Bệnh lao không nguy hiểm nếu điều trị đúng

Cập nhật: 24-03-2011 | 00:00:00

Mạng lưới lao đã được triển khai trên quy mô toàn tỉnh, đến tận tuyến cơ sở. Phạm vi hoạt động 7/7 huyện, thị, 1 công ty cao su và 2 đơn vị công an. 100% dân số được chương trình lao bảo vệ... là một tín hiệu đáng mừng cho công tác phòng chống (PC) lao. Tuy nhiên để bệnh lao (BL) không nguy hiểm, không kháng thuốc thì bệnh nhân (BN) lao phải tuân thủ “đúng - đủ - đều”, nghĩa là đúng thời gian, đủ liều và đều đặn.

Bác sĩ Lê Thị Tồn, Phó Trưởng khoa Lao, Trung tâm PC Bệnh xã hội đánh giá, ở Bình Dương, công tác PC lao được thực hiện khá tốt. Năm 2010, tỷ lệ lao phổi M (+) mới phát hiện đạt 92% chỉ tiêu kế hoạch năm; số người thử đàm phát hiện đạt 92%, giảm 12% so với cùng kỳ; tỷ lệ điều trị khỏi đạt 88,3%, tăng 0,5%. Đạt được thành tích đó, ngoài mạng lưới lao được triển khai trên quy mô toàn tỉnh, 100% dân số được chương trình lao bảo vệ thì hoạt động lồng ghép lao/HIV tại 4 điểm khoa Lao, Trung tâm PC Bệnh xã hội, TX.Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên đã phát huy hiệu quả.

 

Nếu có dấu hiệu nghi mắc BL phải tới ngay một cơ sở y tế gần nhất để được khám, phát hiện và điều trị dứt điểm

Chỉ tính riêng năm 2010, có gần 8.300 người được xét nghiệm phát hiện, trong đó 1.019 người xét nghiệm có BK (+) (có vi trùng lao). Tỷ lệ thu dung điều trị lao phổi M (+) mới so với lao các thể chiếm 52%. Công tác điều trị được thực hiện tốt. Kết quả xét nghiệm đàm sau 2 tháng điều trị tấn công đối với lao phổi M (+) mới tỷ lệ chuyển âm tính là 88%, chỉ còn lại 4,4% số ca dương tính. Tỷ lệ hoàn thành điều trị đối với lao phổi M (-) là 93%, tỷ lệ tử vong còn 2,3%, giảm 1,5% so với cùng kỳ.

BN đồng nhiễm lao/HIV được điều trị dự phòng Contrimoxazole 100%, đa số BN tuân thủ điều trị có kiểm soát. Kết quả, tỷ lệ âm hóa - hoàn thành đạt 69%, tăng 19% và tỷ lệ chết 20%, giảm 3% so với cùng kỳ.

Theo bác sĩ Tồn, công tác PC lao có nhiều thuận lợi do đội ngũ công tác viên tuyến xã nhiệt tình, các điểm tư vấn được triển khai thêm đi vào hoạt động có hiệu quả. Sau mỗi đợt tuyên truyền thì số người chủ động thì xét nghiệm tăng lên, từ đó phát hiện nguồn lây kịp thời... tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn. Công tác phát hiện lao ở một số xã vùng xa còn khó khăn, đặc biệt BN lao là dân nhập cư thì khó quản lý điều trị do chỗ ở không ổn định... Vì vậy thời gian tới, chương trình PC lao đề ra mục tiêu: phát hiện trên 80% BN lao phổi BK (+) theo dịch tễ I=1,1% dân số; thu dung điều trị trên 90% BN sau khi phát hiện; điều trị khỏi trên 85% BN đã đăng ký điều trị; giảm tỷ lệ mắc chết lây truyền lao và phòng ngừa bệnh lao kháng thuốc. Theo đó, giải pháp thực hiện là tăng cường công tác truyền thông, giáo dục y tế tại cộng đồng; tăng cường công tác khám phát hiện và xét nghiệm đàm; khám phát hiện chủ động lao/HIV đối với đối tượng có nguy cơ cao; thực hiện chiến lược DOTS chặt chẽ, hiệu quả...

THU THẢO

Những điều cần biết về BL

Lao là bệnh do vi trùng (vi khuẩn) gây ra. BL thường tấn công phổi, nhưng có thể lan sang thận, xương, cột sống, não và những bộ phận khác của cơ thể. BL lây qua không khí khi người bị lao phổi chưa chữa trị, ho hoặc hắt hơi. Người hít phải vi trùng lao thông thường hàng ngày phải ở rất gần với người bị bệnh. BL không lây qua chén bát, ly tách, muỗng đũa, drap giường hoặc quần áo. Thông thường hệ miễn dịch (đề kháng) có thể chiến đấu chống lại vi khuẩn, khiến cho chúng trở nên không hoạt động. Trong khoảng chừng 90% trường hợp, vi trùng BL sẽ không hoạt động vĩnh viễn. Người bị nhiễm lao không lâm bệnh và không thể lây bệnh lao cho người khác. Trường hợp này gọi là nhiễm lao tiềm tàng. BL có thể tấn công bất cứ bộ phận nào của cơ thể nhưng phổi là nơi BL thường tấn công nhất. Người bị lao có thể có một số hoặc tất cả các triệu chứng: cảm thấy mệt triền miên, ăn không ngon miệng, giảm cân vô cớ, ho kéo dài hơn ba tuần lễ, sốt, ra mồ hôi về đêm. Đôi khi người bị lao có thể ho ra đờm vấy máu. Một số người bị lao dạng vi trùng hoạt động có thể chỉ có những triệu chứng nhẹ.

Để phòng BL, mọi người nên chú ý giữ gìn vệ sinh gia đình, công cộng, cá nhân, đồng thời phải tăng cường sức đề kháng của cơ thể bằng sinh hoạt hợp lý từ ăn, ngủ, nền nếp sinh hoạt... Nếu có dấu hiệu nghi ngờ mắc BL phải tới ngay một cơ sở y tế gần nhất để được khám phát hiện và điều trị dứt điểm.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=450
Quay lên trên