Lượng băng ở Himalayas mất khoảng 440 tỷ tấn trong hơn 40 năm qua. Ảnh minh họa: AP
Theo kết quả nghiên cứu mới đây của Viện Khoa học Ấn Độ, lượng băng hao mòn trên dãy Himalays trong hơn 40 năm qua là 443 tỷ tấn. Con số này tương đương với 13% trong tổng lượng băng của Himalayas là 4.000 tỷ tấn.
Sự biến mất của số băng này đồng nghĩa với lượng nước được lưu trữ trong các sông băng của dãy Himalaya cũng giảm đi đáng kể, The Hindu dẫn lời Anil V. Kulkarni và Yogesh Karyakarte, hai thành viên của nhóm nghiên cứu, cho hay.
Trước đó, các chuyên gia thực hiện nghiên cứu trên phạm vi 11.000 km2 ở các sông băng của Himalayas, dựa trên các dữ liệu điều tra hiện trường, hình ảnh vệ tinh và khảo sát địa chất.
Họ kết luận rằng đến nay hầu hết các sông băng ở Himalayas đều đang khuyết dần. Tốc độ hao mòn giữa các sông băng không giống nhau, từ vài mét đến hơn 60 mét mỗi năm.
Trong các nghiên cứu trước đây, nhiều nhà khoa học từng đưa ra dự đoán về ảnh hưởng của hiện tượng nóng lên toàn cầu đối với các sông băng trên dãy Himalayas. Nghiên cứu của Ủy ban Liên chính phủ về thay đổi khí hậu (IPCC) thực hiện năm 2007 cho thấy, nếu Trái Đất tiếp tục nóng lên khiến băng tan chảy với tốc độ như hiện nay thì rất có thể các con sông băng sẽ biến mất vào năm 2035 hoặc thậm chí sớm hơn.
Tốc độ hao mòn ở các sông băng của Himalayas cũng tăng dần theo thời gian, từ khoảng 9 tỷ tấn trong giai đoạn 1975-1985 lên đến 20 tỷ tấn kể từ năm 2000-2010.
Theo VnE