Một ngày ở Trại giam Chí Hòa
Anh bạn tôi làm nghề kinh doanh san lấp mặt bằng đã mấy năm. Vào một ngày cuối năm 2011, bạn đến tìm tôi, ỉu xìu thông báo: “Mình sắp đi tù rồi”! Hỏi chuyện một hồi, tôi vỡ lẽ. Do bạn thường mua xăng dầu với số lượng khá lớn phục vụ cho mấy chiếc xe tải, xe ủi mà không biết đó là nguồn xăng dầu trôi nổi. Người bán xăng dầu đưa HĐ thanh toán, bạn vô tư cầm về báo cáo thuế, nào ngờ... Tôi nhắc bạn làm theo yêu cầu của cán bộ điều tra Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Trật tự quản lý Kinh tế và Chức vụ (PC46) Công an TP.HCM là photo mấy HĐ của Công ty L.Đ và tất cả các thứ giấy tờ liên quan để mang theo.
Để vượt qua khó khăn, một số DN vừa và nhỏ tìm cách chiếm lĩnh thị trường bằng cách đưa hàng Việt về phục vụ người tiêu dùng vùng sâu, vùng xa…
Đến ngày hẹn, tôi thu xếp đi cùng bạn. Điểm hẹn là Trại giam Chí Hòa, mặt bạn không còn giọt máu! Thì ra Phòng Cảnh sát Điều tra PC46 Công an TP.HCM nằm trong khuôn viên của Trại giam Chí Hòa, nơi giam giữ các trọng phạm. Theo bạn vào phòng lấy lời khai, tôi tranh thủ “tác nghiệp”. Biết tôi làm báo, Trung tá Đinh Văn Toàn, cán bộ điều tra vụ mua bán HĐ của Công ty L.Đ chỉ cho tôi xem chồng hồ sơ cao hơn 1m và cho biết đó là hồ sơ điều tra riêng vụ Công ty L.Đ. Trung tá Đinh Văn Toàn, cho biết: “Đây là loại tội phạm khá nguy hiểm đối với nền kinh tế. Bán HĐ “lợi nhuận” còn cao hơn cả bán… ma túy! Mỗi vụ điều tra kéo dài có khi mấy năm, đối tượng liên can như bạn chị cũng nhiều. Trong các đường dây mua bán HĐ, một số đối tượng cố ý mua bán hóa đơn để trốn thuế, số khác thì “vô tình” vi phạm. Đối với đối tượng cố ý, chúng tôi sẽ khởi tố và xử lý theo pháp luật. Riêng những Công ty mua HĐ của các công ty này chúng tôi sẽ có văn bản về đơn vị thuế trực tiếp quản lý để xử lý, truy thu thuế…”.
Khó khăn trong xử lý
Địa phương phát hiện nhiều DN “ma” và cũng là nơi xử lý hiện tượng này đến nơi đến chốn nhất ở Bình Dương là Chi cục Thuế Thuận An. Ông Lê Thành Quý, Chi cục trưởng cho biết, năm 2012 tồn chuyển sang 8 đơn vị, 10 hóa đơn, với số tiền thuế 161 triệu đồng. Trong đó, có 3 DN bỏ trốn. Quý 1 năm nay, mới phát sinh vụ việc của Công ty H.V.P.
Ông Lê Thành Quý cho biết vào ngày 11-1-2013, Chi cục Thuế Thuận An nhận được thông báo của Chi cục Thuế quận Tân Phú, TP.HCM gửi đến với nội dung: “Công ty T.H bỏ địa điểm kinh doanh, mang theo HĐ GTGT, ký hiệu TH/12P, từ số 01-500 và đối tác Công ty T.H xuất hóa đơn là Công ty H.V.P được Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bình Dương cấp giấy chứng nhận ĐKKD ngày 14-12-2012, mã số thuế 3702137089, ngành nghề ĐKKD là xây dựng nhà các loại và bán buôn đồ dùng trong gia đình, văn phòng phẩm. Tên người đại diện hợp pháp là Hoàng Văn T., CMND số 060798362, cơ quan cấp Công an Yên Bái, địa chỉ ĐKKD với cơ quan thuế: Số 49 Phan Đình Phùng, khu phố Long Thới, phường Lái Thiêu, TX.Thuận An, Bình Dương. Công ty này bắt đầu kê khai thuế từ tháng 12-2012, nhưng đến quý 1-2013, đơn vị này không nộp tờ kê khai. Qua gửi xác minh, toàn bộ hàng hóa mua vào đã kê khai tháng 12-2012 có giá trị chưa thuế là 19,19 tỷ đồng, của Công ty T.H, MST: 0312023362 là không có dấu hiệu hoạt động kinh doanh, có dấu hiệu mua bán HĐ”.
Ngày 15-3-2013, sau khi tiến hành kiểm tra, cán bộ thuế cùng địa phương lập biên bản với nội dung công ty nói trên không hoạt động tại địa điểm nêu trên. Địa điểm ĐKKD trên là không có thực. Vào ngày 20- 3-2013, Chi cục Thuế Thuận An ra thông báo về việc Công ty H.V.P đã bỏ địa chỉ kinh doanh mang theo HĐ.
Coi chừng bị… “ma ám”!
Chị Võ Thị Thanh X., chủ một cơ sở dịch vụ kế toán ở TX.Dĩ An cho biết: “Tôi làm dịch vụ kế toán nên nhận làm báo cáo thuế cho các DN đã hơn mười năm nay. Cách đây mấy năm, có lần tôi “bị” mời đến Trại giam Chí Hòa do DN tôi nhận làm báo cáo thuế vướng HĐ bất hợp pháp. Rút kinh nghiệm từ vụ này, tôi thường nhắc các DN phải “chọn mặt” DN thật kỹ. Và khi nhận một HĐ đầu vào từ DN, tôi đều tra trên mạng để xem thông tin DN, đồng thời theo dõi danh sách các DN giải thể, bỏ trốn do cơ quan thuế thông báo để “báo động” với DN. Về phía cơ sở của tôi, tôi cũng chỉ nhận làm báo cáo thuế cho các đơn vị có hoạt động sản xuất kinh doanh thật”.
Chị X. cho biết thêm, trong quá trình sản xuất, nhiều DN mua bán hàng hóa trôi nổi trên thị trường không có HĐ chứng từ, nên để cân đối đầu ra, đầu vào, nhiều DN phải tìm đến các đường dây mua bán HĐ. “Sau chuyến viếng thăm Trại giam Chí Hòa để giải trình về mấy tờ HĐ trôi nổi, giờ tôi đã rút kinh nghiệm xương máu là chỉ nhận làm báo cáo thuế cho khách hàng quen biết, có hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong quá trình tiếp nhận HĐ do DN cung cấp, nếu thấy có HĐ nghi ngờ thì kiểm tra DN xuất HĐ xem có trụ sở thật, con người thật hay không mới đưa vào chứng từ”, chị X. nói.
Trong thời gian qua, chỉ vì vô tình bị “ma ám” mà đã có không ít vị giám đốc, kế toán bị liên lụy vì tội danh “mua bán HĐ” và “trốn thuế”. Không ít DN bị truy thu thuế, xuất toán HĐ đến phá sản cũng chỉ vì vô tình bị “ma ám”, mà trường hợp anh bạn tôi nói trên là một ví dụ. Hy vọng đây cũng là bài học quý cho những ai đang dấn thân vào chốn thương trường!
“Lãnh đạo Cục Thuế tỉnh cho biết ngành thuế đã đề ra kế hoạch phối hợp với các ngành chức năng như công an, quản lý thị trường, hải quan để làm tốt công tác chống thất thu và khai thác nguồn thu thông qua việc chống các hành vi gian lận thương mại, gian lận trong hoàn thuế, trốn lậu thuế. Đặc biệt là tăng cường công tác kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các DN có hành vi mua, bán HĐ, sử dụng HĐ bất hợp pháp, thành lập DN nhằm mục đích mua bán HĐ, thu lợi bất chính, cũng như cung cấp HĐ, hợp thức hóa đầu vào, đầu ra cho nhau... nhằm gian lận tiền thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế”.
BẢO ANH