Việt Nam thuộc một trong mười nước giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh

Cập nhật: 08-05-2013 | 00:00:00

Theo Save the Children (Tổ chức Cứu trợ trẻ em), Việt Nam là một trong mười nước đứng đầu trên thế giới có những bước tiến xa trong việc giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh trong vòng hai thập kỷ qua.

Báo cáo thường niên về tình trạng sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh State of World Mothers số 14 của tổ chức Save the Children cho biết, tỷ lệ từ vong trẻ sơ sinh tại Việt Nam đã giảm 48% từ năm 1990 đến 2011.

 

Báo cáo của tổ chức này so sánh 176 quốc gia trên toàn thế giới để chỉ ra những nước đang thành công và những nước không đạt được thành tựu nào trong việc cứu sống và cải thiện sự sống bà mẹ và trẻ em.

Việt Nam xếp thứ 86 trong bảng xếp hạng về những nơi tốt nhất cho các bà mẹ, dựa trên các yếu tố như sức khỏe bà mẹ, tình hình kinh tế giáo dục cũng như các chỉ số thiết yếu về sức khỏe và dinh dưỡng của trẻ em.

Trong khối ASEAN, Việt Nam dẫn trên các nước trong trong khu vực như Campuchia, Lào, Philippines, Indonesia, Myanmar nhưng xếp sau các nước Thái Lan, Malaysia và Singapore.

Về tổng thể, Phần Lan là nước tốt nhất trên thế giới để làm mẹ trong khi Congo xếp cuối cùng trong danh sách.

Ngoài ra, lần đầu tiên báo cáo này cũng đưa ra các chỉ số rủi ro trong ngày đầu tiên của trẻ sơ sinh bao gồm tỷ lệ tử vong của trẻ trong ngày đầu sau sinh tại 186 nước trên thế giới. Khoảng một trong 250 trẻ em Việt Nam tử vong ngay trong ngày đầu sau khi sinh, khiến đây là giai đoạn rủi ro nhất cho bất cứ trẻ sơ sinh nào.

“Việt Nam đang trong tiến trình đạt được mục tiêu thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em. Tuy vậy, vẫn còn hơn 17 nghìn trẻ tử vong ngay trong tháng đầu tiên trong đời, trong đó rất nhiều trường hợp có thể tránh được,” ông Đoàn Anh Tuấn, Quyền Giám đốc của Save the Children tại Việt Nam cho biết.

Nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ sơ sinh tại Việt Nam gồm sinh non, ngạt và nhiễm khuẩn.

Theo báo cáo, chỉ cần từ khoảng 26 nghìn đến 120 nghìn đồng để mua bốn loại sản phẩm cho một lần điều trị là có thể cứu được 1/3 số trẻ sơ sinh tử vong mỗi năm. Nếu hầu hết các bà mẹ khi sinh con đều được người đỡ đẻ có kỹ năng giúp và những người đỡ đẻ này được chúng ta đào tạo sử dụng bốn sản phẩm trên, thì chúng ta có thể cứu được hàng nghìn ca tử vong sơ sinh không đáng có mỗi năm.

Bốn sản phẩm này bao gồm nội tiết tố dạng tiêm dùng cho các bà mẹ nguy cơ đẻ non, dụng cụ hồi sức trẻ bị ngạt khi sinh, dung dịch sát khuẩn rốn chlorhexidine và thuốc kháng sinh dạng tiêm cho các em bé bị nhiễm khuẩn và viêm phổi .

Save the Children cũng đề nghị, Việt Nam cần đầu tư cho các giải pháp chi phí thấp có thể giúp giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh một cách đáng kể. Thuốc kháng sinh dùng cho trẻ sơ sinh/trẻ em có thể ngăn ngừa và chữa trị các loại bệnh viêm nhiễm đơn thuần nhưng có thể gây tử vong.

Khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn và giữ ấm cho trẻ bằng phương pháp “chuột túi” không tốn kém mà có thể cứu sống hàng trăm nghìn trẻ em mỗi năm. Ngoài ra, những người đỡ đẻ cần được đào tạo, được hỗ trợ và được cung cấp các dụng cụ cần thiết.

Củng cố hệ thống y tế nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của phụ nữ tới người đỡ đẻ có kỹ năng. Người đỡ đẻ có kỹ năng là người có thể can thiệp cứu sống bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Bên cạnh việc đầu tư thêm cho các chương trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, các khoản đầu tư khác cho nhân viên y tế tuyến đầu và y tế cộng đồng cũng nên được chú trọng để làm sao các bà mẹ và trẻ sơ sinh dễ bị tổn thương nhất được chăm sóc và chữa trị.

Đẩy lùi các nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là sự bất bình đẳng giới và suy dinh dưỡng. Hỗ trợ các bà mẹ để họ vững vàng hơn cả về thể chất, tài chính và xã hội, từ đó giúp họ nuôi con khỏe mạnh hơn, để các em được sống và phát triển.

Theo Báo Nhân Dân

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên