Bất khuất, kiên trung, đất và người Bình Dương anh dũng trong đấu tranh, anh hùng trong lao động. Trong thời kỳ đổi mới, Bình Dương cũng tiên phong đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và vươn lên trở thành một trong những tỉnh, thành có nền công nghiệp phát triển hàng đầu cả nước. Trong năm 2021, dịch bệnh Covid-19 ập đến, một lần nữa, bản lĩnh vượt khó của con người Bình Dương lại lên tiếng trong cuộc chiến đầy cam go với Covid-19 để mang lại màu xanh cho quê hương…
Màu xanh đã trở lại trên quê hương Bình Dương, không chỉ là màu xanh trên “bản đồ Covid-19”, mà còn là màu xanh của niềm tin và sự kỳ vọng. Trong ảnh: Nhịp sống "bình thường mới" tại KCN Việt Nam - Singapore 1, TP.Thuận An. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Viết nên câu chuyện thần kỳ
Sông Bé, Bình Dương hơn 25 năm trước đất rộng, người thưa, bước ra khỏi cuộc chiến tranh, còn mang trên mình đầy rẫy những vết thương. Trong câu chuyện với P.V Báo Bình Dương vào dịp cuối năm 2021, đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, cho biết ngày đó, Sông Bé đất đai nhiều, vậy mà không làm ra của cải vật chất, lương thực thiếu thốn, công nghiệp chưa có gì. Trước tình hình đó, tỉnh trăn trở phải làm sao để nâng cao vai trò và giá trị của vùng đất này... Và rồi, chủ trương “trải chiếu hoa mời gọi đầu tư”, “trải thảm đỏ thu hút nhân tài” ra đời nhằm huy động sức người, sức của, tài nguyên, vật lực, khoa học kỹ thuật tiến bộ trong và ngoài nước đến để tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Những tháng ngày đầu chập chững bước vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khó khăn trăm bề nhưng bằng tư duy, tầm nhìn chiến lược, truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, Sông Bé, rồi Bình Dương đã vượt lên tất cả, biến khó khăn thách thức thành cơ hội. Bởi, “trong chiến tranh, nước mình yếu mà vẫn đánh giặc được, tay không, tầm vông vạt nhọn chống lại với súng đạn còn làm được, tại sao không phát huy tinh thần đó, trước hết là tự lực, tự cường, đi lên từ mảnh đất này, đi lên từ những con người của mình?”, như lời đồng chí Nguyễn Minh Triết nói.
Tự lực, tự cường để rồi quốc lộ 13, con đường huyết mạch được đầu tư, xây dựng, một con đường chiến lược đưa Bình Dương đi vào đẩy mạnh công nghiệp hóa; từ Khu công nghiệp (KCN) đầu tiên là Sóng Thần I, liên tiếp các KCN như Việt Nam - Singapore I, Sóng Thần II, Đồng An, Bình Đường… ra đời, tạo nên một sự tăng trưởng kinh tế “nóng” và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp một cách mạnh mẽ. Nói về sự đột phá trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh khi đó, đồng chí Nguyễn Minh Đức, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, chia sẻ: “Chỉ sau một thời gian, Bình Dương có bước chuyển biến một cách thần kỳ, được Trung ương đánh giá rất cao. Lúc đó, Chủ tịch nước Trần Đức Lương, cho rằng Bình Dương thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa là hiện tượng thần kỳ trong quá trình đổi mới...”.
Cho đến hôm nay, sau hơn 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương hiện có 29 KCN, trong đó có 27 khu đi vào hoạt động với diện tích 12.670 ha và nhiều cụm công nghiệp khác. Song song với đẩy mạnh công nghiệp hóa, quá trình đô thị hóa cũng diễn ra mạnh mẽ theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại. Đến nay, Bình Dương có 3 thành phố trực thuộc tỉnh, 2 thị xã…; vươn lên khẳng định vị trí, vai trò trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và được Trung ương đánh giá thuộc nhóm các tỉnh, thành thành công trong sự nghiệp đổi mới.
Vượt qua “thử thách chưa từng có”
Vừa bắt tay vào thực hiện mục tiêu trở thành “trung tâm công nghiệp hiện đại”, “đô thị thông minh của vùng và cả nước” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, đe dọa việc thực hiện các mục tiêu phát triển, đặc biệt là đe dọa sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Bình Dương đứng trước một “thử thách chưa từng có” khi dịch bệnh lây lan trên diện rộng, trở thành “vùng đỏ”, “đỏ đậm đặc”.
Trong những ngày tháng dịch bệnh hoành hành, một Bình Dương năng động, sầm uất bỗng nhiên trở nên vắng vẻ đến khắc khoải. Các địa phương như TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An, TP.Thuận An, TX.Tân Uyên, TX.Bến Cát… vốn có nhịp sống công nghiệp, đô thị sôi động, trong khoảng thời gian dịch bệnh bùng phát, đã trở nên im ắng bởi giãn cách. Các KCN, nhà máy đóng cửa, phường bước vào trạng thái “ngủ đông”. Vào thời điểm đỉnh dịch bệnh, số ca F0 tăng mạnh, nhiều khu vực bước vào trạng thái “khóa chặt, đông cứng”. Áp lực phòng, chống dịch bệnh căng thẳng đến nghẹt thở…
Gian lao mà anh dũng! “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trong khó khăn, thách thức, bản lĩnh của vùng đất, con người Bình Dương lại trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã vào cuộc chiến đấu với Covid-19, với phương châm “Tính mạng, sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết và quan trọng nhất!”; “Tận dụng tối đa mọi nguồn lực, tranh thủ tối đa về thời gian, tập trung thần tốc tiêm vắc xin ngừa Covid-19, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, kết hợp sự sáng tạo trong phòng, chống dịch bệnh”. Trong những ngày tháng ấy đã chứng kiến một sức mạnh tổng hợp, sự chung tay, đồng lòng, căng mình chống dịch ở khắp mọi nơi trên mảnh đất này. Đã có biết bao nhiêu “đêm trắng” ở trụ sở các Ban Chỉ đạo và các trung tâm tác chiến phòng, chống dịch bệnh. Đã có biết bao nhiêu y, bác sĩ, nhân viên y tế, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các chiến sĩ công an, bộ đội, tình nguyện viên, đoàn viên thanh niên coi mặt trận chống dịch là nhà, ngày đêm bám trụ chiến đấu với Covid-19. Trong cuộc chiến đầy gian lao, hiểm nguy ấy, còn có cả những mất mát đau thương, khi đã có trên 2.500 người hy sinh, tử vong vì Covid-19…
Hôm nay, màu xanh đã trở lại trên quê hương, không chỉ là màu xanh trên “bản đồ Covid-19”, mà còn là màu xanh của niềm tin và sự kỳ vọng. Bình Dương đã cơ bản khống chế được dịch bệnh, chuyển sang trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”. Các KCN mở cửa, nhà máy sáng đèn, những người công nhân lại nhộn nhịp vào ca, hăng say lao động, phố phường lại tấp nập, sầm uất như xưa… Mùa xuân dường như đã đến sớm hơn trên mảnh đất này!
ĐÀM THANH