Có những bà mẹ như thế...!

Cập nhật: 31-01-2015 | 08:15:32

Trong kháng chiến, mẹ Nguyễn Thị Gôm và Trần Thị Út đưa tiễn những người thân của mình lên đường bảo vệ Tổ quốc. Chồng, con của mẹ ra đi đã không bao giờ trở về. Để đền đáp công lao to lớn ấy, mẹ vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý “Mẹ Việt Nam anh hùng”.

Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh!

Chúng tôi tìm đến thăm mẹ Nguyễn Thị Gôm khi những ánh nắng chiều vàng còn hắt ngọn trên tàn cây cao su trước căn nhà cấp 4 khá khang trang ở địa bàn ấp 4, xã Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên. Nhìn dáng vẻ khỏe mạnh, trí nhớ còn khá tốt, ít ai nghĩ rằng mẹ đã bước sang tuổi 90 (SN 1925).

Nhớ lại, mẹ kể: “Lấy chồng từ năm 20 tuổi, mẹ có tất cả 10 người con. Ngoài người con trai thứ hai là Bùi Văn Thành (SN 1944) hy sinh, đa số các con của mẹ đều trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia cách mạng, phục vụ trong các lực lượng pháo binh (chị Tư), dân công (chị Ba), giao liên phân khu miền Đông (anh Sáu)…”. Theo lời mẹ kể, chồng mẹ là ông Bồ Văn Xây, tham gia cách mạng từ thời kháng chiến chống Pháp. Cách mạng Tháng Tám nổ ra, từ Hà Nội lan đến Bình Dương, ông cùng với lực lượng thanh niên tiền phong ở Tân Uyên với tầm vông vạt nhọn đứng lên cướp chính quyền về tay nhân dân. Sau năm 1945, ông Xây tham gia du kích, công an xã, rồi lực lượng công binh xưởng, chuyên sửa chữa, chế tạo khí giới, vũ khí cho bộ đội ta đánh giặc. Sau đó, năm 1969, chồng mẹ được Huyện ủy rút về làm Trưởng ban Tài chính của huyện. Một năm sau thì ông hy sinh.

Anh Bồ Xuân Mỹ, con trai thứ 6, nguyên Trung đội phó, thuộc đơn vị giao liên Phân khu miền Đông, trực tiếp hoạt động tại địa bàn tỉnh, cho biết: “Nghe các đồng đội của ba kể lại, cũng vào dịp đầu xuân (1970), giặc Mỹ - ngụy càn quét căn cứ của huyện tại khu vực Rừng Rong - Trao Trảo, thuộc địa bàn ấp 4, xã Vĩnh Tân. Chúng dùng xe tăng ủi, đốt phá và bắn ba chết tại căn cứ”.

Anh Mỹ cho biết thêm: “Lúc đó, anh đang công tác, nghe tin ba mất mà tim mình rụng rời với nỗi đau xé lòng. Bởi trước đó, vào tháng 5-1965, anh đã mất đi người anh trai thứ 2 của mình là Bồ Văn Thành, giờ ba lại hy sinh nên nỗi đau này có thể nói là không thể nào tả xiết, nhưng mẹ vẫn nén chặt vào lòng, hoàn thành tốt vai trò của mình là một chiến sĩ giao liên mật, hoạt động xuyên suốt từ năm 1968 cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng”.

Mẹ tự hào nói về liệt sĩ Bồ Văn Thành: “Thành đi bộ đội mấy năm, lúc về thăm nhà, chỉ xin mẹ chiếc cày gỗ bịt sắt để mang về đơn vị tăng gia sản xuất”. Anh Mỹ kể thêm: Anh Thành là đặc công trinh sát thuộc Tiểu đoàn 304, hy sinh trong trận đánh đồn Cỏ Trách (xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng). Trận này, anh ấy là đặc công nên lãnh nhiệm vụ đột nhập vào đồn từ trên nóc xuống. Khi đang ở trên máng xối, địch phát hiện bắn anh ấy trọng thương. Sau trận đánh, được quân y cứu chữa, đưa về căn cứ nhưng anh ấy đã hy sinh vì vết thương quá nặng. Lúc đó anh Thành đang là Trung đội phó trinh sát đặc công…

Về những tháng ngày mẹ dũng cảm đấu trí vượt qua hàng loạt đồn bót, chốt chặn, mật thám để giao tin tức cho các trạm liên lạc một cách an toàn, được Nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng II, anh Mỹ kể rằng: “Khi các đường dây khác bị đứt liên lạc thì mẹ nhận mật thư được viết bằng mực hóa học trên tờ giấy bạc gói thuốc lá hoặc nhét vào ống quẹt mà mẹ vẫn dùng hút thuốc. Nhờ con trai thứ 7 chở từ Bình Mỹ đến Lái Thiêu và giao mật thư hỏa tốc chuyển về an toàn cho các đồng chí lãnh đạo xử lý kịp thời”. Nghe đến đây, mẹ cười xòa: “Có gì đâu mà kể, khi giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh mà”.

Cả cuộc đời hy sinh thầm lặng

 Mẹ Trần Thị Út (SN 1925), ngụ KP.Phước Thái, phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên có thể nói là trường hợp điển hình cho phẩm chất khí tiết như bao bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Đã ngoài 90 tuổi, mắt không còn nhìn rõ như trước, khi nghe chúng tôi đề cập đến những năm tháng chiến tranh đầy mất mát nhưng rất hào hùng của đất nước, trong đó máu xương của 2 con trai mình, mẹ vẫn tỏ ra rất khí khái: “Con mình rứt ruột đẻ ra, nuôi khôn lớn ai cũng muốn nó đi làm bác sĩ, kỹ sư, nhưng đất nước bị giặc thù giày xéo thì làm sao ai mà nghĩ đến hạnh phúc, tương lai riêng tư cho đành. Bởi thế, mấy con của mẹ đứa nào muốn thoát ly tham gia cách mạng là mẹ sắm đồ cho đi. Bây giờ cháu nội của mẹ là Quảng Văn Được (SN 1994) cũng được động viên đi bộ đội, hiện đang là chiến sĩ của lực lượng vùng 4 Hải quân làm nhiệm vụ canh giữ đất trời vùng biển đảo của Tổ quốc. Không có điều gì thiêng liêng bằng tiếng gọi của Tổ quốc con à”.

Mẹ Út và chồng, là ông Quảng Văn Trạng có với nhau 8 người con (2 gái), trong đó có 2 liệt sĩ là Quảng Văn Kiềm và Quảng Trọng Thủy. Bản thân ông Trạng là cơ sở cách mạng, được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng III, từng nổi tiếng với vụ lấy súng của giặc Mỹ trong đồn Tân Khánh ở sau lưng nhà, sau đó giấu vào xe bò, mang giao cho cách mạng. Riêng mẹ thì được chiến sĩ, bộ đội ta rất yêu quý, bởi có con gà, món ngon mẹ đều dành hết cho các đồng chí, đồng đội của con. Mẹ kể, những năm ác liệt nhất của những năm tháng chiến tranh chống Mỹ là khi giặc gom dân ta vào ấp chiến lược, chia tách cách mạng với dân. Để tiếp tế lương thực thực phẩm, thuốc men và cung cấp tin tức cho cách mạng, mẹ và ông Trạng thường tìm cách ra đồng làm việc, khi về để lại cơm, thức ăn, thuốc men cho đến bao lúa trong đống rơm cho bộ đội, du kích, cơ sở ra lấy. Một lần mẹ bị giặc bắt lên phơi nắng, đánh đập, tra khảo tại bót ở khu vực sân vận động Gò Đậu ngày nay, nhưng mẹ vẫn không một lời tiết lộ về cơ sở cách mạng, ngược lại còn hiên ngang thách thức: “Mấy ông súng ống trang bị đầy mình, có giỏi thì đi tìm Việt cộng mà bắt chứ có đâu mà đem phơi nắng, tra khảo người phụ nữ như tôi!”.

Anh Quảng Văn Em, con trai út, đang phụng dưỡng mẹ kể lại: “Được ba mẹ kể lại, anh trai là Quảng Văn Kiềm (SN 1946) thoát ly gia đình tham gia cách mạng lúc còn rất trẻ, làm giao liên cho bộ đội địa phương. Sau chiến dịch Tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, địch càn quét bắn giết từ thành thị cho đến nông thôn, rừng núi. Anh hai Kiềm hy sinh trong đợt lãnh nhiệm vụ đột nhập ấp chiến lược Phước Thành tại địa phương”.

Mẹ Út hồi tưởng, hôm đó vào chiều tối ngày 26-9-1968, mẹ và chồng đang ngoài bờ ruộng, thấy máy bay bao ráp bắn phá dữ dội ở khu vực Gò Trắc, gần Miễu Bà (xã Thạnh Phước ngày nay) thì trong lòng nghe như lửa đốt không yên. Lát sau về đến nhà, mẹ rụng rời khi cơ sở đến báo tin con mẹ đã hy sinh cùng 3 đồng đội. Chòm xóm nghe tin qua chia buồn, nhưng mẹ phải nén đau, nuốt lệ vào lòng vì không muốn tụi mật thám, lính tráng kéo đến hạch sách, gây tổn thất thêm cho bà con và cách mạng. Con trai hy sinh, mẹ Út vẫn không sờn lòng, tiếp tục động viên các con mạnh dạn đáp lời sông núi khi Tổ quốc lên tiếng gọi. Lần lượt các anh Quảng Văn Đệ, Quảng Trọng Thủy cũng đều tham gia cách mạng với vai trò khác nhau. Bản thân mẹ Út thì tiếp tục cùng chồng nuôi giấu, che chở, tiếp tế cho cách mạng đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Tưởng đâu đất nước đã được hòa bình, mẹ sẽ không còn nỗi đau mất con, nhưng chiến tranh biên giới nổ ra. Tháng 6-1979, anh Quảng Trọng Thủy (chiến sĩ, đơn vị C thông tin) đã vĩnh viễn nằm xuống khi đang làm nhiệm vụ nối đường dây liên lạc thông tin trên mặt trận chiến đấu...

Khi ra về, chúng tôi còn nhớ mãi lời mẹ chia sẻ: “Khi có chiến tranh, đất nước lâm nguy, chồng con ngã xuống vì Tổ quốc thì đó là cái chết vinh quang”.

LONG VĨNH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=815
Quay lên trên