Toàn tỉnh Bình Dương hiện có trên 5.000km đường bộ, gồm 75km đường quốc lộ, 725km đường đô thị, 462km đường tỉnh, 938km đường huyện và gần 3.000km đường xã. So với các địa phương khác trong cả nước, mật độ đường bộ của tỉnh chiếm khá cao, đạt gần 2km/ km2; được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bảo đảm đường bền chắc
Trong chương trình giám sát thực tế sử dụng và bảo trì đường bộ của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đối với các huyện Dầu Tiếng và Bắc Tân Uyên, đoàn đã tìm hiểu thực tế nhiều tuyến đường tại 2 địa phương này. Tại đường ĐH411 ở huyện Bắc Tân Uyên, đây là tuyến đường láng nhựa được tỉnh phân cấp cho địa phương quản lý. Ông Bùi Quang Phúc, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện, cho biết do đã được đầu tư từ trước theo hình thức láng nhựa nên độ chịu tải của mặt đường không cao, lại bị xe tải nặng vượt tải trọng cho phép lưu thông thường xuyên nên mặt đường bong tróc nhanh. Vì thiếu kinh phí, thủ tục rườm rà nên từ “ổ gà” lúc khảo sát, đến khi thi công đã biến thành “ổ voi”, xe ô tô, xe tải không đi lại được vì bị vướng trục xe.
Một tuyến đường nội ô ở phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát đang được bảo trì. Ảnh: DUY CHÍ
“Để khỏi phải vá đi vá lại nhiều lần tốn kém kinh phí, địa phương vừa tham khảo ý kiến các nhà tư vấn, nhà thầu xây dựng, vừa học tập kinh nghiệm của tỉnh, của các nơi, cuối cùng phải thay đổi cách làm từ “vá áo theo kiểu thủng đâu vá đó, sang vá theo mảng để cuối cùng có được chiếc áo vá” nhằm bảo đảm sử dụng lâu dài, tiết kiệm vốn đầu tư của Nhà nước. Cách làm này tuy thiếu thẩm mỹ nhưng bảo đảm được tính an toàn giao thông và công trình sử dụng được lâu dài”, ông Phúc nói.
Đề cập đến những khó khăn về nguồn vốn và thủ tục đấu tư bảo trì đường bộ hiện nay, ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, cho biết mặt đường hư hỏng, xuống cấp của một số tuyến đường trên địa bàn tỉnh lãnh đạo sở đã nhìn thấy và đã bắt tay vào thực hiện từ đầu năm. Hiện nay, tiến độ thực hiện các tuyến đường diễn ra đúng theo kế hoạch đã đề ra.
“Ứng biến” kịp thời
Tìm hiểu được biết, mỗi năm tỉnh Bình Dương thu Quỹ bảo trì đường bộ trên 200 tỷ đồng. Luật quy định địa phương được trích lại 35% để duy tu, bảo dưỡng hệ thống đường bộ, nhưng khoản trích lại thường không đủ, lại phải bảo đảm các thủ tục như: Chọn đơn vị tư vấn thiết kế khảo sát và lập hồ sơ ghi rõ tọa độ, mức độ hư hỏng cụ thể… rồi lập dự án sửa chữa, bảo trì. Hoàn chỉnh bước này rồi mới đến khâu đấu thầu; thời gian từ ngày thông báo thầu đến khi đóng hồ sơ phải chờ đủ 45 ngày mới được mở thầu, sau đó là các bước thẩm định, thỏa thuận… Quy trình này nếu thuận lợi sớm nhất phải mất 6 tháng. Dù đã liên tục nhắc nhở, hối thúc nhưng đến thời điểm này công tác chuẩn bị bảo trì, bảo dưỡng đường bộ năm 2016 vẫn còn ở khâu… hồ sơ.
Theo ông Luận, để bảo đảm giao thông thông suốt, ngành giao thông - vận tải của tỉnh phải thực hiện các giải pháp mang tính tình thế, đó là: Trong thời gian chuẩn bị hồ sơ, lập dự toán, đơn vị phải “nhờ” Đoạn Quản lý đường bộ kết hợp thực hiện dặm vá, trên cơ sở hư hỏng mà đơn vị tư vấn thiết kế đã khảo sát nhằm tránh tình trạng “ổ gà” khi khảo sát đến lúc thi công đã thành “ao” phải chỉnh sửa hồ sơ mất rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, công việc, khối lượng thi công do Đoạn Quản lý đường bộ thực hiện được thương lượng với đơn vị trúng thầu để có cơ sở hoàn trả nhằm tiết kiệm thời gian, không phát sinh thêm hư hỏng… “Nói thì nghe ngắn gọn, dễ dàng nhưng thực hiện thì rất gian nan. Để bảo đảm dặm vá kịp thời trong điều kiện vốn đầu tư eo hẹp, ngành giao thông - vận tải tỉnh đã thực hiện giải pháp nói trên”, ông Luận nói.
DUY CHÍ