Với tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp, cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giúp nâng cao giá trị nông sản của các địa phương.
Mở ra nhiều cơ hội
Từ lâu, thương hiệu bưởi Bình Dương đã có tiếng, mặc dù vậy đầu ra của sản phẩm còn phụ thuộc phần nhiều vào thương lái. Với việc bưởi được chọn làm sản phẩm OCOP, bà con nông dân kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới cho người trồng bưởi.
Đang chăm bẵm vườn bưởi của gia đình, ông Nguyễn Minh Sang ở xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, cho biết không biết cây bưởi có từ lúc nào, chỉ nghe qua lời kể của ông bà rằng vào những năm đầu thế kỷ XIX, thấy đất đai ở đây khá màu mỡ do phù sa của dòng sông Đồng Nai bồi đắp, từ đó nhiều người đổ về khai hoang, lập nghiệp và đưa nhiều giống cây ăn trái về đây trồng. Thế nhưng chỉ có cây bưởi tồn tại đến ngày hôm nay. Những năm gần đây, bưởi liên tục được mùa, được giá, nhiều gia đình đã khá lên nhờ bưởi.
Các sản phẩm đạt 4 sao OCOP Bình Dương trưng bày tại chương trình kết nối cung cầu hàng hóa tỉnh năm 2021
Ông Trịnh Minh Thành, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Đồng Thuận Phát (xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên) cho hay, trước đây, đa số bà con canh tác theo hướng tự phát, lợi dụng thuốc bảo vệ thực vật nên giá bán không được cao. Qua nhiều năm, bà con đã rút ra được kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc bưởi theo hướng VietGAP nên sản phẩm làm ra được thương lái săn đón, giá lại ổn định. “Chúng tôi kỳ vọng vào Chương trình OCOP sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho HTX và người dân địa phương trong việc quảng bá thương hiệu, tiếp cận và mở rộng thị trường. HTX sẽ cùng nông dân tiếp tục nỗ lực đưa trái bưởi sạch của Bình Dương đi xa hơn bằng mở rộng các kênh tiêu thụ bền vững vàhướng đến vùng quy hoạch chuyên canh đặc sản bưởi ở địa phương”, ông Thành bộc bạch.
Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (xã An Bình, huyện Phú Giáo), cho biết việc tham gia chương trình là rất cần thiết. Bởi các mặt hàng của HTX nếu được công nhận là sản phẩm OCOP sẽ có thương hiệu, được tham gia hệ thống xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm, không chỉ có chỗ đứng trên thị trường trong nước, khu vực mà còn có cơ hội mở rộng thị trường ra nước ngoài.
Đẩy mạnh quảng bá
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết OCOP là chương trình hướng đến mỗi xã sẽ tạo ra ít nhất một hay nhiều sản phẩm chủ lực, có lợi thế so sánh, tiến tới xây dựng thương hiệu, liên kết mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đây được xem là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển, đồng thời góp phần xây dựng nông thôn mới trong tỉnh đi vào chiều sâu, hiệu quả bền vững. Hiện chương trình đang được các địa phương triển khai tích cực, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Năm 2021, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng tỉnh vẫn xây dựng 45 sản phẩm tiềm năng của 36 chủ thể tham gia Chương trình OCOP. UBND tỉnh cũng đã công bố quyết định và trao giấy chứng nhận cho 28 sản phẩm OCOP Bình Dương đợt 1 năm 2021, trong đó 8 sản phẩm đạt 4 sao và 20 sản phẩm đạt 3 sao. Tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác truyền thông đến các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn tỉnh về Chương trình OCOP, coi OCOP là chương trình phát triển kinh tế quan trọng trong cộng đồng, đặc biệt đối với khu vực nông thôn.
THOẠI PHƯƠNG