Những tuyên truyền viên (TTV) HIV/AIDS có người là cán bộ y tế, có người làm công tác đoàn thể và tự nhận mình “không rành về kiến thức chăm sóc sức khỏe”. Tuy nhiên, bằng sự nhiệt tình và mong muốn mọi người trang bị kiến thức để phòng chống đại dịch này, họ đã tự tìm hiểu và đi tuyên truyền, vận động người dân...
Một TTV đang trả lời phần thi kiến thức
Sở Y tế vừa tổ chức hội thi TTV giỏi phòng chống HIV/AIDS năm 2010 tại huyện Thuận An. Đây là chương trình phối hợp giữa Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương và Bộ Y tế, là một trong 20 hoạt động lớn của ngành nhân kỷ niệm 20 năm đối phó với đại dịch HIV/AIDS tại Việt Nam. Những thí sinh xuất sắc được chọn dự thi cụm tại TP.Hồ Chí Minh. Hàng chục thí sinh đã dự thi với kiến thức được trang bị trước đó từ tài liệu, từ các buổi tập huấn phòng chống HIV/AIDS do ngành y tế tổ chức. Hơn cả kiến thức là lòng nhiệt tình với công việc rất ý nghĩa này để đem đến cho cộng đồng những chuyển biến tích cực trong hiếu biết về căn bệnh này.Các TTV đã tham dự với phần thi lý luyết và thực hành. Mỗi phần 15 câu hỏi, có tài liệu hướng dẫn trả lời. Các thí sinh đã thể hiện những kiến thức, hiểu biết cơ bản về HIV/AIDS như: Ai có thể nhiễm và biểu hiện khi nhiễm HIV; những đường lây truyền HIV; tại sao lúc gọi là nhiễm HIV, lúc gọi là AIDS; đã có thuốc chữa khỏi AIDS chưa; chống kỳ thị, phân biệt với người nhiễm HIV; Luật Phòng chống HIV/AIDS... Phần câu hỏi thực hành, các TTV sẽ trả lời theo từng tình huống cụ thể. Ví dụ: một người lên thành phố làm ăn, không may nhiễm HIV và sau đó chuyển sang giai đoạn AIDS, chủ nhà xua đuổi, không cho ở trọ. Chị đành về quê sống với bố mẹ. Là TTV phải khuyên người thân chị ấy như thế nào? Với những tình huống này, TTV trở thành người... tư vấn thực thụ. Bởi, họ vừa bày cách chăm sóc người bệnh như: mang găng tay khi thay đồ bẩn, giặt đồ có dính dịch tiết của người bệnh; rửa tay sạch sẽ sau khi thay đồ dùng cá nhân, tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh; băng kín các vết thương chảy máu; giặt riêng đồ của người bệnh; không dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu, tăm xỉa răng... Ngoài ra còn tư vấn thêm cho người thân phải biết yêu thương, không hắt hủi người bệnh, khuyên người bệnh ăn uống, vệ sinh điều độ, luyện tập thể thao, tránh lo âu, buồn phiền...
Có những TTV chưa có gia đình, “đụng phải” những câu hỏi tế nhị về nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS qua đường tình dục cũng... thoáng đỏ mặt nhưng họ đã vượt qua để trả lời câu hỏi thật tốt. Nhiều người như cô Nguyễn Thị Phụng, sau khi thi cho biết: “Kiến thức tôi nắm kỹ lắm mà lên thi run quá nên quên hết trơn”. Cô Nguyễn Thị Kim Đồng (An Sơn, Thuận An) cho biết xã có 3 TTV đi thi. Cả 3 người đều đọc tài liệu, chuẩn bị bài rất kỹ và cùng nhau kiểm tra bài trước khi đi thi nữa. Cô Đồng cho biết, là cán bộ y tế cơ sở, qua thực tế tiếp xúc, nhiều người dân hiểu biết rất mơ hồ về HIV/AIDS. Thế nên, mỗi khi có dịp tiếp xúc với người dân như những buổi họp ở khu ấp mình ở, cô đều tranh thủ tuyên truyền, phổ biến cho người dân những kiến thức cần thiết để họ chủ động phòng, chống căn bệnh này hiệu quả hơn.
Bác sĩ Từ Tấn Thứ, Trưởng phòng nghiệp vụ Sở Y tế cho chúng tôi biết: đây là thời điểm đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS trong cộng đồng. Hoạt động này còn nhằm tạo mạng lưới tuyên truyền viên y tế tại cơ sở để tuyên truyền sâu rộng hơn từ đó nâng cao nhận thức, kiến thức, từng bước thay đổi hành vi, thái độ về phòng chống HIV/AIDS cho người dân. Với những TTV, bác sĩ Thứ cho rằng, đa số đã đến với hội thi bằng tâm huyết cần có của một TTV. Họ làm việc với tinh thần trách nhiệm và mong muốn đem lại một việc thật có ích cho cộng đồng để mọi người hiểu đúng, hành động đúng từ đó đối phó với nạn dịch HIV/AIDS cũng như không có ý kỳ thị, phân biệt đối xử với người có HIV.
QUỲNH NHƯ