Tuy hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau nhưng những doanh nhân tiêu biểu tỉnh Bình Dương năm 2016 có điểm chung là trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay, họ đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu và kiên trì vượt qua khó khăn vươn lên khẳng định mình trên thương trường.
Ông Nguyễn Thái Minh Quang (thứ 5 từ phải qua) trong một lần đi thăm và làm việc với khách hàng doanh nghiệp Ảnh: THANH HỒNG
* Ông NGUYỄN THÁI MINH QUANG, Giám đốc Vietcombank Bình Dương:
Luôn giữ vững quan điểm “khách hàng là tất cả...”
Ông Nguyễn Thái Minh Quang (sinh năm 1973) về công tác tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương (Vietcombank Bình Dương) từ tháng 9-1999. Nhờ sự phấn đấu tốt và chứng minh được năng lực của mình, tháng 3-2014 ông đã được bổ nhiệm làm Giám đốc Chi nhánh Vietcombank Bắc Bình Dương; đến tháng 9- 2015, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Vietcombank Bình Dương.
Ông Quang chia sẻ, khi nhận nhiệm vụ quản lý, lãnh đạo Vietcombank Bình Dương, ông gặp rất nhiều sức ép, đó là làm thế nào để vừa bảo đảm tăng trưởng các chỉ tiêu vừa kiểm soát được rủi ro tín dụng. Hơn nữa, Vietcombank là một thương hiệu lớn, uy tín; văn hóa Vietcombank là chuẩn mực, đạo đức, nhân văn mà “quả ngọt” của người tiền nhiệm để lại luôn là vấn đề đặt ra để ông suy nghĩ tìm giải pháp bảo đảm hài hòa vấn đề này. Công việc ngày càng nặng nề nhưng với năng lực, kinh nghiệm quản lý điều hành là người “đứng mũi chịu sào” ông đã luôn nỗ lực; nếu đồng nghiệp nỗ lực một thì mình phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba. Nhất là người lãnh đạo phải luôn tiên phong, gương mẫu trong mọi suy nghĩ và hành động, phải tạo niềm tin và chỗ dựa vững chắc cho mọi người, từ đó họ mới đem hết lòng hết sức phục vụ đơn vị. Nhờ đó đã giúp ông vượt qua khó khăn, thách thức ban đầu để đưa ra các giải pháp thực hiện nhiệm vụ kinh doanh của đơn vị.
Ông Quang luôn quan tâm chỉ đạo và thực hiện xuyên suốt, kiên định công tác khách hàng với quan điểm “Khách hàng là tất cả, khách hàng đem lại việc làm, tạo thu nhập cho Vietcombank”. Ông đã bắt tay vào thực hiện các chương trình đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, chất lượng phục vụ khách hàng; kết hợp các chính sách, chương trình ưu đãi để tăng cường phát triển khách hàng mới, gia tăng thị phần của khách hàng hiện hữu. Trong quá trình thực hiện chương trình đổi mới, ông luôn giữ vững quan điểm và nguyên tắc công tác khách hàng là phải vì lợi ích của cả hai bên, chia sẻ cơ hội và thách thức với nhau, đồng hành cùng phát triển.
Nhờ đó, ngoài các chỉ tiêu về hoạt động thanh toán quốc tế, kinh doanh ngoại tệ, sản phẩm dịch vụ ngân hàng bán lẻ của Vietcombank Bình Dương luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đặc biệt, hiện công tác phát triển khách hàng có bước đột phá và tăng trưởng mạnh so với các năm trước đây. Hiện nay, chi nhánh đã phát triển và phục vụ hơn 4.500 khách hàng là tổ chức, doanh nghiệp và gần 400.000 khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh, tăng hơn 20% so với cuối năm 2015.
Ông Quang luôn quan niệm, nhân tố con người là yếu tố, nguyên nhân của sự thành công hay thất bại. Vì vậy, trên cương vị của mình, ông luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên; đồng thời mạnh dạn giao việc, giao quyền để biết được điểm mạnh, yếu của từng cán bộ, nhân viên nhằm phát huy năng lực, sở trường của mỗi người và có kế hoạch bồi dưỡng qua thực tế công việc.
Để động viên, tạo động lực cho cán bộ, nhân viên trong chi nhánh nỗ lực phấn đấu, toàn tâm toàn ý đối với công việc, ông Quang luôn quan tâm đến đời sống của cán bộ, nhân viên. Ông đã nghiên cứu đưa ra nhiều giải pháp tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên cơ quan; hỗ trợ, chia sẻ với gia đình họ khi gặp khó khăn… Ông cũng hết lòng ủng hộ công tác an sinh xã hội, chia sẻ trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
Trong cuộc sống, để giải quyết hài hòa giữa việc riêng và việc chung đã khó, trong công việc quản lý một tổ chức tín dụng mạnh lại càng phức tạp hơn nhiều. Giải quyết vấn đề này, theo kinh nghiệm của ông Quang, đối với việc công, luôn trách nhiệm, tâm huyết, sống chân tình với mọi người, tranh thủ sự đồng thuận, hỗ trợ của cấp trên và đồng nghiệp; đối với gia đình, luôn tìm phương pháp, thời điểm hợp lý nhất để trao đổi cho vợ con thấu hiểu và cùng chia sẻ, ủng hộ đối với công việc của mình. Nhờ vậy, ông đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao tại đơn vị mình.
Những đóng góp của ông Quang đã được Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh... ghi nhận và tuyên dương. Năm 2016, ông là doanh nhân tiêu biểu tỉnh Bình Dương.
Ông Nguyễn Xuân Phúc (giữa) tại một buổi họp giao ban thường kỳ ở công ty Ảnh: DUY CHÍ
* ÔNG NGUYỄN XUÂN PHÚC, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Logistics U&I:
Truyền lửa đam mê để cùng nhau phát triển
“Cái nghề này không khó nhưng cũng chẳng hề dễ, vì nó cần tính đồng bộ. Có nhiều tiền, tập hợp được nhiều tài năng chưa chắc đã thành công trên lĩnh vực kinh doanh logistics nếu không có lòng đam mê và sự dấn thân với công việc. Với đặc thù đó, chúng tôi phải kiên trì lựa chọn nhân sự, kiến tạo bộ máy và không ngừng truyền lửa đam mê để cùng nhau vượt khó, vươn lên trở thành một trong những nhà cung cấp dịch vụ logistics hàng đầu Việt Nam”. Ông Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Logistics U&I, người được UBND tỉnh vinh danh là doanh nhân Bình Dương tiêu biểu năm 2016 nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10) năm nay đã chia sẻ những điều tâm huyết với nghề.
Logistics là ngành mới phát triển tại Việt Nam. Từ ban đầu, U&I đã xây dựng, theo đuổi và thực hiện triết lý kinh doanh “Mỗi sản phẩm, dich vụ của công ty là một đại diện cho chất lượng và sự tín nhiệm”. Những người như ông Phúc hiện nay phần đông đều chưa được đào tạo chuyên môn đến nơi đến chốn. Trong quá trình làm việc ban đầu, ông cũng không được hỗ trợ cả về cơ chế lẫn kinh nghiệm quản lý. Chính vì thế, U&I đã xây dựng và theo đuổi thực hiện triết lý kinh doanh “Chất lượng và sự tín nhiệm của khách hàng là sản phẩm dịch vụ của chúng tôi”.
Khởi đầu, công ty chỉ có 6 cán bộ, nhân viên với số vốn chưa đến 200 triệu đồng. Công ty thực hiện các dịch vụ khai thuế hải quan (nay là đại lý hải quan), dịch vụ vận tải hàng hóa nội địa đa phương thức. Với lòng đam mê, quyết tâm theo đuổi sự nghiệp kinh doanh, ông Phúc cùng cán bộ, nhân viên công ty phải vừa tự trang
bị kiến thức chuyên môn vừa tuyển chọn nhân sự, kiến tạo và phát triển bộ máy để giảm áp lực công việc theo hướng tiết kiệm, chuyên nghiệp.
Từ việc xem trọng chữ tín, công ty đã không ngừng thay đổi chính mình, từ những việc nhỏ nhất nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất cho khách hàng với chi phí tiết kiệm nhất. Cũng nhờ xem trọng chữ tín mà cán bộ, nhân viên trong công ty biết kiềm chế cảm xúc cá nhân để bình tĩnh nhận ra, phân loại nguyên nhân của những vấn đề nhằm có giải pháp giải quyết công việc tốt nhất và hoàn thiện mình nhanh nhất.
Nhờ kiên trì rèn luyện, đến nay, Công ty Cổ phần Logistics U&I do ông Phúc lãnh đạo đã vươn lên vị trí dẫn đầu trong hệ thống Unigroup. Vốn điều lệ của công ty hiện nay là 215 tỷ đồng; tổng tài sản trên 600 tỷ đồng. Trong lĩnh vực logistics, công ty đứng thứ 10 trong nhóm 20 doanh nghiệp dịch vụ logistics hàng đầu của Việt Nam trong năm 2015. Công ty có trên 300 cán bộ, công nhân viên, đã qua đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ chuyên môn, có lòng yêu nghề và sẵn sàng đón nhận, hoàn thành những công việc khó khăn, nặng nề nhất.
Mỗi ngành nghề đều có những đòi hỏi, yêu cầu khắt khe riêng của nó. Với ngành logistics, không phải có nhiều tiền, tập hợp được nhiều người tài giỏi là kinh doanh thành công nếu thiếu lòng đam mê và sự dấn thân với công việc. Bằng chứng là trong sản xuất, kinh doanh, có nhiều người được đào tạo chuyên sâu, rất giỏi về nghiệp vụ nhưng thiếu lòng đam mê, không dám dấn thân với công việc thì không bao lâu sau cũng phải chuyển nghề. Trong khi, có những người rất đam mê công việc, chấp nhận dấn thân, tuy chưa được đầu tư kiến thức chuyên môn một cách đúng mức nhưng sau một thời gian được quan tâm bồi dưỡng họ đã trở thành những chuyên viên giỏi, gắn bó dài lâu với công việc. Đa số những người vừa giỏi nghiệp vụ vừa đam mê và dám dấn thân vì công việc của công ty hiện nay đều trở thành những cán bộ chủ chốt của công ty.
Logistics là ngành mới ở Việt Nam nhưng là thế mạnh của các nhà đầu tư nước ngoài. Dù tiềm năng thị trường còn rất lớn nhưng nếu chậm nâng cao và hoàn thiện mình thì doanh nghiệp trong nước sẽ mất dần lợi thế. Thách thức đó đã buộc Công ty Cổ phần Logistics U&I phải vận dụng mọi khả năng hiện có. Việc triển khai đồng bộ các ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các quy trình nghiệp vụ là một ví dụ về những nỗ lực của công ty trong việc vươn lên tiếp cận với nền khoa học tiên tiến. Hiện công ty đã nghiên cứu và triển khai các ứng dụng như phần mềm quản lý hàng hóa trong kho (WMS), thực hiện việc khai báo hải quan điện tử (ECUS5 VNACCS), thực hiện phần mềm quản lý văn phòng không giấy tờ (ONP), lắp đặt các thiết bị định vị hành trình cho các phương tiện vận tải (GPS)… Công ty cũng cập nhật, ứng dụng công nghệ thông tin để viết ra phần mềm riêng phục vụ Sàn giao dịch vận tải trực tuyến Vtruck do công ty quản lý vận hành. Đây là sàn giao dịch vận tải đầu tiên tại Việt Nam nhằm tận dụng “chiều rỗng” của các phương tiện vận tải, góp phần giảm chi phí, giá thành. Đặc biệt là góp phần làm giảm áp lực giao thông lên hệ thống đường bộ, góp phần tích cực vào việc giảm ùn tắc, kẹt xe tại các đô thị lớn.
Nói về dự định trong thời gian tới, ông Phúc cho biết, ngay từ khi thành lập, công ty đã luôn nhận được sự hỗ trợ quý báu của lãnh đạo tỉnh, các cơ quan chức năng, các đối tác và khách hàng. Cán bộ, nhân viên công ty luôn bảo nhau phải cố gắng hoạt động thật tốt để xứng đáng với sự hỗ trợ đó. Hiện nay, chi phí logistics tại Việt Nam nằm ở mức rất cao so với khu vực và thế giới. Để rút ngắn khoảng cách trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, doanh nghiệp và cả xã hội rất cần sự ổn định cũng như tính công khai, minh bạch về chính sách, pháp luật, trong đó có chính sách tín dụng. Vì đầu tư logictics là đầu tư đồng bộ và dài hơi.
* Ông Lê Ngọc Hiếu, Giám đốc Ngân hàng Nam Á - Chi nhánh Bình Dương:
Đa dạng hóa sản phẩm cho vay
Trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu, thị trường tài chính tại Bình Dương sẽ còn sôi nổi hơn khi có mặt ngày một nhiều các ngân hàng quốc tế. Điều này tạo ra dòng vốn không những cho các doanh nghiệp nội địa mà cho cả các nhà đầu tư nước ngoài. Đối với ngành ngân hàng, chúng tôi xem đây là thời cơ thuận lợi để đưa doanh nghiệp của mình phát triển hơn nữa. Các chi nhánh ngân hàng đều phải bảo đảm đa dạng hóa sản phẩm cho vay, cũng như đối tượng được vay là đội ngũ hàng chục ngàn doanh nghiệp tại Bình Dương.
Hiện nay, nguồn vốn nhàn rỗi trong dân là rất lớn, nguồn lực tại chỗ của Bình Dương vẫn chưa phát huy hết nội lực của mình. Trong khi đó, sức mua, tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của người dân trong tỉnh Bình Dương tăng cao chính là thời cơ của các doanh nghiệp ngân hàng. Điều quan trọng là khả năng đa dạng hóa sản phẩm cho vay cũng như huy động tốt nguồn nhàn rỗi trong dân của ngân hàng. Đây chính là thách thức cho các ngân hàng trong thời gian sắp tới.
* Ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Bình Dương:
Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân rất an tâm đầu tư vào Bình Dương
Thời gian qua, những chính sách tỉnh Bình Dương thực hiện đã làm cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân rất an tâm. Tôi tin rằng, tỉnh sẽ tiếp tục có nhiều chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh tại Bình Dương cũng như các doanh nghiệp chuẩn bị vào Bình Dương đầu tư. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân rất mong có một hành lang pháp lý cũng như chính sách rõ ràng để họ gắn bó lâu dài tại đây.
* Ông Đặng Đình Hoan, Giám đốc Công ty MTV Ngôi nhà Việt (TP.Thủ Dầu Một):
Doanh nhân, người dân cần thay đổi tư duy cho hội nhập
Những năm qua, đô thị tại Bình Dương phát triển mạnh đã tạo ra nhiều cơ hội cho ngành kiến trúc - xây dựng, trang trí nội - ngoại thất. Tuy Bình Dương vẫn chưa thể so sánh với TP.Hồ Chí Minh nhưng so với các tỉnh trong khu vực Đông Nam bộ, đây vẫn là thị trường giàu tiềm năng cho ngành liên quan tới xây dựng, kiến trúc, vật liệu xây dựng. Thu nhập bình quân đầu người của Bình Dương tăng trưởng nhanh, người dân ngày càng có thêm điều kiện để xây dựng nhà ở, tạo cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp có mặt tại Bình Dương trong lĩnh vực kiến trúc - xây dựng.
Trước thời cơ hội nhập, tôi nghĩ không những doanh nhân cần thay đổi tư duy mà bản thân người lao động, người dân cũng cần phải có sự thay đổi. Thay đổi để tiếp cận thông tin tri thức, thay đổi cung cách làm ăn, phục vụ, thay đổi tư thế của người làm công ăn lương một cách chuyên nghiệp theo đúng tinh thần “khởi nghiệp” mà Chính phủ đã đặt nhiều kỳ vọng. Có như thế, mỗi doanh nhân mới từng bước nâng tầm giá trị của doanh nghiệp và người dân, người lao động cũng nâng cao giá trị của mình khi sự hội nhập sẽ lan tỏa sâu rộng từ kinh tế đến văn hóa - xã hội.
* Ông Hứa Tuấn Phong, Giám đốc Công ty Thiết bị máy móc T.H (TX.Thuận An):
Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần nỗ lực hơn
Công ty chúng tôi dù là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhưng vẫn là doanh nghiệp nhỏ. Nhờ chính sách, cơ chế ưu đãi của địa phương, công ty ngày càng phát triển ổn định và đi vào nề nếp. Bình Dương đang chuyển mình mạnh mẽ trong xu thế hội nhập toàn cầu. Dự đoán, với Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký với Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ đổ về Bình Dương trong thời gian tới sẽ càng nhiều. Dòng vốn đầu tư nước ngoài không chỉ đến từ các tập đoàn, công ty lớn mà các công ty quy mô nhỏ và vừa cũng sẽ có mặt tại thị trường Bình Dương. Sự cạnh tranh sẽ diễn ra khốc liệt đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải “vững tay chèo” nếu không sẽ khó có chỗ đứng trên thị trường. Bài toán hợp tác đã được Công ty T.H tính tới thông qua các doanh nghiệp có mặt tại Bình Dương. Rõ ràng, xu thế liên doanh, hợp tác, đa ngành nghề sẽ là hướng đi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
PHÙNG HIẾU - PHƯƠNG AN (thực hiện)
DUY CHÍ - THANH HỒNG