Hướng tới Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Báo Sông Bé - Bình Dương (1.12.1976 - 1.12.2016)

Ân tình với Báo Sông Bé - Bình Dương – Bài 1

Cập nhật: 26-11-2016 | 08:50:41

 LTS: Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Báo Sông Bé - Bình Dương (1.12.1976 - 1.12.2016), chúng tôi, những người đang làm báo đã gặp và phỏng vấn các cộng tác viên, độc giả trung thành trong mấy chục năm qua. Thật cảm động là tình cảm chân thành của họ dành cho tờ báo Đảng bộ địa phương vẫn vẹn nguyên. Đó cũng là nguồn khích lệ động viên giúp chúng tôi gắn bó hơn với nghề, đem đến thông tin hữu ích, kịp thời cho độc giả gần xa… Và nay, chúng tôi xin giới thiệu những “gương mặt thân quen” này.

 

Bài 1: Giọt nước mắt nhớ thương đồng đội

Hẹn đến nhà ông Nguyễn Quốc Nhân, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh để xin tư liệu và phỏng vấn ông nhân kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Báo Sông Bé - Bình Dương sắp tới (1.12.1976- 1.12.2016), ông thân tình: “Ừ, con tới lúc nào cũng được”…

 Ông là thế, luôn nhiệt tình với “cánh” báo chí, nghệ sĩ. Bởi, ông từng một thời gắn bó với tờ báo đầu tiên của tỉnh nhà. Ông cũng nếm đủ đắng cay, khổ đau của cuộc đời, đã đi qua cuộc chiến để viết nên những bài ca vọng cổ thấm đẫm tình người, tình quê.

Ông Nguyễn Quốc Nhân trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương. Ảnh: Q.NHƯ

Như một pho tư liệu sống của nhiều ngành nghề chứ không riêng gì báo chí là cảm nhận của tôi khi ông kể về những ngày làm báo ở chiến trường. Các tư liệu, hình ảnh từng con người của Ban Tuyên giáo, Văn hóa - Thể thao, Báo chí, Văn học - Nghệ thuật từ ngày còn ở căn cứ cách mạng… ông giữ gìn cẩn thận. Với trí nhớ thật minh mẫn, ông kể về nhân vật, sự kiện chính xác từ địa điểm đến ngày giờ. Thử khen một câu sao chú hay dữ vậy, ông trả lời đầy chiêm nghiệm: “Khi cái sống và chết cách nhau như đường tơ sợi tóc thì mọi sự kiện đều trở nên quan trọng. Và bởi thế, nó tự khắc in sâu trong tâm khảm mình. Bọn chú hồi đó sống nay chết mai. Đồng đội có người hy sinh tức tưởi như thế, không nhớ sao được?”…

Mười lần như một khi nói về những ngày làm báo Phú Lợi (tờ báo tiền thân của Báo Bình Dương - Sông Bé sau này), ông Quốc Nhân đều khóc! Ông vẫn còn giữ những tờ báo phát hành từ ngày đó. Đúng kiểu một tờ… nhật trình! Đó là một dạng thông báo, truyền tải những thông tin, lời kêu gọi toàn dân kháng chiến, ủng hộ cách mạng… “Hồi đó mấy anh em ai nấy viết chưa… sạch nước cản nói theo kiểu bây giờ, nhưng tinh thần làm báo chí cách mạng thì hăng say lắm. Ai cũng háo hức với nhiệm vụ mới được phân công. Chỉ có mấy ngày thôi mà chú cùng anh chị em mua giấy, mực in, viết bài, biên tập… để ra được tờ báo. Những bài báo còn sai chính tả, văn phong theo kiểu cũ, mới lung tung hết nhưng tất cả là tấm lòng, khối óc hướng đến cách mạng, muốn cống hiến cho cách mạng, cho độc lập dân tộc”, ông Quốc Nhân nói.

Tư liệu truyền thống Báo Sông Bé - Bình Dương có ghi rõ: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, mặc dù còn phải đối phó với nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng Đảng bộ tỉnh Thủ Dầu Một lúc bấy giờ đã quan tâm chỉ đạo hình thành tờ báo in với mục đích đấu tranh tố cáo tội ác kẻ thù, động viên tinh thần chiến đấu và chiến thắng của quân dân ta. 54 năm trước, cuối tháng 6-1961 tỉnh Thủ Biên giải thể, 3 tỉnh Bình Dương, Biên Hòa và Phước Thành được thành lập. Vài tháng sau, cơ quan ngôn luận của Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Bình Dương (thực chất là tiếng nói của Đảng bộ địa phương) lấy tên là Phú Lợi ra số đầu tiên. Báo xuất bản đều đặn và đến năm 1968, Báo Phú Lợi xuất bản số xuân, trên đường đưa số báo xuân này về cơ sở, cán bộ phóng viên của báo đã bị máy bay địch phát hiện tấn công, một số anh chị em hy sinh, tờ Phú Lợi sau đó phải tạm ngừng xuất bản vào năm 1970.

Kể về những chuyện này như là một nhân chứng, một người trong cuộc, ông Nguyễn Quốc Nhân không nén được xúc động. Ông nói: “Tờ báo xuân năm đó dày lắm, in đẹp rồi chứ không còn như những ngày đầu. Và, không có hình ảnh nào đẹp bằng người chiến sĩ khi ngã xuống, những tờ báo tung bay khắp nơi, trôi dập dềnh trên sóng nước. Mọi chuyện xảy ra quá nhanh, quá bất ngờ. Giá mà có phim ảnh gì ghi lại được hình ảnh đó…”.

Tình cảm với báo chí, truyền thông vẫn còn nguyên vẹn trong ông. Thường thì khi gặp nhau, ông hay nhắc nhở tôi phải luôn tự hào về nghề nghiệp mà tôi đã chọn. Đừng chùn… bút vì bất cứ lý do gì!

Còn ông, nay an nhàn với những ngày nghỉ hưu nhưng vẫn viết, vẫn in những tập nhạc để gói trọn đam mê của mình trong đó. Và, ngày nào ông cũng ghé sạp báo lấy mấy tờ để đọc. Không có báo chí, thiếu thông tin, chịu không nổi, ông chia sẻ như thế!

QUỲNH NHƯ

 Bài 2: Về một cộng tác viên - độc giả trung thành

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên