Triển khai nhiều biện pháp phòng chống bệnh tay - chân - miệng

Cập nhật: 29-08-2011 | 00:00:00

Hiện nay, cả nước đã ghi nhận 32.588 trường hợp mắc tay - chân - miệng (TCM) tại 52 địa phương, trong đó có 81 trường hợp tử vong tại 17 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phía Nam. Tại Bình Dương, tính đến ngày 15-8, bệnh đã xảy ra ở 7 huyện, thị với 1.347 trường hợp mắc TCM, cao gấp 3,4 lần so với cùng kỳ (1.347/399), trong đó có 8 ca tử vong. Theo nhận định của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế: dịch bệnh TCM có nguy cơ tiếp tục lan rộng ra các tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt khi các trường bắt đầu bước vào năm học mới.

  Bệnh TCM đang lây lan nhanh khiến bệnh viện quá tải

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa có Công văn số 3760/BGDĐT-CTHSSV gửi các Sở GD-ĐT các tỉnh, thành trong cả nước về việc tăng cường phòng, chống bệnh TCM trong trường học. Để chủ động phòng, chống bệnh TCM không lây lan trong các nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, bộ yêu cầu các sở GD-ĐT tăng cường truyền thông giáo dục cho trẻ em, học sinh thực hiện tốt các hành vi vệ sinh cá nhân như: vệ sinh răng, miệng; rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi chơi chung đồ chơi; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; đặc biệt chú ý khâu xử lý phân, chất thải trong trường học để tránh lây lan mầm bệnh. Đồng thời, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho thầy, cô giáo và cha mẹ học sinh kiến thức về các biện pháp phòng, chống bệnh TCM; phải theo dõi trẻ hàng ngày, khi trẻ đến lớp, phát hiện sớm các trường hợp có hiểu hiện sốt, loét miệng, phỏng nước để thông báo cho gia đình và cơ quan y tế xử lý kịp thời.

Hiện nay, công tác phòng dịch bệnh TCM trên địa bàn tỉnh đang được ngành y tế phối hợp các ban ngành, đoàn thể triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh. Đặc biệt là sự phối hợp của ngành GD-ĐT tuyên truyền và hướng dẫn vệ sinh môi trường lớp học, đồ chơi, giáo cụ, nhất là rửa tay bằng xà phòng ngăn ngừa lây bệnh TCM. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tham mưu với Sở Y tế phối hợp cùng Sở GD-ĐT rà soát, đánh giá tình hình vệ sinh của các trường. Sở Y tế cũng tiến hành tập huấn kiến thức về bệnh TCM và phòng bệnh cho toàn bộ giáo viên, trong đó chủ yếu là khối mầm non; tổ chức tập huấn, cách xử lý và các phụ huynh cần phải chung tay, bởi thực tế nhiều trường hợp bệnh là do trẻ mang mầm bệnh từ nhà vào trường rồi sau đó lây lan qua trẻ khác.

Qua phân tích tình hình, quy luật diễn biến của bệnh TCM, trong những tháng từ tháng 9 tới tháng 11, số ca mắc TCM sẽ còn tiếp tục tăng và sẽ lây lan rộng hơn. Do đây là thời điểm bắt đầu năm học mới, trong khi bệnh này lại chủ yếu mắc và lây lan ở trẻ em; nếu như phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường ở các trường học không được quan tâm và thực hiện triệt để. Cho đến nay, trên thế giới cũng như tại Việt Nam đều chưa có vắcxin và thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh TCM nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu vẫn là nâng cao nhận thức của các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ.

Trường Mầm non Quốc tế Bambi (TX.TDM) chú trọng công tác vệ sinh phòng dịch và được nhà trường thực hiện thường xuyên. Cô Đàng Thị Nguyệt Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Để phòng dịch, trường thực hiện triệt để việc vệ sinh khử khuẩn. Bên cạnh khâu vệ sinh các khu vực công cộng, đồ chơi trong lớp thì tất cả đồ chơi ngoài trời và các bề mặt mà trẻ có tiếp xúc đều được vệ sinh thường xuyên bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B hoặc nước Javel với nồng độ gấp đôi trước đây. Công tác tập huấn, tuyên truyền không chỉ cho toàn bộ cán bộ, giáo viên mà còn đến tất cả phụ huynh. Mặt khác, hồ bơi của trường cũng đã dừng hoạt động để giảm nguy cơ lây bệnh”.

Cô Nguyễn Thị Thu Vân, chuyên viên Phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT cho biết: “Ngành luôn chỉ đạo thường xuyên vệ sinh cá nhân trẻ, nhóm lớp, môi trường và có kế hoạch kiểm tra. Trong tình hình dịch bệnh TCM hiện nay, ngành phối hợp ngành y tế tăng cường kiểm tra việc vệ sinh trường lớp, tập huấn cho giáo viên kiến thức phòng bệnh để hạn chế số ca mắc bệnh trong trường học ở cấp mầm non. Từ đó, giáo viên sẽ biết cách tổ chức vệ sinh tại trường, dấu hiệu nhận biết, cách xử lý đối với các trường hợp bệnh... đồng thời hướng dẫn phụ huynh cách phòng bệnh tại nhà; cách rửa tay cho trẻ bằng xà phòng theo quy định, rửa tay cho đúng cách và rửa tay trước khi ăn”.

Ngành y tế hiện vẫn đang tích cực phối hợp với các ngành, cơ quan liên quan tăng cường công tác truyền thông, giáo dục cho cộng đồng về các biện pháp phòng bệnh. Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên tục giám sát, phát hiện ổ dịch mới, tập trung xử lý triệt để, tổ chức phân tuyến điều trị hợp lý, tránh hiện tượng quá tải bệnh nhân tại bệnh viện, hạn chế tối đa tỷ lệ tử vong.

T.PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên