NĂM 2020 CHỨNG KIẾN NHỮNG THÁCH THỨC CHƯA TỪNG CÓ TRONG LỊCH SỬ NHÂN LOẠI, NHƯNG VẪN CÓ NHỮNG ĐIỂM SÁNG, NHỮNG THÀNH CÔNG, ĐỘT PHÁ VÌ MỘT THẾ GIỚI TỐT ĐẸP HƠN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 và các đại biểu tại lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan
1. Việt Nam chủ trì thành công Năm ASEAN 2020
Chủ đề mà Việt Nam đưa ra cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020 là “gắn kết và chủ động thích ứng”. Ngay từ đầu năm, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các hoạt động của ASEAN đã được điều chỉnh theo hình thức trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp với trực tuyến. Dưới sự chủ trì của Việt Nam, các hội nghị, hoạt động trong năm 2020 của ASEAN diễn ra theo đúng kế hoạch và đạt nhiều kết quả tốt, được dư luận thế giới đánh giá cao. Đặc biệt, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) do Bộ Quốc phòng Việt Nam chủ trì ra được Tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ADMM+ về Tầm nhìn Chiến lược An ninh của ADMM+, được đánh giá là một thành công rực rỡ của nước chủ nhà sau nhiều năm ADMM+ không ra được tuyên bố chung.
2. Dịch bệnh Covid-19 làm đảo lộn thế giới
Khởi nguồn tại TP.Vũ Hán (Trung Quốc) từ cuối tháng 12-2019, Covid-19, một dịch bệnh truyền nhiễm với tác nhân là vi rút SARS-CoV-2 nhanh chóng lan rộng trên phạm vi toàn cầu. Tới cuối năm 2020, thế giới đã ghi nhận hơn 82 triệu ca nhiễm và hơn 1,8 triệu ca tử vong. Covid-19 đã tác động rất tiêu cực tới mọi mặt của cuộc sống và quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, việc bào chế thành công và triển khai tiêm nhiều loại vắc-xin ngừa Covid-19 từ cuối năm 2020 đang đem lại sự lạc quan về một tương lai tươi sáng cho thế giới.
3. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đầy kịch tính
Dư luận thế giới đổ dồn về Mỹ để theo dõi những diễn biến kịch tính trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Cuộc bầu cử có số lượng cử tri cao nhất trong lịch sử Mỹ hơn 100 năm qua diễn ra trong khi Mỹ là nước có số ca nhiễm và số người tử vong vì Covid-19 nhiều nhất thế giới. Với 306 phiếu đại cử tri ủng hộ, hơn cả con số mà đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận được trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, ông Joe Biden, ứng viên của Đảng Dân chủ, đã giành chiến thắng và sau đó cử tri đoàn bỏ phiếu khẳng định kết quả này.
Đội tuyển Xe tăng QĐND Việt Nam với tấm huy chương vàng cuộc thi “Xe tăng hành tiến”
4. Nga tổ chức thành công Hội thao Quân sự quốc tế bất chấp dịch bệnh
Hội thao Quân sự quốc tế 2020 (Army Games 2020) và Diễn đàn Kỹ thuật quân sự quốc tế 2020 (ARMY-2020) do LB Nga chủ trì tổ chức vẫn diễn ra từ ngày 23-8 đến 5-9, bất chấp dịch bệnh Covid-19. Army Games 2020 có sự tham gia của 156 đội tuyển đến từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đoàn Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam tham gia Army Games 2020 ở 11 nội dung thi đấu và Liên hoan văn hóa các dân tộc “Tình bạn không biên giới”. Sự tham gia đông đảo của đoàn QĐND Việt Nam lần này thể hiện sự ủng hộ của Việt Nam đối với những hoạt động đa phương do Bộ Quốc phòng LB Nga tổ chức, cũng như vai trò, vị trí của LB Nga trên trường quốc tế. Đội tuyển xe tăng QĐND Việt Nam đã xuất sắc giành được huy chương vàng và cúp vô địch tại bảng 2 cuộc thi “Xe tăng hành tiến”.
5. Anh và EU đạt được thỏa thuận “ly hôn”
Ngày 24-12, sau gần 9 tháng nỗ lực đàm phán, Anh và Liên minh châu Âu (EU) cuối cùng cũng đạt được thỏa thuận mở ra mối quan hệ kinh tế và an ninh mới giữa hai bên sau khi Anh rời khỏi EU (Brexit). Nước Anh sẽ chính thức là một quốc gia độc lập hoàn toàn với EU từ ngày 1-1-2021 và tránh được một cuộc “ly hôn” trong hỗn loạn với EU.
6. Xung đột bùng phát giữa Armenia và Azerbaijan
Sau nhiều năm lắng dịu, cuối tháng 9-2020, xung đột lại bùng lên dữ dội tại khu vực Nagorny - Karabakh giữa Azerbaijan (quốc gia được công nhận chủ quyền đối với Nagorny - Karabakh) và Armenia (quốc gia hậu thuẫn chính quyền ly khai ở khu vực này). Với vai trò trung gian hòa giải của Nga, hai nước đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn vào đêm 10-11. Bỏ qua các yếu tố chính trị và ngoại giao, việc Azerbaijan sử dụng hiệu quả máy bay không người lái trong cuộc đụng độ tại khu vực này khiến giới quân sự toàn cầu phải suy tính về phương thức tác chiến mới trong tương lai.
7. Bình thường hóa quan hệ Trung Đông
Trong vòng chưa đầy 4 tháng, Israel lần lượt bình thường hóa quan hệ với 4 nước Arab. Thỏa thuận về việc Israel thiết lập quan hệ ngoại giao với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain ký ngày 15-9 tại Nhà Trắng được ví như bước đột phá quan trọng trong quan hệ giữa Israel với cộng đồng Arab trong suốt 26 năm qua. Với những thỏa thuận này, UAE và Bahrain là các nước Arab tiếp theo thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel, sau Ai Cập ký thỏa thuận năm 1979 và Jordan ký hiệp ước hòa bình năm 1994. Bước đột phá này cũng mở đường để Sudan và Morocco bình thường hóa quan hệ với Israel sau đó.
8. Mỹ và Trung Quốc tiếp tục cạnh tranh quyết liệt
Cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục diễn ra gay gắt. Từ cuộc chiến thương mại hai bên áp thuế lên các hàng hóa nhập khẩu của nhau, cạnh tranh diễn ra toàn diện ở mức cao hơn trên các lĩnh vực ngoại giao, sở hữu trí tuệ, quân sự. Các cuộc tập trận liên tục do Trung Quốc và Mỹ tổ chức ở khu vực biển Đông gây quan ngại cho nhiều quốc gia trong khu vực.
9. RCEP - thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới được ký kết
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được ký ngày 15-11 giữa 10 nước ASEAN với Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. RCEP là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới với sự giao hòa đa dạng của các nền kinh tế phát triển, đang phát triển và kém phát triển. RCEP có thị trường chiếm 30% dân số thế giới, tổng GDP tương đương 30% GDP toàn cầu và chiếm gần 28% thương mại toàn cầu. Việc RCEP được ký kết sau 8 năm đàm phán càng khẳng định nỗ lực của Việt Nam với vai trò nước Chủ tịch ASEAN 2020.
10. Công ty tư nhân đầu tiên đưa người lên vũ trụ
Sáng 31-5, Tập đoàn công nghệ khám phá không gian (SpaceX) đã phóng thành công tàu vũ trụ Crew Dragon chở hai phi hành gia của NASA lên Trạm vũ trụ ISS, mở ra chương mới khi Mỹ lần đầu tiên đưa người thành công lên trạm vũ trụ sau gần một thập niên. Trước đó, năm 2011, NASA đã ngừng hoạt động tàu con thoi và từ đó Mỹ phải thuê Nga đưa các phi hành gia lên vũ trụ với giá lên tới 90 triệu đô la Mỹ/người. Với sự kiện này, SpaceX của tỷ phú Elon Musk đã trở thành tập đoàn tư nhân đầu tiên đưa người lên quỹ đạo. Tiếp đó, sáng 16-11, SpaceX lại phóng thành công tên lửa thứ hai cho NASA, đưa tàu vũ trụ Crew Dragon với phi hành đoàn 4 thành viên lên ISS.
TRIỆU PHONG (tổng hợp)