Bài học về bảo đảm công binh trong Chiến dịch Tây Bắc

Cập nhật: 16-11-2022 | 10:51:34

Trong Chiến dịch Tây Bắc năm 1952, Bộ đội Công binh (BĐCB) hoàn thành tốt nhiệm vụ mở đường, sửa đường và bảo đảm vượt sông, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ “Mở đường thắng lợi”.

Những kinh nghiệm rút ra từ bảo đảm công binh cho Chiến dịch Tây Bắc là bài học quý đối với lực lượng công binh và lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị trong toàn quân.

Tây Bắc là vùng núi cao, rừng rậm, địa hình hiểm trở, sông lớn, suối sâu, đường sá cơ động khó khăn. Lực lượng công binh tham gia chiến dịch có Trung đoàn Công binh 151 của Đại đoàn Công pháo 351 và các đại đội công binh của 3 đại đoàn (308, 312, 316) cùng hàng nghìn thanh niên xung phong (TNXP), dân công hỏa tuyến; trang bị, khí tài công binh bảo đảm cho vượt sông chủ yếu là phương tiện thô sơ và được làm bằng vật liệu tại chỗ...

Nhưng với tinh thần tự lực, mưu trí, sáng tạo và ý chí quyết tâm cao, các đơn vị công binh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ làm, sửa đường, bảo đảm cơ động cho các lực lượng chiến dịch vượt sông an toàn, trong điều kiện địch đánh phá ác liệt, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Tây Bắc. Nghiên cứu bảo đảm công binh trong Chiến dịch Tây Bắc, có thể rút ra một số bài học:

Một là, công tác chuẩn bị đường và bến vượt sông phải đi trước một bước và giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ để hoàn thành nhiệm vụ.

Bảo đảm đường và bảo đảm vượt sông trong tiến công thường phải bảo đảm trong phạm vi rộng, khối lượng lớn; vật tư, phương tiện nhiều và thời gian làm công tác chuẩn bị ngắn. Do đó, công tác chuẩn bị đường, bến vượt phải đi trước một bước. Trong Chiến dịch Tây Bắc, khu vực vượt sông Thao có lòng sông rộng, lực lượng qua sông lớn.

Sau khi qua sông, công binh bảo đảm cơ động cho các đơn vị tham gia chiến dịch trên 5 tuyến đường, mỗi đường từ 50km đến 60km, qua nhiều địa hình đèo dốc phức tạp. Nhưng do có sự chuẩn bị trước về bến vượt, mạng đường và huy động được phương tiện của nhân dân, tận dụng được vật liệu tại chỗ; đồng thời tận dụng mạng đường, bến vượt cũ kết hợp với ngụy trang, nghi binh khôn khéo đã giảm được khối lượng và thời gian làm công tác chuẩn bị, giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ, làm cho địch không kịp đối phó.

Để bảo đảm bí mật, an toàn cho các tuyến đường, công binh đã thực hiện một số biện pháp hiệu quả, như: Chọn tuyến đường đi qua những rừng cây che khuất; những đoạn đường đi qua đèo trống trải thì dùng ống bương, đan sọt đựng đất để trồng cây leo hai bên nhằm che khuất ta luy hành lang đường; mở đến đâu ngụy trang đến đó...


Bộ đội vượt suối, khe bằng cầu tạm do lực lượng công binh bảo đảm trong Chiến dịch Tây Bắc năm 1952.

Hai là, nắm chắc ý định quyết tâm tác chiến; chuẩn bị chu đáo toàn diện; tổ chức chỉ huy, chỉ đạo, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ; tập trung lực lượng, phương tiện vào nhiệm vụ chủ yếu.

Nhiệm vụ bảo đảm vượt sông và bảo đảm đường nhằm phục vụ các lực lượng cơ động triển khai đội hình tác chiến kịp thời, đúng ý định người chỉ huy. Do đó, phải có kế hoạch tổ chức, chỉ huy, chỉ đạo lực lượng công binh chặt chẽ.

Trong Chiến dịch Tây Bắc, Bộ chỉ huy đã tập trung công binh vào bảo đảm cơ động, kết hợp chặt chẽ giữa trung đoàn công binh chiến dịch, công binh các đại đoàn và lực lượng lớn dân công, TNXP. Quá trình bảo đảm cơ động, Trung đoàn Công binh 151 chủ trì, chỉ huy lực lượng sửa chữa đường 13 (gồm 6 đại đội công binh, 1 tiểu đoàn pháo cao xạ, 1 đại đội 12,7mm và 4.000 dân công).

Trung đoàn đã xây dựng kế hoạch cụ thể, hợp lý, tập trung lực lượng công binh cho nhiệm vụ sửa chữa và bảo đảm đường, lực lượng phòng không tập trung bảo vệ các trọng điểm địch đánh phá, lực lượng dân công được biên chế thành các đại đội, trung đội, tiểu đội, có ban cán sự dân công do cán bộ công binh làm nòng cốt. Nhờ tổ chức hợp lý, phân công và hiệp đồng chặt chẽ, nên chỉ sau 6 ngày đêm lao động khẩn trương dưới trời mưa tầm tã và sự đánh phá của máy bay địch, 18km đường từ Âu Lâu đến mặt trận đã sửa xong, bảo đảm cho các đoàn xe vận tải tiếp tế kịp thời cho chiến dịch. Lực lượng công binh cũng đã kịp thời thành lập Đội phá bom 83, tìm ra biện pháp chống phá bom nổ chậm của địch hiệu quả, kịp thời bảo đảm đường 13 thông suốt. Đây là những cơ sở thực tiễn quan trọng để phát triển lý luận, chiến thuật “Công binh bảo đảm giao thông trọng điểm bị máy bay địch đánh phá”...

Ba là, kết hợp tận dụng khôi phục, sửa chữa đường, bến vượt sông cũ với làm đường, bến vượt mới; vận dụng linh hoạt nhiều hình thức, biện pháp để hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm công binh.

Bảo đảm công binh trong chiến đấu có khối lượng chuẩn bị đường, bến vượt rất lớn, thời gian gấp. Nếu chỉ tập trung làm đường và bến vượt mới sẽ không bảo đảm đủ số lượng và không kịp thời gian. Do đó, phải kết hợp chặt chẽ giữa sửa chữa đường, bến vượt cũ với mở đường và làm bến vượt mới. Trong Chiến dịch Tây Bắc, khi tổ chức vượt sông Thao, công binh đã tận dụng 3 bến vượt là Âu Lâu, Mậu A và Cổ Phúc là những bến đò có sẵn của địa phương, chỉ tập trung làm và sửa đường hai bên bờ để xe, pháo lên xuống phà qua sông. Khi tổ chức bảo đảm đường, công binh đã tận dụng, cải tạo đường mòn đi rừng của nhân dân, kết hợp với làm đường mới, bảo đảm được 258km trên 5 hướng của chiến dịch. Nhờ đó, ta giảm rất nhiều thời gian, công sức nhưng vẫn bảo đảm cho các đại đoàn cơ động bí mật, an toàn, đúng thời gian.

Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng; phân công, phân cấp nhiệm vụ rõ ràng, lấy lực lượng công binh làm nòng cốt trong thực hiện các nhiệm vụ công binh chủ yếu.

Để mở đường cho lực lượng lớn bộ binh hành quân với thời gian gấp, yêu cầu bí mật cao, công binh đã dựa vào nhân dân địa phương dẫn đường, tìm tuyến, làm bậc, làm tay vịn... trên các con đường qua đèo dốc. Bộ chỉ huy chiến dịch tập trung sử dụng công binh vào bảo đảm vận chuyển, kết hợp chặt chẽ giữa trung đoàn công binh chiến dịch, công binh các đại đoàn với lực lượng lớn dân công, TNXP. Ngoài công binh là lực lượng chủ yếu bảo đảm vượt sông, đã huy động TNXP và thuyền nan, thuyền gỗ... của nhân dân hai bờ sông Thao. Chính vì tổ chức chặt chẽ, chuẩn bị chu đáo, huy động được nhiều lực lượng tham gia nên dù bảo đảm lực lượng lớn qua sông, liên tục trong 3 đêm trên 3 bến vượt, trong điều kiện mưa to, gió lớn và máy bay địch đánh phá ác liệt, nhưng ta vẫn bảo đảm vượt sông bí mật, an toàn, đúng thời gian...

Những kinh nghiệm về nghệ thuật tổ chức, chỉ huy thực hiện nhiệm vụ trong Chiến dịch Tây Bắc hiện nay vẫn là bài học quý của BĐCB.

Thiếu tướng TRẦN TRUNG HÒA, Tư lệnh Binh chủng Công binh

Theo QĐND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=289
Quay lên trên