Thực hiện đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh: Góp phần cải thiện chất lượng dân số

Cập nhật: 11-07-2012 | 00:00:00

Sàng lọc trước sinh và sơ sinh (SLTSSS) nhằm phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và trẻ sơ sinh nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số. Từ năm 2011, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh đã phối hợp với một số ban, ngành liên quan triển khai đề án SLTSSS giai đoạn từ năm 2011-2015...

Ý nghĩa thiết thực của đề án

Chẩn đoán trước sinh và sàng lọc sơ sinh là biện pháp chăm sóc sức khỏe ban đầu; là phương châm phòng bệnh sớm, can thiệp sớm và là chiến lược sức khỏe con người trong thế kỷ XXI. Đây là việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc cải thiện chất lượng giống nòi, là một trong những nội dung để nâng cao chất lượng dân số.

 Siêu âm nhằm phát hiện các dị tật thai nhi giúp sàng lọc trước sinh và cho ra đời những đứa con khỏe mạnh

Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê vào năm 2009, toàn tỉnh Bình Dương có gần 2,7%o dân số là người khuyết tật. Vì vậy, Bình Dương cần có các giải pháp can thiệp sinh đẻ nhằm giảm thiểu người khuyết tật, nâng cao chất lượng dân số, phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà. Theo các bác sĩ thuộc Chi cục DS-KHHGĐ, sàng lọc phát hiện, can thiệp sớm với các dị tật, dị dạng thai nhi thông qua sàng lọc trước sinh cùng với việc phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh chuyển hóa di truyền thông qua sàng lọc sơ sinh giúp giảm tỷ lệ tàn tật, giảm tỷ lệ người thiểu năng trí tuệ, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Việc tăng dân số của tỉnh trong những năm qua chủ yếu là tăng cơ học, do lượng dân nhập cư từ các tỉnh, thành khác đến Bình Dương sinh sống và làm việc hàng năm đều tăng. Điều này đã có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế, tuy nhiên cũng gây khó khăn và ảnh hưởng không nhỏ trong việc quản lý thực hiện chương trình DS-KHHGĐ của tỉnh nhà. Bởi thế, theo các bác sĩ thuộc Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, thực hiện SLTSSS sẽ có 3 lợi ích lớn. Đối với xã hội, giảm số lượng trẻ chậm phát triển, dị tật bẩm sinh, nhiễm bệnh; giảm gánh nặng cho xã hội vì phải chăm sóc người tàn tật không có khả năng hòa nhập cộng đồng... Đối với gia đình, đỡ mất thời gian chăm sóc trẻ thiểu năng trí tuệ, có nhiều thời gian để lao động, làm việc, chăm sóc xây dựng gia đình và cuộc sống; tiết kiệm được thời gian, nguồn kinh phí và không phải chi trả dịch vụ chăm sóc cho trẻ. Đối với đất nước, nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nòi giống, vì sự nghiệp trồng người và phát triển đất nước; tạo nguồn nhân lực với chất lượng cao, đóng góp sức sản xuất cho đất nước. Không chỉ có vậy, những người thoát khỏi tàn tật sẽ tiếp tục lao động đóng góp cho xã hội.

Những kết quả bước đầu

Theo đề án SLTSSS giai đoạn 2011-2015 đã được UBND tỉnh phê duyệt, tỷ lệ tham gia sàng lọc trước sinh năm 2011 là 1%, năm 2012 là 4%; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh năm 2011 là 4,3% và năm 2012 là 8%. Sau một thời gian thực hiện, bước đầu đã mang lại những hiệu quả tích cực. Kết quả triển khai năm 2011 tại 5 huyện và 30 xã, phường trên địa bàn tỉnh, chỉ tiêu đưa ra đều đạt 100% kế hoạch. Để triển khai thực hiện đề án một cách hiệu quả, tại 5 huyện, thị và 30 xã, phường đều đã tổ chức hội nghị triển khai về kiến thức SLTSSS. Ngoài ra, ngành y tế còn gửi cán bộ giảng viên của tỉnh đi tập huấn kỹ thuật lấy máu gót chân  tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ; tuyên truyền qua thông tin đại chúng các đài phát thanh của 5 huyện và 30 xã, phường có đề án; cử cán bộ đi tập huấn siêu âm tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ; tổ chức 9 lớp tập huấn tuyên truyền về SLTSSS tại 5 huyện, thị với 648 người tham dự; tổ chức tập huấn kỹ thuật lấy máu gót chân cho 5 huyện, thị và 30 xã, phường với 67 người tham dự; tổ chức tư vấn về SLTSSS cho phụ nữ mang thai tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản và Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho 1.014 phụ nữ đang mang thai; tổ chức lấy máu gót chân cho 500 trẻ sơ sinh (từ 36 giờ đến 48 giờ) tại các cơ sở y tế tỉnh, qua đó phát hiện 2 ca bị bệnh thiếu men G6PD; xét nghiệm huyết đồ cho 190 phụ nữ mang thai, phát hiện 30 ca thiếu máu và sắt; đo độ mờ da gáy 190 ca, không phát hiện ca nào bị bệnh. Trong 5 tháng đầu năm 2012, ngoài duy trì hoạt động đề án trên tại 5 huyện, thị và 30 xã, phường của năm 2011, còn mở rộng thêm 36 xã, phường khác. Tính đến cuối tháng 5-2012, đã lấy máu gót chân được 300 mẫu.

Một trong những bài học kinh nghiệm giúp Bình Dương triển khai thực hiện đề án SLTSSS đạt những kết quả ban đầu, theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hội, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, đó là khả năng đáp ứng chuyên môn kỹ thuật và sự phối hợp giữa các đơn vị thực hiện đề án. Ngoài ra, còn có một số bài học kinh nghiệm khác, đó là: tổ chức tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các lớp tập huấn, nói chuyện chuyên đề cho lãnh đạo chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội nhằm nâng cao sự hiểu biết, vận động lãnh đạo cộng đồng ủng hộ chương trình chẩn đoán trước sinh và sàng lọc sơ sinh; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề cho nhân dân địa bàn triển khai đề án nhằm nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng về chẩn đoán trước sinh và sàng lọc sơ sinh; phối kết hợp với Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ trong việc chỉ đạo về chuyên môn kỹ thuật...

CẨM LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=751
Quay lên trên