Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Người nghèo sẽ tiếp cận các dịch vụ, hướng đến giảm nghèo đa chiều

Cập nhật: 31-01-2015 | 08:15:32

Sau thời gian chung lòng góp sức vì công tác giảm nghèo, đến nay, các giải pháp hỗ trợ người nghèo ở Bình Dương đã mang lại “quả ngọt, hoa thơm”... Nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo và khá giả; góp phần vì tiến trình phát triển kinh tế và an sinh xã hội trên địa bàn..., bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã khẳng định như thế.

Bình Dương là một trong 7 tỉnh nâng chuẩn nghèo cao hơn chuẩn quốc gia. Sau khi nâng chuẩn nghèo, Bình Dương vẫn còn tỷ lệ hộ nghèo (HN) nhất định. Tính đến cuối năm 2014, toàn tỉnh còn 3.197 HN, chiếm tỷ lệ 1,12% so với tổng số hộ dân và 4.286 hộ cận nghèo (HCN). Thông qua việc nâng chuẩn nghèo có thể thấy, đời sống người dân được nâng lên, công tác giảm nghèo mang lại hiệu quả tích cực. Kết quả đó phải kể đến sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp của các sở ngành, tổ chức đoàn thể, nhà hảo tâm, cộng với quyết tâm vươn lên của người nghèo. Bên cạnh đó, Bình Dương cũng đã kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình giảm nghèo các cấp; tổ chức đối thoại với HN để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của họ; tăng cường phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể tham mưu ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, phối hợp tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện ở cơ sở. Các huyện, thị, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai tổ chức thực hiện các chính sách giảm nghèo trên địa bàn với nhiều giải pháp thiết thực.

Điều kiện phát triển kinh tế của Bình Dương cũng tạo điều kiện cho người nghèo, người cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, thông qua các chính sách, chương trình y tế, giáo dục, nước sinh hoạt, nhà ở… Toàn tỉnh hiện có 3 xã không còn HN là Hội Nghĩa (TX.Tân Uyên), Thường Tân, Tân Lập (Bắc Tân Uyên); 4 huyện có tỷ lệ HN dưới 1% là TX.Dĩ An (180 hộ, tỷ lệ 0,41%), TX.Tân Uyên (102 hộ, tỷ lệ 0,44%), TX.Bến Cát (230 hộ, tỷ lệ 0,9%), huyện Bắc Tân Uyên (0,58%).

 Gia đình bà Lưu Thị Nguyệt là hộ nghèo ở khu phố Bình Đức 2, phường Bình Hòa, TX.Thuận An nhận quà tặng của UBND phường

- Bên cạnh những thuận lợi, thì công tác giảm nghèo của tỉnh đang gặp khó khăn gì, thưa bà?

- Theo tôi, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo còn gặp nhiều khó khăn. Hầu hết cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cấp xã chủ yếu là kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi, vì vậy việc hướng dẫn thực hiện chính sách và chế độ thông tin đến HN, là “cầu nối” giữa HN và chính quyền địa phương vẫn còn hạn chế. Việc tập huấn triển khai, cập nhật các văn bản mới về công tác giảm nghèo cho cán bộ cơ sở chưa thực hiện thường xuyên, liên tục. Cán bộ còn thiếu các thông tin về các chính sách mới cho HN, HCN, dẫn đến việc tham mưu, cập nhật thông tin còn hạn chế. Công tác điều tra, khảo sát HN theo chuẩn mới còn chậm, chưa bảo đảm tiến độ, ảnh hưởng đến việc xây dựng kế hoạch giảm nghèo.

Trong quá trình thống kê nguyên nhân nghèo, ngoài các nguyên nhân do thiếu vốn, thiếu đất sản xuất, thường xuyên đau ốm, bệnh tật, không còn khả năng lao động, nguyên nhân nghèo còn do hộ gia đình mắc tệ nạn xã hội. Từ đó cần có những giải pháp liên quan đến đối tượng nghèo mắc bệnh xã hội.

- Bà có thể cho biết những giải pháp để giảm nghèo bền vững?

- Chúng tôi đang xin ý kiến các ngành là thành viên Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo tỉnh về Kế hoạch giảm nghèo năm 2015 để trình UBND tỉnh ban hành. Công tác giảm nghèo sẽ theo hướng bền vững, không chạy theo thành tích, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho HN, tránh tái nghèo. Như vậy, ngành sẽ tiếp tục thực hiện các nhóm chính sách: Tín dụng ưu đãi đối với HN, HCN; đào tạo nghề, tạo việc làm cho người nghèo, người cận nghèo; tăng cường truyền thông, vận động, động viên các HN phát huy nội lực, chủ động, nỗ lực không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ bên ngoài. Chú trọng thực hiện miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên thuộc HN theo quy định; tiếp tục cấp thẻ BHYT cho 100% người nghèo, cận nghèo; triển khai các dự án khuyến công trên địa bàn các xã khó khăn (mô hình cây trồng, vật nuôi), phòng chống dịch hại...

Với sự nỗ lực, chung tay, góp sức của toàn xã hội, tôi tin rằng, công tác giảm nghèo sẽ hướng đến giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ tốt hơn, đảm bảo giảm nghèo đa chiều.

 

 THIÊN LÝ (thực hiện)

Chia sẻ bài viết
Tags
nghèo

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=688
Quay lên trên