Bệnh đái tháo đường

Cập nhật: 29-06-2010 | 00:00:00

Đái tháo đường hay tiểu đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa gây tăng đường huyết mãn tính và được thải ra ngoài qua nước tiểu. Khi có đường trong nước tiểu thì bệnh đã ở giai đoạn muộn và thường có nhiều biến chứng. Biến chứng của bệnh tiểu đường gây tổn thương hàng loạt các cơ quan, các tổ chức như: cao huyết áp, xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, đục thủy tinh thể, mù mắt, suy thận nặng phải lọc máu hoặc ghép thận, dị cảm tê tay chân, nhiễm trùng bàn chân, cắt cụt bàn chân... nếu không điều trị kịp thời: người bệnh có thể tử vong hoặc tàn tật suốt đời.

Bệnh tiểu đường có 2 loại chính là: tiểu đường týp 1 và tiểu đường týp 2. Ngoài ra, còn có tiểu đường do thai nghén, do thuốc, do stress...

- Tiểu đường týp 1: thường gặp ở người gầy, trẻ tuổi, có các biểu hiện tiểu nhiều, uống nhiều, ăn nhiều và gầy nhiều.

- Tiểu đường týp 2: thường gặp ở người mập, lớn tuổi, cũng có các triệu chứng tiểu nhiều, uống nhiều, mờ mắt, cảm giác kiến bò ở đầu ngón tay và chân... Tuy nhiên, trong đa số các trường hợp triệu chứng của bệnh thường âm ỉ, nên thường phát hiện muộn, tình cờ.

Tiểu đường týp 2 chiếm 85% - 95% trong tổng số bệnh nhân đái tháo đường, được xem là một dịch bệnh không lây nhiễm phổ biến hiện nay trên toàn thế giới, là gánh nặng cho nền kinh tế, cho xã hội trong thế kỷ XXI.

Vấn đề phát hiện sớm bệnh tiểu đường nhằm điều trị sớm, ngăn ngừa biến chứng, giảm tỷ lệ tử vong, giảm gánh nặng về kinh tế cho cá nhân, gia đình, xã hội là vấn đề có tính cấp thiết ở Việt Nam và trên toàn cầu.

Muốn phát hiện sớm bệnh tiểu đường, bà con cần phải nên đi khám và làm xét nghiệm đường huyết đối với những người trên 30 tuổi. Nếu kết quả bình thường thì nên kiểm tra lại mỗi 2 năm/lần.

Điều trị tiểu đường cần phải có: Chế độ dinh dưỡng hợp lý, rèn luyện cơ thể và sử dụng thuốc giảm đường huyết theo đúng lời dặn của bác sĩ.

Chế độ ăn hợp lý là nền tảng cho điều trị tiểu đường. Chế độ ăn hợp lý giúp cho chúng ta ổn định mức đường trong máu, giảm được liều thuốc cần sử dụng, ngăn chặn và làm chậm xuất hiện các biến chứng, kéo dài tuổi thọ.

Cần lưu ý là không có một thực đơn chung cho mọi bệnh nhân tiểu đường bởi vì mỗi bệnh nhân tiểu đường có sở thích ăn uống khác nhau, mức độ hoạt động thể lực khác nhau, mức đường trong máu khác nhau, hoặc cách sử dụng thuốc khác nhau.

Để phòng tránh bệnh tiểu đường, bà con cần phải: phòng tránh béo phì, tham gia các hoạt động thể lực: năng động trong mọi hoạt động, bước khoảng từ 5.000 - 10.000 bước chân/ngày, dinh dưỡng hợp lý. Ăn đa dạng: nên ăn trên 20 loại thực phẩm mỗi ngày bằng cách ăn các món ăn hỗn hợp, có nhiều món trong một bữa ăn, và món ăn nên thay đổi trong ngày, giữa các ngày, theo mùa... Nên hạn chế ăn những thức ăn cung cấp năng lượng rỗng như đường, nước ngọt, kẹo... Phải ăn chừng mực: không ăn quá no hay quá đói, không ăn thứ gì quá nhiều. Ăn thức ăn nguyên vẹn, gần với thiên nhiên để ít bị mất đi các thành phần dinh dưỡng có trong thức ăn.

Nếu có thắc mắc về bệnh tiểu đường xin bà con liên hệ với :

- Khoa sốt rét - nội tiết, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Dương, số điện thoại: 0650.3823737 hoặc

- Trung tâm Y tế TX.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

BS VĂN THÀNH HOÀNG PHƯỢNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=340
Quay lên trên