Nếu bạn đã lỡ quan hệ tình dục không bảo vệ, hoặc bảo vệ không đầy đủ mà không muốn có thai thì bạn còn có 120 giờ để tìm ra giải pháp nhằm tránh mang thai ngoài ý muốn. Do đó giải pháp tránh thai khẩn cấp (TTKC) được sử dụng trong những trường hợp này.
TTKC bao gồm tất cả các phương pháp sử dụng sau giao hợp để tránh thai, không kể các phương pháp phá thai. Cụ thể dùng thuốc liều cao. Tổng liều: 1,5mg Levonorgestrel hoặc 3mg Norgestrel (liều duy nhất). Cả 2 viên thuốc (0,75 mg/viên) có thể được uống một lần hoặc chia làm hai lần, uống liều đầu tiên càng sớm càng tốt sau giao hợp không bảo vệ, uống liều hai cách liều đầu sau 12 giờ. Tỷ lệ có thai sau khi dùng khoảng 1,1%.
Ngừa thai khẩn cấp là phương pháp tối ưu trong những trường hợp sau: Thất bại những phương pháp tránh thai như vỡ hoặc tuột bao cao su; sai vị trí màng ngăn cổ tử cung; quên uống 3 viên thuốc hoặc hơn; bắt đầu vỉ thuốc mới trễ 3 ngày hoặc hơn; tiêm thuốc tránh thai trễ hơn 2 tuần (3 tháng) hoặc hơn 7 ngày (1 tháng); tính sai ngày trong phương pháp tránh thai tự nhiên, giao hợp gián đoạn thất bại; bị cưỡng hiếp; phụ nữ giao hợp không thường xuyên (1 - 2 lần/năm).
Tác dụng phụ có thể xảy ra là phụ nữ bị buồn nôn khi uống liều đầu của phác đồ 2 liều. Nếu không có kinh trong vòng 21 ngày hoặc trễ hơn 7 ngày so với ngày kinh dự kiến nên thử thai. Thuốc ngừa thai khẩn cấp không làm tăng nguy cơ dị tật hoặc sẩy thai.
Bên cạnh việc dùng thuốc, bạn còn có thể lựa chọn giải pháp đặt dụng cụ tử cung có đồng trong vòng 5 ngày sau giao hợp không bảo vệ. Đây là phương pháp hiệu quả nhất hiện tại, nguy cơ có thai sau khi dùng chỉ là 0,1%. Phương pháp này còn giúp tránh thai lâu dài, tuy nhiên cần phải có nhân viên y tế khám và đặt. Những chống chỉ định và theo dõi giống như đặt dụng cụ tử cung để tránh thai lâu dài và rất thận trọng trên các đối tượng chưa sanh.
TTKC bằng thuốc như đúng tên gọi của nó là phương pháp để ngừa thai trong những trường hợp “khẩn cấp”, chị em không nên xem phương pháp này như là phương pháp tránh thai lâu dài vì hiệu quả không cao và không bảo vệ được tránh thai ngay cả lần giao hợp tiếp theo. Sự sẵn có của các phương pháp TTKC giúp giảm mang thai ngoài ý muốn, do đó giúp giảm tỷ lệ nạo phá thai.
Ths. BS Nguyễn Thị Bích Ty
(Khoa Kế hoạch hóa gia đình - BV Từ Dũ)
“Tình trạng nạo phá thai đang tăng trong giới trẻ chưa lập gia đình, chiếm gần 30% tổng số ca phá thai. Đặc biệt trong số đó có tới 53% phá thai muộn, không an toàn và phá thai trên 1 lần”. Thông tin này được đưa ra tại hội thảo “Tạo môi trường ủng hộ thanh niên chưa kết hôn tiếp nhận dịch vụ tư vấn sau phá thai đầy đủ thân thiện và chuẩn mực”, vừa được tổ chức tại Hà Nội. Số liệu công bố của Viện Sức khỏe sinh sản và Gia đình, cho biết Việt Nam là một trong 3 nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, trung bình mỗi ngày có 20 ca nạo phá thai, trong đó 20 - 30% người phá thai ở lứa tuổi vị thành niên. Cả nước có 5% em gái sinh con trước 18 tuổi và 15% sinh con trước 20 tuổi. Theo một điều tra thì có tới 71% thanh niên không sử dụng bao cao su trong lần quan hệ đầu tiên. (M.Tâm)