Khi truy cập đường link để tải về, người dùng sẽ nhận được thông báo "Ứng dụng này hiện không khả dụng tại quốc gia của bạn", trong khi những điện thoại đã cài trước đây, vẫn sử dụng được bình thường.
"Mình định cài ứng dụng này cho người thân để có thể theo dõi chất lượng không khí hàng ngày, nhưng không tìm thấy, trong khi đó, mình vẫn xem được trên máy mình", anh Ngô Hùng (Khâm Thiên, Hà Nội) cho biết.
AirVisual thông báo không khả dụng tại Việt Nam. |
Ngoài việc không tìm thấy ứng dụng, trang fanpage của AirVisual đang chặn các truy cập từ người dùng Việt. Khi dùng mạng riêng ảo (VPN) từ một quốc gia khác, việc truy cập vẫn diễn ra bình thường.
Hà Nội và Hồ Chí Minh cũng biến mất khỏi bảng xếp hạng của AirVisual trong ít giờ, sau đó xuất hiện trở lại vào tối ngày 6/10. Bên cạnh đó, nguồn cấp dữ liệu chất lượng không khí của Hà Nội cũng chỉ còn một đơn vị là Cổng thông tin quan trắc môi trường Hà Nội, trong khi trước đây, thông tin trên ứng dụng cho hay họ thu thập dữ liệu từ 14 trạm kiểm soát không khí, gồm 10 trạm của chính phủ và 4 trạm của các tổ chức phi chính phủ - đối tác của AirVisual.
Trước khi "biến mất" khỏi hai kho App Store và Play Store tại Việt Nam, AirVisual từng là ứng dụng đo chất lượng không khí được tải nhiều nhất tại đây tuần trước. Trên kho ứng dụng App Store dành cho người dùng iOS, AirVisual (Air Quality) xếp thứ 2 trong hạng mục App Miễn phí. Trong khi ở phiên bản dành cho Android, ứng dụng này đứng thứ 41, xếp sau các ứng dụng mạng xã hội, chỉnh sửa ảnh, chợ điện tử...
AirVisual từng được nhiều người dùng đánh giá cao vì có thể sử dụng đa dạng trên nhiều nền tảng (iOS, Android, Web), cho phép sử dụng miễn phí, có giao diện tiếng Việt và dữ liệu được tổng hợp từ nhiều nguồn, cập nhật liên tục.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, nguyên Viện trưởng Khoa học và Công nghệ Môi trường (Đại học Bách Khoa Hà Nội), thông tin về chất lượng không khí mà AirVisual đưa ra "không chính xác". Theo ông Dũng, AirVisual đã không công bố đầy đủ cách thức họ đánh giá chất lượng không khí thế nào. Trả lời VnExpress ngày 5/10, ông Dũng nói: "Họ trả lời là lấy số liệu quan trắc của thành phố Hà Nội và Tổng cục Môi trường thì tôi được biết là các đơn vị trên chưa hề có sự đồng ý liên kết bằng văn bản nào cả. Những thông tin họ đưa ra đã không chính xác thì chưa thể đặt sự tin tưởng vào bảng xếp hạng mà họ công bố".
Theo ông Dũng, để có được đánh giá chính xác về chất lượng không khí thì cần quá trình nghiên cứu tổng hợp, dài hạn, theo một quy trình, một phương pháp luận khoa học. Thêm nữa, trạm quan trắc tự động cố định của Hà Nội không cập nhật số liệu liên tục (theo thời gian thực - real time) mà theo trung bình giờ, nhưng AirVisual lại có số liệu cập nhật liên tục (real time). Đây cũng là dấu hỏi đặt ra trong hoạt động của hệ thống AirVisual.
Liên tục trong 2 tuần vừa qua, Hà Nội và TP HCM là 2 thành phố có chỉ số AQI ở mức báo động trên AirVisual. Thậm chí, theo bảng xếp hạng 10 thành phố có chất lượng không khí xấu nhất thế giới trên tổng số 10.000 thành phố được quan trắc của ứng dụng AirVisual vào 8h ngày 26/9, Hà Nội ở vị trí số 1 (chỉ số AQI luôn trên 200 - mức Xấu), ngay sau là thủ đô Jakarta của Indonesia và TP HCM.
Hiện nay, người dùng Việt Nam có thể truy cập website của AirVisual để tham khảo thông tin về chất lượng không khí hoặc tải file apk về để cài đặt trên máy Android. Những người đã có sẵn AirVisual trên điện thoại trước đó vẫn có thể sử dụng ứng dụng một cách bình thường.
Theo VNE