Qua hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/ HNDTW của Trung ương Hội Nông dân (ND) Việt Nam, về việc đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, hỗ trợ ND giai đoạn (2012-2016), các cấp Hội ND Bình Dương đã cụ thể hóa Nghị quyết 07 bằng nhiều chương trình, kế hoạch với nhiều nội dung phong phú, đa dạng gắn với thực hiện các chủ trương chính sách nghị quyết của Đảng, Nhà nước và của tỉnh.
Nông dân tưới hoa lan tại trang trại hoa lan ở Minh Hòa, Dầu Tiếng
Đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững
Kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 07 của TW Hội về đẩy mạnh dịch vụ, hỗ trợ ND, các cấp Hội đã cụ thể hóa nghị quyết bằng nhiều chương trình, kế hoạch với nhiều nội dung phong phú đa dạng gắn với thực hiệc các chủ trương chính sách nghị quyết của Đảng, Nhà nước và của tỉnh với 29.850 cuộc, có hơn 1.330.802 lượt người tham dự. Tính đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ ND các cấp Hội tỉnh quản lý gần 100 tỷ đồng, đã giải ngân 75 tỷ đồng cho hơn 4.500 hộ vay, vốn ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh hỗ trợ cho gần 30.000 lượt hộ với 500 tỷ đồng. Ngoài ra, các cấp Hội còn tranh thủ các nguồn lực từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà khoa học để chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn, tổ chức hội nghị đầu bờ, hướng dẫn hội viên ND áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Kết quả đã phối hợp và trực tiếp tổ chức được 4.470 lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho trên 171.900 lượt cán bộ, hội viên ND tham gia, tập hợp ND thành lập được 264 tổ hợp tác, 22 hợp tác xã nông nghiệp (NN), 260 mô hình câu lạc bộ của ND.
Phong trào làm giàu, giảm nghèo bền vững là phong trào trọng tâm được các cấp Hội đã tập trung, hướng dẫn, hỗ trợ ND tiếp cận, ứng dụng quy trình kỹ thuật, công nghệ, giống mới, đầu tư phát triển sản xuất. Kết quả 5 năm qua có 192.377 lượt hộ đăng ký, 129.653 lượt hộ ND đạt danh hiệu ND sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG) các cấp, đạt tỷ lệ 67,3%.
Đặc biệt, ngoài các nguồn vốn của các Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Đầu tư và Phát triển, Quỹ hỗ trợ ND, các cấp Hội ND đã vận động ND đoàn kết tương trợ giúp nhau với tổng số tiền gần 1.097 tỷ đồng, cho 115.080 lượt hộ vay để sản xuất, chăn nuôi. Qua tổng kết phong trào SXKDG, toàn tỉnh đã có rất nhiều cá nhân tiêu biểu như: Ông Lê Quang Minh (xã An Lập, huyện Dầu Tiếng) với mô hình tổng hợp chăn nuôi gà, bò sữa kết hợp trồng cao su; bà Vũ Thị Tuất (xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng) cũng với mô hình trồng cao su, bò sữa kết hợp thêm chim yến. Ông Võ Tuấn Kiệt (phường Chánh Nghĩa, Thủ Dầu Một) với mô hình nuôi cá dĩa. Ông Ngô Minh Hùng (xã Bạch Đằng, Tân Uyên) với mô hình trồng bưởi theo hướng VietGap. Bà Nguyễn Thanh Thủy (xã Long Nguyên, Bàu Bàng) cũng với mô hình trồng bưởi kết hợp chăn nuôi gà. Bà Nguyễn Thị Ngọc Điệp (xã Vĩnh Hòa, Phú Giáo), Nguyễn Thị Yến (xã An Điền,Bến Cát) với mô hình trang trại chăn nuôi kết hợp trồng cao su. Ông Nguyễn Sơn (phường Bình Chuẩn, Thuận An) với mô hình chăn nuôi khép kín trăn, cá sấu. Ông Nguyễn Minh Sang (phường Bình An, Dĩ An) với mô hình nuôi chim bồ câu. Ông Nguyễn Hữu Vận (xã Phước Hòa, Phú Giáo) với mô hình trang trại cao su, bưởi. Ông Mai Quốc Thái với trang trại hoa lan (Minh Hòa, Dầu Tiếng) và bưởi, vó bầu (Cây Trường, Bàu Bàng).
Và gương mẫu, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, an ninh quốc phòng
Song song với việc phát động phong trào SXKDG, các cấp Hội tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên ND tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)”. Tính đến nay, toàn tỉnh có 32 xã đạt chuẩn xã NTM. Phấn đấu đến cuối năm 2020, 100% xã đạt chuẩn xã NTM theo mục tiêu đề ra.
Cũng nằm trong mục đích xây dựng xã NTM, các cấp Hội đã ký kết 18 Chương trình Liên tịch với các sở, ngành có liên quan tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, góp phần xây dựng nếp sống văn minh đô thị, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, quốc phòng an ninh (QPAN). Hàng năm bình quân có trên 95% lượt hộ ND đạt tiêu chuẩn “Gia đình ND văn hóa”. Phong trào này cũng nổi lên một số cá nhân điển hình như ông Đoàn Minh Chiến (xã Tân Định, Bắc Tân Uyên) ứng dụng phương pháp sản xuất tiên tiến, tiết kiệm chi phí, tích cực đóng góp các loại quỹ. Bà Nguyễn Thị Kim Uyên (xã An Sơn, Thuận An), ông Trần Văn Hồng, Nguyễn Tuấn Phương (phường Khánh Bình, Tân Uyên), ông Đặng Thanh Tuấn (xã Trừ Văn Thố, Bàu Bàng), bà Trần Thị Thêm (phường Chánh Phú Hòa, Bến Cát) hiến đất làm chợ, đường, đèn chiếu sáng… Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Long (xã Lai Uyên, Bàu Bàng) đã có sáng kiến chế tạo máy quét lá, máy rải phân và máy phun thuốc chăm sóc, trị bệnh cho cây cao su. Bên cạnh đó còn có các tấm gương nổi bật trong thực hiện tốt nhiệm vụ QPAN trong giai đoạn mới của các ông Phạm Ngọc Bình (xã Lai Hưng, Bàu Bàng), ông Trần Hữu Khải, hội viên ND (phường Hưng Định, Thuận An), ông Nguyễn Văn Ngận (khu phố 1, phường Mỹ Phước, Bến Cát), ông Phạm Văn Đức (xã Định Hiệp, Dầu Tiếng).
Giải pháp đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước
Tại lễ kỷ niệm 86 năm xây dựng và phát triển của giai cấp ND và Hội ND Việt Nam vừa qua (14.10.1930 - 14.10.2016), ông Nguyễn Hoàng Vinh, Chủ tịch Hội ND tỉnh cùng các đại biểu là lãnh đạo các sở, ban, ngành, lãnh đạo các thời kỳ ôn lại truyền thống vẻ vang của ND và Hội ND Bình Dương, đồng thời vinh danh ND và HND tỉnh đã kế thừa và phát huy truyền thống, từng bước trưởng thành vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Từ đó, 5 năm qua (2012-2016), Hội ND Bình Dương đã thực hiện thành công các phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao (theo Quyết định 673/QĐ- TTg): Hội ND trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa xã hội nông thôn giai đoạn (2011-2020) và Quyết định số 46/2012/QĐ-UBND tỉnh về: “Những giải pháp, chính sách khuyến khích phát triển NN theo hướng NN đô thị, NN kỹ thuật cao, NN sinh thái gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2012-2015”.
Nhìn chung, tổ chức Hội ND từ tỉnh đến cơ sở thời gian qua đã không ngừng được xây dựng, củng cố và kiện toàn. Các cấp hội thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa các phong trào thi đua, trong đó, nổi bật là phong trào “Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững và làm giàu chính đáng” đã thu hút sự tham gia của đông đảo hội viên, ND trong toàn tỉnh.
Phương hướng tới, các cấp HND Bình Dương tiếp tục thực hiện Chỉ thị 39 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, Chỉ thị 03, 05 của Bộ Chính trị “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đặc biệt, qua chương trình “Đào tạo ND thành doanh nhân” do Hội ND tỉnh phối hợp với Báo Bình Dương tổ chức góp phần đổi mới tư duy ND, nhân rộng các điển hình tiên tiến. Qua đó, các cấp HND Bình Dương ngày càng nâng cao ý chí thi đua yêu nước trong cán bộ, hội viên ND trong giai đoạn cách mạng hiện nay, lập thêm nhiều thành tích trong các phong trào đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững, SXKDG, đặc biệt là xây dựng các mô hình NN đô thị, NN công nghệ cao, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
BẢO ANH