TP. Thủ Dầu Một: Chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết

Cập nhật: 21-08-2014 | 09:38:16

Theo ghi nhận của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, hiện nay TP.Thủ Dầu Một là địa phương có nhiều ca mắc sốt xuất huyết (SXH) nhất, với 302 ca trong tổng số 884 ca trong toàn tỉnh. Hiện nay bệnh SXH đang vào mùa cao điểm nên ngành y tế TP.Thủ Dầu Một cũng đang tăng cường các biện pháp để chủ động phòng chống dịch…

 Người dân đang được tư vấn, khám bệnh tại Trung tâm Y tế TP.TDM Ảnh: QUỲNH NHƯ

Nhiều người dân còn chủ quan

Trong tháng 7-2014 trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một đã xảy ra 56 ca mắc SXH, nâng tổng số ca mắc SXH trên địa bàn thành phố từ đầu năm đến nay lên hơn 300 ca. Trong đó các địa bàn có số ca mắc SXH cao là phường Phú Hòa (69 ca), phường Phú Lợi (40 ca), phường Chánh Nghĩa (30 ca)…

Bác sĩ Phan Kim Sương, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh (Trung tâm y tế TP.Thủ Dầu Một) cho biết, nguyên nhân xảy ra nhiều ca mắc SXH trên địa bàn thành phố là do có đông dân nhập cư và nhất là tình hình vệ sinh môi trường kém tại các khu nhà trọ. Một nguyên nhân quan trọng khác là ý thức của nhiều người dân còn chưa cao trong việc phòng bệnh SXH, nhiều trường hợp tuyên truyền viên đi phát tờ rơi tuyên truyền SXH cho người dân nhưng khi tuyên truyền viên chưa đi khỏi thì họ đã vứt tờ rơi chứ không hề quan tâm. Hầu hết người dân đều biết bệnh SXH là do muỗi truyền và phải diệt lăng quăng để không có muỗi, nhưng nhiều người vẫn chủ quan lơ là không thực hiện theo các khuyến cáo của ngành y tế nên vẫn còn xảy ra nhiều ca bệnh SXH.

Chủ động phòng chống bệnh SXH

Bác sĩ Phan Kim Sương cho biết từ đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế TP.Thủ Dầu Một đã phát hiện 30 ổ dịch SXH nhỏ và đã tiến hành xử lý được 29 ổ dịch. Thời gian qua, Trung tâm Y tế TP.Thủ Dầu Một cũng đã tiến hành phun hóa chất dập dịch trên diện rộng ở phường Phú Lợi và phường Phú Thọ; tổ chức 2 đợt tổng vệ sinh môi trường; thường xuyên tuyên truyền phòng bệnh SXH trên loa đài địa phương, hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường… Bác sĩ Sương cho biết thêm, hiện nay ở phường Phú Hòa bệnh SXH đang gia tăng nên dự kiến sắp tới sẽ tổ chức phun hóa chất trên diện rộng để dập dịch.

Bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nhi BVĐK tỉnh cho biết dấu hiệu của trẻ bị SXH là sốt cao liên tục từ 2-7 ngày, có thể có các biểu hiện xuất huyết như chấm xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, tiêu ra máu. Ngoài ra trẻ còn có các biểu hiện như nhức đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhức hai hốc mắt. Bệnh SXH hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh và phương pháp điều trị hiện nay trên thế giới là điều trị triệu chứng. Theo bác sĩ Nguyệt, tốt nhất nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời khi trẻ bị sốt từ 2 ngày trở lên

Để phòng bệnh SXH, biện pháp chủ yếu là tránh muỗi đốt, diệt lăng quăng, diệt muỗi bằng cách vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, phát quang bụi rậm, không để nước đọng quanh nhà, dùng thuốc diệt muỗi, cho trẻ ngủ mùng...

 

 ĐỨC LÊ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên