Nhập BV Nhi đồng 1 TPHCM trong tình trạng bụng phình căng, ói ra máu lợn cợn nâu, tay chân lạnh và suy hô hấp, bé N.T. Tr. (2,5 tuổi, nữ, ngụ Gò Công, Tiền Giang) được chẩn đoán bị sốc do mắc sốt xuất huyết (SXH). Đây là một trong rất nhiều trường hợp mà trong tuần qua, BV Nhi đồng 1 cấp cứu do mắc SXH, có ngày khoa Hồi sức tích cực theo dõi điều trị tới 6-7 cháu, khoa SXH thì luôn quá tải bệnh nhân. Đó cũng là thực tế ghi nhận ngày 21-6 tại một số bệnh viện ở TPHCM.
Chăm sóc trẻ mắc SXH tại BV Nhi đồng 2 TPHCM.
Biến chứng sốc nặng
Với chẩn đoán mắc SXH độ IV (độ biến chứng nặng), bé Tr. được truyền dịch chống sốc với sự hỗ trợ của máy đo huyết áp động mạch xâm lấn, đo áp lực tĩnh mạch trung ương, hỗ trợ hô hấp với thở áp lực dương liên tục. Tuy nhiên, tình trạng suy hô hấp của bé Tr. vẫn diễn tiến nặng, buộc các bác sĩ chọc dò màng bụng, màng phổi giải áp, truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh để chống rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa... Kết quả, qua gần 1 tuần điều trị, đến nay tình trạng bé Tr. được cải thiện dần. Song đây là trường hợp hy hữu cứu sống được, bởi theo các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực của BV Nhi đồng 1 nguy cơ tử vong do sốc nặng SXH rất cao…
Tương tự, đã qua 5 ngày điều trị tích cực, nhưng bệnh tình của cháu H.N.P. (ngụ phường Tân Thuận Đông, quận 7) vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Các bác sĩ khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2 TPHCM tiên lượng, bệnh nhi vẫn còn bị biến chứng phổi, tim mạch nặng. Chị Phương, mẹ cháu P. lo lắng: “Mấy hôm trước thấy cháu sốt nhẹ, tôi nghĩ cháu bị cảm nắng bình thường. Ai ngờ qua hôm sau vẫn sốt, nhưng đến khi cháu mỏi mệt, bỏ ăn, tôi mới đưa vô bệnh viện”. Theo chị Phương, ở khu nhà chị muỗi rất nhiều, diệt không hết được. “Hôm trước phun thuốc diệt, hôm sau lại thấy muỗi bay vù vù”, chị Phương nói… Lật bệnh án của cháu P., bác sĩ Trần Thị Thúy, Trưởng khoa Nhiễm băn khoăn vì tuần qua liên tục tiếp nhận nhiều cháu mắc SXH nặng.
Theo BS Lê Thị Bích Liên, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1 TPHCM, mùa mưa thường là mùa dịch SXH bùng phát. Riêng trong tuần qua, mỗi ngày BV Nhi đồng 1 điều trị tới 70-80 cháu bị mắc SXH, trong đó chiếm 60% là trẻ cư ngụ ở TPHCM. “Điều này là bất thường vì lâu nay bệnh viện chủ yếu tiếp nhận trẻ mắc SXH ở các tỉnh ĐBSCL, nhưng nay phần lớn lại là trẻ ngụ tại TPHCM”, BS Liên nói.
Hiện mỗi ngày BV Nhi đồng 1 tiếp nhận mới 15-20 cháu bị mắc SXH, chưa kể số trẻ được cho điều trị ngoại trú. Trong khi đó, tại khoa Nhi A, BV Bệnh nhiệt đới TPHCM trong những ngày qua cũng gia tăng số trẻ mắc SXH nằm điều trị. BS Trần Văn Ngọc, Trưởng khoa cho biết, trẻ mắc SXH chiếm một nửa số bệnh nhân của khoa và không ít cháu bị sốc nặng.
Sốt trên 2 ngày nghĩ ngay đến SXH
Những cơn mưa đầu mùa vừa qua đã khiến không ít ao, rạch, công trình xây dựng tại TPHCM ứ đọng nước. Đó là điều kiện thuận lợi để lăng quăng sinh nở và muỗi gây SXH bùng phát. Đó là nhận định của BS Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, tại buổi giao ban y tế quận huyện mới đây. Ông Giang cho biết, hiện nay bắt đầu vào mùa mưa nên dịch bệnh SXH gia tăng.
Theo ghi nhận, hiện mỗi tuần TP có khoảng 70 ca SXH mới, trước đây số ca chỉ dưới 40. Đối tượng mắc SXH chủ yếu là trẻ em, học sinh-sinh viên (52%), công nhân (13%). Các địa phương có dịch SXH bùng phát mạnh là quận 5, 6, 8, 12, Bình Thạnh, Tân Bình. Trong tháng 5 vừa qua cũng đã có 1 trường hợp tử vong do mắc SXH.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, dịch SXH diễn ra quanh năm trên nhiều địa bàn quận huyện của TP, nhưng theo chu kỳ bùng phát vào mùa mưa. Trong đó, trên 80% người mắc SXH rơi vào trẻ nhỏ. Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Lê Trường Giang yêu cầu các đơn vị y tế quận, huyện không nên lơ là, chủ quan mất cảnh giác với tình hình dịch bệnh hiện nay và phải chú ý thực hiện tốt một số hoạt động phòng chống dịch bệnh như: tập trung giám sát chặt chẽ, xử lý triệt để các ca bệnh, xử lý những điểm, khu vực có nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên từng địa bàn khu dân cư; đẩy mạnh công tác truyền thông, tiến hành nhanh chiến dịch cao điểm thực hiện vệ sinh môi trường phòng chống bệnh SXH nhằm kiềm chế dịch bệnh vào đầu mùa mưa
THEO SGGP