Tản mạn ven những dòng sông

Cập nhật: 28-01-2022 | 10:38:00

Dù không phải là miền sông nước mênh mông như các tỉnh thuộc vùng Tây Nam bộ, nhưng Bình Dương vẫn có nhiều vùng quê yên bình ven những dòng sông. Về phía mạn đông có dòng Đồng Nai uốn lượn quanh co, mạn tây có sông Sài Gòn trải dài thơ mộng, trong khi đó mạn bắc có sông Thị Tính, sông Bé… Tất cả hòa quyện vào nhau, tạo nên một bức tranh thủy mặc đẹp lung linh, mê hoặc mọi ánh nhìn.

Dịp cận Xuân Nhâm Dần này, chúng tôi lại có dịp trở lại với những ngôi làng ven sông. Ở đó, nhịp sống cứ trôi lững lờ như dòng nước. Không hào nhoáng, không hoa lệ như những phố phường tấp nập ở phố thị nhưng lại có những nét rất riêng của mình.

Mùa này về cù lao Rùa (xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên), cù lao Bạch Đằng (xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên) nằm ven sông Đồng Nai hay đơn giản là về làng quê thanh bình An Sơn (xã An Sơn, TP.Thuận An), Làng tre Phú An (xã Phú An, TX.Bến Cát)… ven sông Sài Gòn chúng ta dễ dàng cảm nhận một không khí vui tươi, trong trẻo, nơi mà khí chất miền Đông vẫn chưa trộn lẫn vào đâu.

Chuyến đò xuân cập bến cù lao Rùa trong tiết trời se lạnh dịp cuối năm

Dù đẩy mạnh phát triển mô hình khu, cụm công nghiệp tập trung nhưng điều vui mừng là tỉnh cũng không quên quy hoạch, phát triển các “đô thị” ven sông gắn liền với du lịch sinh thái. Sự khác biệt của những “đô thị” ven sông mà Bình Dương hướng đến là ngoài việc tập trung phát triển các khu vực, mô hình du lịch kết hợp vườn cây ăn trái ven sông, tỉnh còn hướng các địa phương nâng cao giá trị truyền thống, trên cơ sở đó đúc kết tạo thành những bản sắc riêng có của vùng đất, con người nơi đây.

Dù tỉnh chỉ mới phê duyệt cụm dự án cảng thủy nội địa ven các dòng sông Sài Gòn, Đồng Nai, Thị Tính… nhưng trong trí tưởng tượng của những con người yêu mến sông nước Bình Dương đã đầy ắp những khung cảnh dòng người hối hả làm việc, vui chơi trên bến, dưới thuyền. Đi dọc các con sông vào dịp tết đến, xuân về, chúng tôi càng vui hơn khi những vườn cây ăn trái đặc sản đã phủ xanh. Nếu lưu vực sông Đồng Nai là vùng trồng các loại cây có múi như cam, bưởi, quýt… thì lưu vực sông Sài Gòn là vùng chuyên canh các loại cây ăn trái đặc sản như măng cụt, sầu riêng… vốn đã trở thành những loại đặc sản trứ danh và là thương hiệu mà lữ khách gần xa luôn nhắc đến khi nói về Bình Dương.

Một vườn bưởi ở xã Bạch Đằng (TX.Tân Uyên) sai cành, trĩu trái nhờ “ngậm” phù sa từ dòng Đồng Nai

Càng vui hơn khi các địa phương ý thức và hiểu rõ tiềm năng, lợi thế của mình để đưa ra chiến lược phát triển phù hợp. Theo lộ trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương, TP.Dĩ An và TP.Thuận An xác định ngoài việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp - dịch vụ, thời gian tới hai địa phương này còn chú trọng xây dựng đô thị ven sông. Đây sẽ là những điểm vui chơi, giải trí giúp người dân địa phương, các chuyên gia, người lao động và lữ khách gần xa mỗi khi có dịp đến thăm nơi này.

Trong khi đó, TX.Tân Uyên cũng mạnh dạn xây dựng lộ trình, phương án phát triển các làng thông minh ở những cù lao ven sông Đồng Nai với mong muốn thay đổi diện mạo nông thôn mới và xúc tiến phát triển du lịch địa phương. Mỗi lần có dịp ghé thăm cù lao Rùa, lữ khách gần xa không khỏi trầm trồ khi chứng kiến vùng quê thanh bình thay da, đổi thịt từng ngày mà vẫn giữ được nét bình yên đậm chất miền Đông như thuở trước. Lội ngược dòng về hướng bắc, người ta cũng không thể rời mắt với hình ảnh những vườn bưởi Bạch Đằng với vị ngọt thanh đã đốn tim biết bao thực khách. Nơi đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đang nỗ lực từng ngày để xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại và gìn giữ nét truyền thống theo tiêu chí của một “làng thông minh”.

Trong khi đó, những địa phương mạn bắc của tỉnh như Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Dầu Tiếng cũng đã và đang xúc tiến phát triển những mô hình kinh tế trang trại ứng dụng công nghệ cao ven các dòng sông. Nhìn hình ảnh những vườn cây tươi tốt sai cành, trĩu trái đang vô tư uống trọn những giọt phù sa được bồi đắp từ các con sông mà lòng vui khôn tả. Còn nhớ, có một lão nông từng nói rằng, đối với các loại cây trồng thì chúng (phù sa của các con sông) là “tiên dược” vì cứ tưới vào là cây lá xanh tươi, vườn nào cũng có hoa thơm, trái ngọt.

Xuân này đi dọc ven những dòng sông, chứng kiến quê hương đang thay da đổi thịt từng ngày mà lòng không ngừng nghĩ về một tương lai xán lạn. Bình Dương một ngày không xa sẽ hoàn thành mục tiêu xây dựng trở thành đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình, lấy phát triển bền vững làm giá trị cốt lõi. Tô điểm thêm cho dáng hình đô thị vừa nêu, chắc chắn rằng không thể thiếu hình ảnh làng quê uốn lượn theo những dòng sông bao đời gắn bó.

ĐÌNH THẮNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=673
Quay lên trên