Phòng ngừa thiếu máu, thiếu sắt ở trẻ em

Cập nhật: 11-05-2010 | 00:00:00
Thiếu máu, thiếu sắt (TM, TS) là tình trạng bệnh lý rất thường gặp ở trẻ em. Theo Tổ chức Y tế thế giới, ước tính khoảng 30 - 80% trẻ em ở các nước đang phát triển bị TM, TS. Theo kết quả điều tra của Viện Dinh dưỡng năm 2000 thì tỷ lệ TM, TS ở trẻ em Việt Nam dưới 2 tuổi là khoảng 50% trường hợp. Trẻ bị thiếu máu sẽ bị chậm phát triển tâm thần vận động, giảm khả năng miễn dịch và khi đến tuổi đi học trẻ sẽ bị giảm khả năng phát triển về ngôn ngữ, vận động, các hoạt động phối hợp và giảm chỉ số IQ từ 5 - 10 điểm.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến TM, TS là do chế độ dinh dưỡng cung cấp thiếu chất sắt. Sự hấp thu sắt bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau. Một yếu tố quan trọng đó là dạng của sắt trong thức ăn. Heme là thành phần chính của huyết sắc tố để cấu tạo nên hồng cầu. Sắt ở dạng heme có nhiều trong thức ăn nguồn gốc động vật và dễ được hấp thu hơn là sắt không ở dạng heme có nguồn gốc thực vật. Thức ăn giàu sắt ở dạng heme: Nghêu, sò huyết, hào, tôm, cá, gan heo, gan gà, gan bò, thịt bò, thịt gà, trứng. Thức ăn giàu sắt không ở dạng heme: Bột ngũ cốc, đậu tươi nấu chín, hạt bí đỏ, mật đường, đậu đóng hộp, các loại rau xanh như rau muống, khoai tây nướng để nguyên vỏ, hạt mè, hạt hướng dương, măng tây. Sự hấp thu của sắt không ở dạng heme có thể được làm tăng lên khi được ăn kèm những thức ăn chứa sắt ở dạng heme trong cùng một bữa ăn. Ngoài ra, những chất làm tăng hấp thu sắt cũng có thể giúp tăng hấp thu sắt không ở dạng heme. Cần chú ý tránh ăn chung với những thức ăn có tính ức chế sự hấp thu sắt.

Chất làm tăng hấp thu sắt: Thịt, cá, gia cầm; Trái cây: cam, dưa đỏ, dâu, nho; Rau: bông cải xanh, cà chua, khoai tây, tiêu xanh và tiêu đỏ; Rượu vang trắng. Chất làm giảm hấp thu sắt: Rượu vang đỏ, cà phê, trà; Cải: củ dền, củ cải; Sản phẩm từ đậu nành. Việc chọn một chế độ dinh dưỡng gồm những thực phẩm giàu chất sắt có thể giúp bé phòng tránh được bệnh TM, TS. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là nếu như trẻ được nuôi dưỡng đầy đủ với những thức ăn giàu chất sắt mà vẫn thấy trẻ xanh xao, cần đưa trẻ đi khám bệnh để tầm soát các nguyên nhân như nhiễm giun móc, viêm loét dạ dày, rong kinh ở tuổi dậy thì hoặc thiếu máu bẩm sinh di truyền.

ThS. BS. NGUYỄN MINH TUẤN

(Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=353
Quay lên trên