Cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Ngô Nghi, người phụ nữ đã bước sang tuổi “thất thập”, người từng xếp thứ ba trong danh 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới của tạp chí Forbes trong ba năm, đã tuyên bố hoàn toàn rời khỏi vũ đài chính trị khi nghỉ hưu.
Bà Ngô được mời vào vị trí Chủ tịch danh dự của Phòng Thương mại quốc tế Trung Quốc sau khi nghỉ hưu, nhưng bà đã rất khảng khái trả lời: “Tôi nghỉ hưu và mong muốn sau đó sẽ không nắm giữ bất kỳ vị trí trong các tổ chức chính thức hay bán chính thức hoặc tổ chức phi chính phủ. Tôi hy vọng rằng, mọi người sẽ hoàn toàn quên tôi”.
Cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Ngô Nghi.
Cụm từ “hoàn toàn nghỉ hưu” được tuyên bố thể hiện sự quyết tâm của "người đàn bà thép" Trung Quốc. Bà mong muốn rũ bỏ mọi quyền lực và những ảnh hưởng xã hội từ vị trí từng có khi đã nghỉ hưu. Bà Ngô nói với mọi người rằng, bà sẽ không giữ lại bất cứ quyền lực chính trị, bổn phận hay mối quan hệ sau khi về hưu và tốt hơn là mọi người nên quên từng có một nữ chính khách nổi tiếng trên chính trường Trung Quốc.
Nhưng làm sao mọi người có thể quên được một người phụ nữ uyên thâm, sáng suốt, dũng cảm, cứng rắn và rất chu đáo? Bà không chỉ là mẫu hình với giới nữ, mà còn là mẫu hình của mọi quan chức Trung Quốc.
Được mệnh danh là "bà đầm thép của Trung Quốc", nhưng Ngô Nghi lại khiến thế giới bị ấn tượng bởi giọng nói nhẹ nhàng và nụ cười quyến rũ.
Đa số quan chức cấp cao nghỉ hưu khó có thể “rũ bỏ quyền lực” họ từng có. Quyền lực giống như thuốc phiện, nó khiến nhiều người nghiện ngập và không dứt ra được.
Bà từng góp phần quan trọng trong việc ký kết 5 hiệp định thương mại giữa Trung Quốc và Nga năm 1998, giám sát các cuộc thương thuyết khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Trong thời kỳ cuộc khủng hoảng SARS bùng nổ, bà Ngô đã thay thế ông Trương Văn Khang, bị sa thải vì che giấu thông tin, làm Bộ trưởng Y tế và lãnh đạo một ủy ban giải quyết khủng hoảng. Bà được tạp chí Time mệnh danh là ’’Nữ hoàng của sự minh bach’’ với vai trò lãnh đạo khi giải quyết cuộc khủng hoảng này. Năm 2004, bà Ngô được bầu là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất.
“Hoàn toàn nghỉ hưu” đã ẩn chứa sự hóm hỉnh của nữ chính khách nổi tiếng. Sau khi xem xét kỹ càng, không có nhiều người hiểu rõ sự sâu xa trong cụm từ ấy. Người hiểu được cảm thấy biết ơn và khâm phục bà Ngô.
Theo suy nghĩ phổ biến phương Đông, nếu một chính khách cấp cao thành thực tuyên bố rút lui, thì đã đủ để mọi người tán dương ca tụng, nhưng hiếm có hiện tượng quan chức hoàn toàn rũ bỏ mọi quyền lực hay ảnh hưởng khi đã rời chính trường.
Xã hội phương Tây tôn trọng dân chủ. Tuy nhiên, quan chức nghỉ hưu vẫn có những ràng buộc với hệ thống chính trị. Dù họ làm kinh doanh, thuyết giảng hay dẫn đầu một tổ chức nào đó, họ vẫn sử dụng những giá trị của mình để duy trì quyền lực trong một mức độ nào đó.
Bà Ngô đã tự mình “khuân đá chặn” con đường tìm kiếm quyền lực hay lợi ích khi sử dụng cum từ “hoàn toàn nghỉ hưu”. Bà cũng ngầm “báo” cho bạn bè hay người thân “đừng trông mong” vào việc sử dụng danh tiếng hay quyền lực của bà. Đó là hiện tượng hiếm có ở Trung Quốc, ở châu Á và thậm chí ở cả những nước phương Tây.
Đa số quan chức cấp cao nghỉ hưu khó có thể “rũ bỏ quyền lực” họ từng có. Quyền lực giống như thuốc phiện, nó khiến nhiều người nghiện ngập và không dứt ra được. Một người càng nắm giữ vị trí càng cao, càng khó có thể hoàn toàn đoạn tuyệt những gì họ có. Họ có thể sử dụng quyền lực từng có để tìm kiếm lợi nhuận, hay đặt thành viên trong gia đình vào vị trí kế nhiệm để tiếp tục duy trì quyền lực và ảnh hưởng.
Những chính khách trẻ tuổi khi mất vị trí do những thay đổi chính trị có thể còn cơ hội quay trở lại. Nhưng, những chính khách đã đứng tuổi, có mấy ai thực sự “hoàn toàn nghỉ hưu” như bà Ngô?
Cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Ngô Nghi sinh tháng 11-1938 tại Vũ Hán. Tháng 4-1962, bà gia nhập đảng Cộng sản. Tháng 8 cùng năm, bà tốt nghiệp khoa Lọc dầu tại Viện dầu lửa Bắc Kinh với bằng kỹ sư. Bà Ngô giữ chức phó Thị trưởng Bắc Kinh từ 1988 đến 1991. Tháng 3-2003, bà được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng.
Suốt sự nghiệp của mình, bà Ngô như một ngôi sao sáng trong “địa hạt” nam giới chiếm ưu thế như ngành công nghiệp hóa dầu hay chính trường. Dáng người nhỏ bé, mái tóc xám của bà trở nên nổi bật khi nhiều nam chính khách cố nhuộm đen tóc để che màu bạc. Bà chưa từng kết hôn. Bà có lần tâm sự: "Tôi dành 20 năm trời làm việc ở vùng núi rừng xa xôi hẻo lánh. Khi ra khỏi đó, tôi đã thực sự luống tuổi. Công việc cộng với bệnh tật, và tôi từ bỏ, tôi e không còn thời gian gây dựng gia đình riêng".
Bà sống cùng cháu gái trong một căn hộ gần Tử Cấm Thành. Ngô Nghi yêu thích văn thơ Nga và thích thú câu cá.
(THEO VNN)