS Bình Dương

Tăng cường các giải pháp phòng chống HIV/AIDS trong thanh niên công nhân xa quê

Cũng qua số liệu trên, tuyệt đại đa số người có HIV/AIDS đều trong độ tuổi thanh niên, lứa tuổi đẹp nhất trong cuộc đời. Một điều đáng quan tâm khác, số người có HIV/AIDS là những lao động nhập cư, những người từ các địa phương khác đến sinh sống tại Bình Dương chiếm một lượng đáng kể. Qua thống kê, số lao động này bị lây nhiễm, cũng như chuyển qua giai đoạn AIDS, hay tử vong đều chiếm hơn 60%. Hàng trăm ngàn người nhập cư đến sinh sống và làm việc ở các thị xã: Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một; các huyện: Bến Cát, Tân Uyên. Họ làm công nhân ở các khu công nghiệp, các công trình xây dựng, nhà hàng, quán xá... Do sống xa nhà, không ai quản lý, điều kiện vui chơi giải trí lành mạnh còn hạn chế, nên một số trong họ dễ trở thành đối tượng bắc cầu của nhóm có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cao như là người nghiện ma túy, mại dâm, quan hệ tình dục không an toàn...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh HUỲNH VĂN NHỊ:

Trong những năm tới, toàn tỉnh tiếp tục duy trì và triển khai tốt các chương trình, dự án về phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn: Từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách và tăng cường nguồn lực trong và ngoài nước nhằm thực hiện tốt các ưu tiên trong giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn 2020 cụ thể là: Tăng cường thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi, cùng phối hợp với các chương trình khác để giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV, nhất là ở các sở, ban, ngành; đẩy mạnh các biện pháp can thiệp giảm thiểu tác hại tại các huyện trong tỉnh; tăng cường tư vấn, chăm sóc và điều trị người có HIV/AIDS, nhất là tuyến cơ sở; Huy động các nguồn lực để chăm sóc cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, đặc biệt là trẻ em. Cần tăng cường năng lực quản lý, theo dõi, giám sát và đánh giá chương trình, nhất là tuyến tỉnh và huyện. TTPC HIV/AIDS tỉnh sớm xây dựng và đưa vào phục vụ với đủ nhân lực và các trang thiết bị cần thiết, đáp ứng theo yêu cầu.

 

 Một buổi ở TTPC, chúng tôi liên tục xót xa khi nghe kết quả: “dương tính” đối với những thanh niên còn rất trẻ, đến từ mọi miền đất nước, đang hòa nhập trong cộng đồng ở Bình Dương. Tiếp xúc một số em gái rất xinh, rất trẻ, tuổi độ đôi mươi, quê miền Tây, em nào cũng hết sức lo lắng, căng thẳng. Một nhân viên lớn tuổi của trung tâm hỏi nhỏ: “Bán nhà hàng hả?”, mấy cô “Dạ!” thật nhỏ. Nhưng khi sang khoa Tư vấn, các cô nói khác liền: “Em đi xét nghiệm để lấy chồng...”. Khi 20 phút sau trở lại lấy kết quả, cầm kết quả dương tính, cô gái đã thất thần, đau khổ tột cùng, suýt té xỉu. Cô bạn may mắn có kết quả “âm tính” đã dìu bạn ra lấy xe, chạy vội đi...

M., có vóc người nhỏ bé, mảnh dẻ, ngây thơ, đứng thất thần khi cầm trên tay kết quả xét nghiệm báo tin là mình có HIV/AIDS và sợ hãi bật khóc. Đáng thương hơn là đứa bé vừa được tượng hình 4 tuần tuổi trong bụng M. Em đến cùng chồng N. (28 tuổi) vào cuối giờ chiều. Chồng của M. nói: “Nhà em đi khám thai, khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, báo cho biết máu của nhà em có vấn đề, nên chúng em ra đây kiểm tra lại”. M. cho biết, hiện em đang làm công nhân, còn chồng làm bảo vệ của một công ty ở Dĩ An.

Thực hiện dự án HIV/AIDS trong thanh niên

Bà Nguyễn Thị Sen, Trưởng phòng Truyền thông của Chi cục Dân số - KHHGĐ cho biết: “Từ năm 2008, Bình Dương là một trong 14 tỉnh trong cả nước được Tổng cục Dân số - KHHGĐ chọn thực hiện dự án HIV/AIDS cho thanh niên. Từ đó, chúng tôi đã cố gắng đa dạng hóa các sản phẩm truyền thông để cung cấp các thông tin về phòng chống HIV, nhằm quảng bá và nâng cao nhận thức phòng chống HIV/AIDS cho thanh niên. Đặc biệt là tổ chức tọa đàm, hội thảo, hội nghị nhằm nâng cao nhận thức, cũng như tăng cường sự quan tâm, tham gia và cam kết của các nhà lãnh đạo địa phương để xác định các vấn đề ưu tiên, tìm hiểu nhu cầu và mong muốn của thanh niên trong phòng chống HIV/AIDS. Ngoài ra, chương trình còn tổ chức đào tạo tập huấn, cung cấp các dịch vụ giảm tác hại... nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm trong nhóm thanh niên có nguy cơ cao: ma túy, thanh niên làm việc trong các khu vui chơi, giải trí nhạy cảm...”.

Tuy nhiên, dự án cũng đã gặp một số khó khăn, theo thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Kiều Uyên, Giám đốc TTPC HIV/AIDS tỉnh: “Mạng lưới tuyên truyền viên còn thiếu, mỏng. Kinh nghiệm cho thấy chỉ có những người cùng hoàn cảnh mới can thiệp giảm tác hại có hiệu quả nhất. Nhưng hiện đội ngũ tuyên truyền viên đồng đẳng: ma túy chỉ có 17 trên tổng số đối tượng quản lý được 1.389, nhóm mại dâm chỉ có 7, trên tổng số đối tượng quản lý 827 và tổng số cộng tác viên của chương trình chỉ có 286 người. Vì thế, cho dù đội ngũ phòng chống HIV/AIDS đã cố gắng hết sức, vẫn còn nhiều mảnh đời bất hạnh chưa tiếp cận được với chương trình. Và để xóa tâm lý sợ kỳ thị, chỉ còn con đường chống kỳ thị. 

Xã hội hóa công tác phòng chống HIV/AIDS và chống kỳ thị

Sự kỳ thị không chỉ làm khổ người có HIV, gia đình họ, mà còn gây khó khăn cho công tác phòng chống HIV/AIDS. Bác sĩ Nguyễn Kiều Uyên cho biết thêm: “Đa phần người có HIV/AIDS là đối tượng tiêm chích ma túy, hoạt động mại dâm, quan hệ tình dục bừa bãi. Đây là những đối tượng bị xã hội mặc định coi là tệ nạn xã hội, nên người dân đã có định kiến, xa lánh. Chính vì vậy, nhiều người nhiễm không khai địa chỉ, tên thật, làm cho việc tìm kiếm hỗ trợ gặp nhiều khó khăn, một số người nhiễm và gia đình người nhiễm không hợp tác, thậm chí xúc phạm, đe dọa nhân viên y tế do sợ bị kỳ thị về tình trạng nhiễm HIV/AIDS của mình”.

Thạc sĩ - bác sĩ Phạm Anh Tuấn, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Khoa chúng tôi còn nhiều khó khăn do tâm lý kỳ thị của bệnh nhân trong việc lồng ghép thu dung điều trị bệnh lao và các bệnh nhiễm trùng. Làm cho các bệnh nhân nhiễm trùng ngán ngại sợ bị lây bệnh lao, HIV, gây khó khăn trong sắp xếp giường bệnh, phòng bệnh. Ngoài nhiệm vụ chính ở khoa, chúng tôi còn phải thực hiện lồng ghép trong dự án life GAP, nên mỗi người phải làm việc bằng hai”.

Qua thực tế, để công tác phòng chống HIV/AIDS ở Bình Dương thực sự đạt hiệu quả, trước hết cần có sự quan tâm chỉ đạo từ Đảng đến chính quyền các cấp, sự phối hợp đồng bộ của các ban ngành, đoàn thể, đặc biệt là giảm tác hại nhờ làm tốt phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm; Lồng ghép hoạt động giữa các dự án, các chương trình, cung cấp nhiều phương thức tiếp cận, các dịch vụ trọn gói; Xây dựng được nhiều tổ chức, câu lạc bộ (CLB) (như CLB vị thành niên, CLB nhà trọ, CLB đồng cảm...) để tập hợp mọi thành phần xã hội tham gia phòng chống HIV/AIDS; Thường xuyên chăm lo xây dựng, kiện toàn và phát triển đội ngũ cộng tác viên, giáo dục viên đồng đẳng. Và đặc biệt là vận động toàn xã hội vào cuộc chống sự kỳ thị đối với người có HIV/AIDS. Vì qua thực tế, sự phân biệt đối xử càng làm cho dịch phát triển nhanh hơn.

Toàn xã hội cần có sự hiểu biết tốt hơn đối với những nhu cầu và mối quan tâm của thanh niên, đặc biệt là nhóm thanh niên có nguy cơ cao, nhất là những người đang sống chung với AIDS, để họ không cảm thấy bản thân đã chết khi vẫn còn đang sống. Từ đó đưa ra các hoạt động thân thiện để thanh niên có thêm sức mạnh để chống lại những cạm bẫy, cám dỗ ngoài xã hội. Và hãy có thêm nhiều bàn tay ấm tình người kéo bộ phận thanh niên có HIV/AIDS vươn lên từ trong tăm tối, tuyệt vọng.

 

BẢO ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên