Năm 2020 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Nhằm tiếp tục phát huy các thế mạnh, cải thiện những điểm còn hạn chế trong năm qua, tỉnh đặt mục tiêu bảo đảm tăng trưởng ổn định và bền vững; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ; cùng với đó chú trọng chất lượng tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Bình Dương đã và đang nỗ lực bảo đảm kinh tế phát triển ổn định và bền vững. Trong ảnh: Sản xuất gỗ xuất khẩu tại Công ty Kaiser Bình Dương. Ảnh: XUÂN THI
Tăng tỷ trọng ngành dịch vụ
Năm 2019, tỉnh đã đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm. Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh tiếp tục được cải thiện, thu hút đầu tư nước ngoài đạt kết quả khả quan và theo đúng định hướng, quy hoạch của tỉnh; thặng dư thương mại tiếp tục gia tăng.
Tiếp tục phát huy các thế mạnh và cải thiện những điểm còn hạn chế trong năm qua, năm 2020 tỉnh đặt mục tiêu bảo đảm tăng trưởng ổn định và bền vững; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ; chú trọng chất lượng tăng trưởng. Theo đó, tỉnh phấn đấu giá trị gia tăng ngành dịch vụ tăng 10,1%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 19,9%, kim ngạch xuất khẩu tăng 15% so với năm 2019...
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết năm nay sở sẽ triển khai tốt Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu và sách, tập vở, dụng cụ học sinh; tăng cường phát triển hạ tầng thương mại; tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ logistics, thương mại điện tử. Bên cạnh đó, sở sẽ tăng cường năng lực hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng vệ thương mại, gian lận thương mại; phối hợp làm tốt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và chống sản xuất, buôn bán hàng giả...
Kinh tế thương mại vẫn tăng trưởng ổn định. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại Siêu thị Aeon Mall. Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Đáng chú ý, năm 2019 tỉnh đã tổ chức lễ công bố dự án Trung tâm Thương mại thế giới Bình Dương. Dự án được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy cho các nhà đầu tư dịch vụ, doanh nghiệp vừa và nhỏ từng bước tiếp cận và chuẩn hóa quy trình hoạt động, tiến gần hơn với tiêu chuẩn thế giới, kết nối vào dòng chảy thương mại toàn cầu. Dự án sau khi hoàn thành sẽ là một không gian phức hợp về công năng, đa dạng về loại hình dịch vụ, đầy đủ tiện ích; là điểm đến lý tưởng cho các hoạt động kinh doanh, văn hóa, hoạt động cộng đồng diễn ra cả ngày và đêm. Nơi đây sẽ là một quần thể bao gồm trung tâm hội chợ, hội nghị quốc tế, khách sạn, khu mua sắm, khu văn phòng, nhà ga metro kết nối với tuyến metro số 1 của TP.Hồ Chí Minh.
Khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Ông Phú Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết tiếp tục triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, trong năm này sở tham mưu UBND tỉnh rà soát, kiến nghị hoàn thiện dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) theo hướng bãi bỏ hoặc đơn giản hóa các thủ tục không cần thiết, không phù hợp nhằm rút ngắn thời gian và chi phí gia nhập thị trường.
Năm nay, tỉnh phấn đấu Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,55% so với năm 2019. Cùng với đó, tỉnh đẩy nhanh tiến độ lập đề án xây dựng khu công nghiệp khoa học - công nghệ, khu - cụm công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; khuyến khích doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ở phía nam chuyển đổi công năng sang phát triển thương mại - dịch vụ, đô thị và công nghiệp công nghệ cao. Hiện tỉnh đã có dự án Khu công nghiệp khoa học - công nghệ (KCN KHCN) do Tổng Công ty Becamex IDC làm chủ đầu tư. Đây là một trong những dự án trọng điểm, mũi nhọn của tỉnh để tạo đột phá mang tính nền tảng cho việc hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh.
Theo nhà đầu tư dự án này, việc xây dựng KCN KHCN nhằm thu hút đầu tư sản xuất có giá trị gia tăng cao, từng bước xây dựng nền sản xuất công nghệ cao trong các ngành công nghiệp chiến lược của cả vùng. Đây là một trong những dự án được tỉnh triển khai thực hiện trong kế hoạch xây dựng thành phố thông minh năm 2020. Ông Nguyễn Hoàng Vũ, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết triển khai thực hiện dự án KCN KHCN, Becamex IDC đã làm việc với các đơn vị tư vấn, đặc biệt hợp tác chặt chẽ với đối tác tư vấn quốc tế là Hiệp hội Đô thị KHCN thế giới (WTA) để xây dựng mô hình, ý tưởng, phương án thực hiện, chiến lược và chính sách phát triển đưa ra định hướng về các ngành nghề mũi nhọn phát triển.
Becamex IDC còn chủ động làm việc với đối tác là các nhà đầu tư sản xuất công nghệ cao, tập đoàn phát triển cơ sở hạ tầng của Hà Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm thúc đẩy sự tham gia của các đối tác quan trọng cũng như chuẩn bị những khách hàng đầu tiên cho KCN KHCN. Dự kiến, nhà máy sản xuất bán dẫn sẽ là khách hàng đầu tiên của KCN KHCN.
Ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định trong định hướng phát triển, tỉnh rất chú trọng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm xây dựng khu công nghiệp xanh, bảo đảm vấn đề môi trường gắn với công tác xử lý môi trường để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng và xây dựng thành phố thông minh. Tư đó tỉnh đẩy mạnh thu hút các ngành nghề ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, sử dụng ít lao động.
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nói: Việc hình thành Trung tâm Thương mại thế giới Bình Dương sẽ kêu gọi thêm nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, thu hút lực lượng lao động có trình độ cao phục vụ cho công cuộc xây dựng đô thị thông minh của tỉnh. Đặc biệt, khi trung tâm hình thành sẽ là một điểm nhấn ấn tượng, một thiết chế hữu ích nhằm phục vụ cho cộng đồng, hướng đến mục tiêu cao cả là nâng cao mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. |
PHƯƠNG LÊ