Thời gian qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, công trình văn hóa trên địa bàn được huyện Bàu Bàng chú trọng thực hiện. Các di tích lịch sử - văn hóa (LS-VH) trên địa bàn huyện không chỉ góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà còn trở thành các “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước của người dân.
Các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện Bàu Bàng thu hút người dân trong và ngoài tỉnh tới tham quan, tìm hiểu. Trong ảnh: Đoàn cán bộ, đoàn viên thanh niên phường 2, TX.Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang tổ chức hành trình về địa chỉ đỏ tại di tích lịch sử Chiến thắng Bót Cây Trường
Dấu ấn di tích LS-VH
Bàu Bàng là nơi lưu giữ nhiều di tích LS-VH có giá trị, trong đó có 3 di tích LS-VH cấp tỉnh là di tích LS-VH chiến thắng Bàu Bàng ở thị trấn Lai Uyên, di tích Ấp chiến lược kiểu mẫu Bến Tượng ở xã Lai Hưng và di tích lịch sử Chiến thắng Bót Cây Trường ở xã Trừ Văn Thố. Huyện cũng có 10 công trình, bia tưởng niệm, nhà tưởng niệm khác. Đây được xem là những nguồn tư liệu vô cùng quý giá. Chính vì vậy, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các nguồn tư liệu này luôn được huyện Bàu Bàng nỗ lực thực hiện.
Ông Nguyễn Lý Hồng Vũ, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bàu Bàng, cho biết các di tích là những “địa chỉ đỏ” có giá trị trực quan sinh động, là nguồn tư liệu phong phú phục vụ giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Từ nhiều năm nay, công tác quản lý và phát huy giá trị các di tích LS-VH trên địa bàn huyện luôn được quan tâm và thực hiện hiệu quả.
Phát huy giá trị di tích là một trong những nội dung quan trọng trong công tác bảo tồn được huyện Bàu Bàng thực hiện tốt trong thời gian qua. Hàng năm, Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo, Huyện đoàn tuyên truyền về các di tích LS-VH trên địa bàn huyện; tổ chức các hội thi, các hoạt động về nguồn, các chương trình ngoại khóa cho các em học sinh, các bạn đoàn viên thanh niên tìm hiểu về di tích LS-VH của địa phương… Đặc biệt, thời gian qua, UBND huyện Bàu Bàng còn tổ chức Hội trại tòng quân và lễ giao nhận quân tại di tích Tượng đài chiến thắng Bàu Bàng, thu hút hàng ngàn lượt khách tới tham quan.
Hàng năm, các di tích lịch sử trên địa bàn huyện Bàu Bàng tiếp đón, phục vụ hơn 3.000 lượt khách đến tham quan. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã thực hiện biên soạn, in ấn hơn 700 ấn phẩm, tờ rơi giới thiệu về các điểm du lịch và di tích trên địa bàn huyện; cấp phát cho các ban ngành, đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn, các trường học cũng như khách đến tham quan các di tích.
Tăng cường quản lý, tu bổ các di tích
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng trong công tác bảo tồn, tu bổ và tôn tạo các giá trị di tích LS-VH, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bàu Bàng đã tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các công trình trên địa bàn huyện; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật đối với thực hiện chế độ, chính sách, công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo, phát huy các giá trị di tích LS-VH trên địa bàn.
Trên cơ sở đề án, kế hoạch của cấp trên, huyện đã xây dựng các phương án tổ chức các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích nhằm cụ thể hóa các nội dung của đề án, như: Thành lập Tổ quản lý di tích nhằm tăng cường bảo đảm an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn hóa, ứng xử văn minh trong các hoạt động tại khu di tích, nhất là trong thời gian tổ chức lễ hội, các dịp lễ, tết; thường xuyên kiểm tra, giám sát, bảo vệ nghiêm ngặt, giữ gìn, tôn tạo, bảo dưỡng; phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.
Hiện nay, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích được các ngành, địa phương triển khai thiết thực, hiệu quả. Hàng năm, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn kinh phí từ tỉnh, huyện và nguồn xã hội hóa, huyện tiến hành trùng tu, tôn tạo lại một số di tích. Từ năm 2015 đến nay, huyện Bàu Bàng đã sửa chữa các hạng mục trong khu di tích Tượng đài chiến thắng Bàu Bàng như xây mới 2 nhà vệ sinh, sửa chữa hệ thống điện chiếu sáng, thay mới các trụ đèn chiếu sáng đã hư hỏng, xây mới tường rào, cải tạo, trồng mới hệ thống cây xanh và san lấp mặt bằng, lắp đặt mới đường dây điện 3 pha; cải tạo, nâng cấp và mở rộng một số hạng mục cổng, hàng rào, nhà bảo vệ… với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng. Hầu hết các di tích sau khi được trùng tu, tôn tạo đã trở thành điểm tham quan, du lịch, sinh hoạt văn hóa và giáo dục truyền thống hiệu quả.
Bên cạnh đó, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện còn triển khai, tuyên truyền lồng ghép các nội dung thực hiện đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích LS-VH và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đến các xã, thị trấn; hướng dẫn các xã, thị trấn tuyên truyền, triển khai những nội dung có liên quan đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Lý Hồng Vũ, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn huyện thời gian qua cũng đặt ra những vấn đề cấp thiết, cần được quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới như kinh phí thực hiện cho công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng còn hạn chế; công tác thu hút đầu tư, kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di tích đạt hiệu quả chưa cao…
HỒNG PHƯƠNG