Ngày 24-9 tới đây, trường Đại học (ĐH) Bình Dương bước vào tuổi 20. Trong 20 năm qua, nhà trường từng bước khẳng định vị thế của mình và trở thành trường ĐH đa lĩnh vực, đa hệ, đào tạo nguồn nhân lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước nói chung, Bình Dương nói riêng.
GS-VS Cao Văn Phường (trái), Hiệu trưởng nhà trường trao bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh cho các học viên
Có thể nói, trường ĐH Bình Dương là mô hình giáo dục đầu tiên của tỉnh được xây dựng theo chủ trương xã hội hóa giáo dục. Từ cơ sở đơn sơ thuở ban đầu, dần dần nhà trường phát triển ngày càng lớn mạnh, cơ sở vật chất được mở rộng khang trang. Khi mới thành lập, trường đào tạo 5 ngành ĐH, đến nay trường đã được Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) cho phép mở 14 ngành với 54 chuyên ngành đào tạo các cấp học từ TCCN, cao đẳng, ĐH, sau ĐH, tiến sĩ. Trong 20 năm qua, trường ĐH Bình Dương đã đào tạo hơn 70.000 sinh viên, học viên, đã có hơn 30.000 sinh viên các hệ tốt nghiệp tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội, có nhiều sinh viên trở thành lãnh đạo các công ty, xí nghiệp, tự thân lập nghiệp; nhiều sinh viên tốt nghiệp tiến sĩ trở thành cán bộ nghiên cứu, giảng viên các trường đại học.
“Những thành tựu nhà trường đạt được trong 20 năm qua là nền tảng để trường ĐH Bình Dương tiếp tục xây dựng và phát triển, thực hiện mục tiêu: Phát huy tiềm năng của xã hội, trường ĐH Bình Dương quyết tâm xây dựng trường trở thành siêu thị tri thức với ba trụ cột: Giáo dục văn hóa - Khoa học công nghệ - Kinh tế; góp phần xây dựng nền giáo dục mở đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời cho mọi người, để trở thành công dân có trách nhiệm trong thế giới mở thông qua con đường “Cộng học” được xây dựng trên nguyên tắc: Học - Hỏi - Hiểu - Hành” (GS-VS Cao Văn Phường, Hiệu trưởng nhà trường) |
Công tác khoa học công nghệ là một trong ba trụ cột quan trọng trong chiến lược xây dựng ĐH Bình Dương. Nhiệm vụ trọng tâm trong công tác này của nhà trường là tổ chức tiếp nhận và chuyển giao công nghệ trước hết ưu tiên phục vụ cho công tác giáo dục, cho phát triển nông thôn và các vấn đề có liên quan đến các ngành nghề đào tạo của nhà trường với mục đích không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Hàng năm nhà trường trích 2 - 3% tổng thu đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học, cụ thể trong 20 năm qua, nhà trường đã triển khai 170 đề tài nghiên cứu khoa học và đã được nghiệm thu, trong đó có 42 đề tài, dự án cấp tỉnh, thành, 128 đề tài cấp trường.
Hợp tác quốc tế cũng là một mảng được nhà trường đẩy mạnh. Theo GS-VS Cao Văn Phường, Hiệu trưởng nhà trường, trong 20 năm qua, trường đã xây dựng mối liên kết hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, trao đổi tín chỉ các chương trình đào tạo với hơn 30 trường ĐH và viện nghiên cứu các nước như: Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Belarus, Ba Lan, Trung Quốc. Hàng năm trường đón tiếp giao lưu với hơn 20 đoàn khách quốc tế đến từ các nước. Được sự cho phép của Chính phủ Hàn Quốc, ĐH Chosun chính thức thành lập Trung tâm Hàn ngữ Sejong tại ĐH Bình Dương và cử giảng viên làm việc thường xuyên tại trung tâm.
Tiếp cận với nền giáo dục hiện đại của thế giới, trường ĐH Bình Dương và ĐH Northern Arizona (NAU) - Hoa Kỳ ký kết chuyển đổi các tín chỉ học tại ĐH Bình Dương sang Đại học NAU. Thời gian qua, trường đã cử nhiều chuyên gia sang tổ chức chuyên đề cho giảng viên và sinh viên ĐH Bình Dương về ngoại giao và một số ứng dụng thực tế của học thuyết quan hệ quốc tế Hoa Kỳ. Trường NAU đã tiếp nhận và hỗ trợ nhiều cán bộ ĐH Bình Dương sang thực tập tại trường. Có thể nói, hợp tác quốc tế của trường đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, khoa học công nghệ, đặc biệt góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà trường.
H.THÁI