Quá tải chạy thận nhân tạo : Hết lòng chữa trị cho bệnh nhân

Cập nhật: 27-09-2012 | 00:00:00

Kỳ 1: Bệnh nhân chạy thận nhân tạo - khổ chồng thêm khổ

Kỳ 2: Hết lòng chữa trị cho bệnh nhân  

Bác sĩ Huỳnh Trần Dương Giới, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh cho biết, hiện tại mặc dù bệnh viện đã đầu tư thêm máy dịch vụ theo chương trình xã hội hóa, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu chạy thận của người dân, việc quá tải bệnh nhân (BN) vẫn xảy ra thường xuyên...    Phòng CTNT Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn trong tình trạng quá tải

Thêm máy dịch vụ vẫn quá tải

Từ năm 2003, BVĐK tỉnh bắt đầu đưa máy chạy thận nhân tạo (CTNT) vào hoạt động. Ban đầu chỉ có 2 máy chạy thận, do chương trình phòng chống sốt rét của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tài trợ. Từ khi bệnh viện triển khai CTNT, những bệnh nhân bị bệnh STM ở địa phương mừng vô kể, vì trước giờ người bệnh phải lặn lội về tận TP.HCM mới có thể CTNT được. Mà một khi đã mắc phải căn “bệnh nhà giàu” này thì chi phí điều trị rất tốn kém, cộng thêm các khoản phí ăn ở, đi lại, khiến cho người bệnh càng thêm khó khăn. Bởi thế, việc đưa vào sử dụng máy CTNT từ nhiều năm qua ở Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BVĐK tỉnh đã thực sự mở ra một lĩnh vực mới trong công tác khám chữa bệnh cho người dân, cũng như giảm bớt khó khăn cho người bệnh STM trên địa bàn.

Bác sĩ Giới cho biết, BN bị STM có xu hướng ngày càng gia tăng. Với người có thu nhập cao, họ thường xuyên kiểm tra sức khỏe nên phát hiện bệnh kịp thời và việc điều trị nội khoa tốt. Còn với người lao động nghèo, lo cái ăn đã khó nói chi đến chăm lo sức khỏe, nên hầu hết khi họ phát hiện có bệnh thì đã ở vào giai đoạn cuối. Do đó, số lượng BN phải nhập viện để được CTNT cũng ngày càng nhiều. Trước thực trạng đó, bệnh viện đã kêu gọi xã hội hóa đầu tư thêm máy để phục vụ nhu cầu chạy thận của BN. Đến nay, khoa có 19 máy CTNT, trong đó có 10 máy từ nguồn xã hội hóa. Tuy nhiên, bệnh viện vẫn luôn đối mặt với tình trạng quá tải người bệnh. Nhiều lúc không đáp ứng đủ máy cho BN, bệnh viện phải chuyển họ lên tuyến trên điều trị.

Quá tải vì nhiều nguyên nhân

 

Dù đã triển khai CTNT gần 10 năm nay, nhưng đến nay BVĐK tỉnh vẫn chưa thành lập được Khoa thận nhân tạo. Hiện tại, phòng CTNT chỉ là một đơn nguyên của Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Theo bác sĩ Giới, có nhiều lý do dẫn đến tình trạng quá tải này, đó là: thiếu nhân lực, thiếu máy CTNT, số bệnh nhân có nhu cầu lọc máu ngày một tăng cao…

Ngoài 5 kỹ thuật viên chính thức, hiện nay đơn nguyên này mới có 2 bác sĩ thuộc biên chế của Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc sang đây làm việc sau khi ra trực. Với tình trạng quá tải BN như hiện nay, bác sĩ chịu nhiều áp lực trong công việc, vậy mà sau khi ra trực họ vẫn vui vẻ vào ca. Nếu không có tâm, không có lòng yêu nghề thì họ không thể gắn bó với công việc này trong những năm qua. Bác sĩ Lý Văn Trãi, 1 trong 2 bác sĩ phụ trách phòng thận nhân tạo làm ngoài giờ ở đây tâm sự: “Đối với bệnh nhân bị STM, tử thần có thể lấy đi mạng sống của họ bất cứ lúc nào nếu họ không được chạy thận để lọc máu kịp thời. Chúng tôi làm việc ở đây vì thấy khả năng của mình có thể đáp ứng được yêu cầu công việc, cũng như muốn góp một phần sức mình chữa trị cho người bệnh thận, giúp họ kéo dài sự sống…”.

Một trong những nguyên nhân khác dẫn đến sự quá tải CTNT ở BVĐK tỉnh là do gia tăng dân số cơ học. Lượng dân nhập cư đến Bình Dương tăng cao và nhiều BN ở một số tỉnh lân cận cũng đến đây chữa trị, nên khoa luôn trong tình trạng quá tải BN. Hiện nay, tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc BVĐK tỉnh có 120 BN STM đang theo lọc máu chu kỳ. Mỗi tháng, khoa tiến hành CTNT chu kỳ cho 1.156 lượt BN. Với 19 máy, hoạt động 3 ca mỗi ngày như hiện nay vẫn không đáp ứng được nhu cầu chữa trị cho người bệnh. Bác sĩ Giới cho biết: “Nếu mỗi năm bệnh viện được bổ sung thêm 5 máy và có biên chế chính thức, chúng tôi có thể tổ chức chạy 4 ca thì sẽ đáp ứng được nhu cầu của BN. Lúc đó, sẽ hạn chế được việc chuyển BN lên tuyến trên và người bệnh cũng bớt được một phần khó khăn vì không phải đi lại xa xôi, tốn kém về tiền bạc và thời gian…”.

Thiết nghĩ, tỉnh cần quan tâm bổ sung thêm về mặt nhân lực, cũng như đầu tư thêm máy cho BVĐK tỉnh để có thể đáp ứng nhu cầu chạy thận của người bệnh đang ngày càng gia tăng, hạn chế tình trạng quá tải xảy ra thường xuyên như hiện nay. Như vậy, bệnh viện sẽ không phải chuyển BN lên tuyến trên, giúp người bệnh giảm được một phần chi phí trong quá trình điều trị lâu dài. Bên cạnh đó, đối với những BN nghèo CTNT không có khả năng chi trả viện phí (hiện tại họ phải đóng tiền 5% hay 20% BHYT) cũng nên xem xét miễn phí cho họ 100%. Có như thế, nhiều người nghèo mới có điều kiện để tiếp tục chạy thận, giúp họ kéo dài thời gian và chất lượng cuộc sống.

 A.SÁNG - H.THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=528
Quay lên trên