Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định với tư cách là quốc gia thành viên, Việt Nam ngày càng thể hiện rõ vai trò tích cực, có trách nhiệm trong Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Sáng 24-9, phát biểu chào mừng Hội nghị khu vực Tây Thái Bình Dương lần thứ 63 của WHO khai mạc tại Hà Nội với sự tham dự của các vị bộ trưởng, trưởng đoàn đến 37 quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực, Phó Chủ tịch nước khẳng định, quan hệ giữa Việt Nam và WHO nói chung, Khu vực Tây Thái Bình Dương nói riêng, đã phát triển hết sức tốt đẹp kể từ năm 1976 đến nay.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu chào mừng hội nghị. WHO đã có đóng góp to lớn vào thành tựu chung của ngành y tế Việt Nam và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Việt Nam được Liên hiệp quốc đánh giá là một trong những điểm sáng về thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, đặc biệt là mục tiêu xóa đói giảm nghèo, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, khống chế hiệu quả các bệnh dịch lao, sốt rét, HIV/AIDS.
Những nỗ lực của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và tin tưởng giao trọng trách tổ chức Hội nghị Khu vực lần thứ 63 này.
Theo Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, khu vực Tây Thái Bình Dương hiện có số dân đông, đang nổi lên là khu vực phát triển năng động.
Tuy nhiên, khu vực này đang đối mặt với hàng loạt thách thức, ảnh hưởng đến việc phát triển giống nòi của mỗi quốc gia. Nhiều bệnh lạ mới xuất hiện chưa tìm ra cơ chế điều trị; tai nạn giao thông; bạo lực...
Phó Chủ tịch nước hy vọng, với sự hưởng ứng đầy thiện chí, hội nghị sẽ đưa ra những chiến lược, nghị quyết và kế hoạch hành động hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích to lớn đối với nhân dân các quốc gia thành viên, cũng như góp phần tích cực vào công tác phát triển y tế trong khu vực.
Thực hiện đường lối đổi mới, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước thông qua các cơ chế chính sách vĩ mô và đầu tư tài chính.
Các chỉ số phát triển con người của Việt Nam cao hơn so với một số quốc gia có cùng mức thu nhập bình quân tính trên đầu người.
Ngành y tế Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân, kỹ thuật y học ngày càng cao, xứng tầm với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Y tế Việt Nam đang hướng tới mục tiêu xây dựng nền y tế công bằng, hiệu quả và phát triển.
Tuy nhiên, ngành y tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như bẫy đói nghèo, sự chênh lệch về tiếp cận dịch vụ y tế giữa các vùng, miền còn lớn.
Bên cạnh đó, sự phân bổ nguồn nhân lực y tế còn chưa hợp lý; tỷ lệ chi cho y tế từ người dân còn cao; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, chất lượng dịch vụ y tế... chưa đáp ứng sự mong đợi của người dân.
Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến, đại diện nước chủ nhà lần đầu tiên đăng cai Hội nghị Khu vực của WHO nêu rõ, việc đăng cai tổ chức hội nghị khu vực đã thể hiện sự quyết tâm của Việt Nam trong hợp tác với các quốc gia vì mục tiêu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong nước và các nước trong khu vực.
Hội nghị là cột mốc quan trọng trong tiến trình hợp tác y tế giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, cũng là dịp để các nước thành viên trong khu vực chia sẻ, trao đổi các bài học kinh nghiệm thành công trong quá trình phát triển ngành y tế; thảo luận nhiều nội dung quan trọng trong khu vực.
Nhân dịp này, bộ trưởng cám ơn sự giúp đỡ hết sức quý báu và ý nghĩa của WHO và các quốc gia đã chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm và nguồn lực cho ngành y tế Việt Nam thời gian qua.
Giám đốc Khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, Tiến sĩ Shin Young-soo cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã dành những tình cảm hết sức nồng hậu và chu đáo cho các thành viên tham dự Hội nghị Y tế Khu vực Tây Thái Bình Dương lần thứ 63 tại Việt Nam.
Hội nghị là dịp để các nước thành viên tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các nước, các tổ chức khác nhau, cùng rà soát lại thành công cũng như thách thức đối với y tế các nước trong khu vực, đồng thời đưa ra các giải pháp tích cực cùng nhau ngăn chặn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến được bầu làm Chủ tịch Hội nghị khu vực Tây Thái Bình Dương lần thứ 63 của WHO.
Trong khuôn khổ Hội nghị, từ ngày 24-28.9 sẽ diễn ra các phiên thảo luận về các vấn đề y tế và dịch bệnh mà các quốc gia trong khu vực cùng quan tâm.
Kết thúc hội nghị, các thành viên sẽ thông qua 5 nghị quyết và 5 chiến lược, kế hoạch hành động khu vực.
Theo TTXVN