Trang trại lên đời

Cập nhật: 28-01-2022 | 10:38:00

Nhiều người chủ của các trang trại chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn tỉnh mạnh dạn thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng dây chuyền công nghệ cao vào hoạt động nuôi trồng, canh tác mang lại hiệu quả cao. Họ trở thành những tỷ phú chân đất khiến mọi người trầm trồ thán phục…

Ứng dụng công nghệ

Có một đặc điểm chung mà hầu hết các trang trại chúng tôi ghé thăm đều có hệ thống nuôi trồng, canh tác được đầu tư khá bài bản, quy mô và đồng bộ. Sự đầu tư đó giúp tiết kiệm chi phí vận hành, nhân công, quy trình nuôi trồng, canh tác được tổ chức một cách khoa học và hiệu quả hơn.

Chúng tôi ghé thăm trang trại tổng hợp của ông Đinh Ngọc Khương ở xã An Bình (huyện Phú Giáo) với mô hình chăn nuôi gà trại lạnh kết hợp trồng các loại cây ăn trái đặc sản như sầu riêng, mít Thái… Ấn tượng đầu tiên tại trang trại của ông Khương là hệ thống phun khử khuẩn lắp đặt ngay khu vực cổng vào trang trại gà. Ông Khương cho biết, đây là một hạng mục quan trọng nằm trong chuỗi dây chuyền hiện đại góp phần tạo nên thành công cho trang trại trong những năm qua.

Ông Đinh Ngọc Khương sử dụng dây chuyền công nghệ ấp trứng tại trang trại gia đình

Ở bên trong khuôn viên của trang trại, ngoài khu vực các chuồng nuôi được đầu tư hệ thống điều hòa và ánh sáng đạt chuẩn quy trình chăn nuôi công nghiệp, ông còn đầu tư nhà máy ấp trứng với chi phí ban đầu lên đến hàng trăm tỷ đồng. Ông Khương cho biết, so với phương pháp lựa chọn và ấp trứng thủ công, phương pháp soi, chọn lọc, ấp trứng, đảo trứng… bằng hệ thống tự động sẽ giúp giảm chi phí vận hành, tỷ lệ trứng nở cao hơn. Ngoài việc tiết kiệm được một khoản chi phí lớn còn mang lại hiệu quả kinh tế cao với lượng gà giống được ấp thành công, bán ra thị trường ngày một nhiều hơn.

Tương tự, mô hình trồng dưa lưới theo phương pháp tưới nhỏ giọt của Israel mà hộ gia đình ông Đặng Xuân Trường (xã An Bình, huyện Phú Giáo) cũng giúp gia đình thu về hàng trăm triệu đồng/năm. Ông Trường cho biết, gia đình ông trồng dưa lưới năm 2018, đến năm 2020 mới chính thức đầu tư hệ thống tưới, bón phân nhỏ giọt theo hướng bán tự động. So sánh chất lượng và sản lượng dưa thu về từ hai thời điểm trước và sau khi ứng dụng phương pháp tưới nhỏ giọt, ông Trường khẳng định mùa sau hơn hẳn mùa trước. Không những thế, nhờ có hệ thống điều khiển, giám sát các yếu tố thời tiết như độ ẩm, nhiệt độ… tự động kết nối với điện thoại thông minh nên đã chủ động hơn trong việc điều chỉnh lượng nước và phân phù hợp.

Điểm sáng cho nông dân

Rời Phú Giáo, chúng tôi men theo những cánh rừng cao su chạy dài về quê hương anh hùng Dầu Tiếng - nơi những trang trại đang mọc lên như nấm. Tính đến cuối năm 2021, địa phương phía bắc này đã có 252 trang trại chăn nuôi và 760 ha diện tích trồng các loại cây ăn trái đặc sản. Điều đáng nói là hầu hết các trang trại này dù ít hay nhiều đều ứng dụng công nghệ, kỹ thuật vào phương pháp nuôi trồng, canh tác giúp cải thiện chất lượng và sản lượng nông sản đáng kể.

Bà Nguyễn Thị Minh Tấn, chủ trang trại trồng nấm Hai Tấn ở xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng chia sẻ, ngày trước khi muốn tìm hiểu, học tập một mô hình kinh tế, nông dân Bình Dương mình phải khăn gói lặn lội xuôi ngược khắp mọi miền. Bây giờ, chỉ cần hỏi Hội Nông dân xã là được ghi danh đăng ký tham quan, học tập một cách dễ dàng. Theo bà Tấn, đây là cơ hội lớn để nông dân tiếp cận với các mô hình kinh tế hiệu quả, từng bước nâng cấp quy mô, phương pháp nuôi trồng, canh tác từ truyền thống, manh mún nhỏ lẻ, kém hiệu quả sang hiện đại, tập trung và hiệu quả kinh tế cao.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho rằng, những trang trại, mô hình kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ vào hoạt động nuôi trồng, canh tác là những điểm sáng để bà con nông dân học tập và noi theo. Theo bà Nhung thì đây là tiền đề quan trọng giúp chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà tỉnh đề ra bấy lâu nay được thúc đẩy và hoàn thành sớm hơn thời gian dự kiến.

Nhìn lại chặng đường hơn 25 năm xây dựng và phát triển, nông dân Bình Dương hôm nay đã có những nền tảng vững chắc với kỹ thuật nuôi trồng, canh tác điêu luyện hơn trước. Từ sự thành công của những người mở đường, bà con nông dân tỉnh nhà dễ dàng tìm đến tham quan, học tập. Tùy theo sự đầu tư và khả năng áp dụng của mỗi nông hộ mà sự thành công có thể từ tăng thu nhập kinh tế gia đình đến làm giàu từ mô hình kinh tế trang trại.

KHÁNH LINH

Chia sẻ bài viết
Tags
An Bình

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=657
Quay lên trên