Bệnh tay - chân - miệng có nguy cơ gia tăng

Cập nhật: 22-05-2012 | 00:00:00

Do sự thay đổi thời tiết, nắng nóng lại xen giữa những cơn mưa bất thường khiến cho dịch bệnh nhất là dịch bệnh ở trẻ có điều kiện phát sinh. Hơn nữa, theo chu kỳ mọi năm, thời điểm này cũng là vào mùa của bệnh lý tay - chân - miệng (TCM).

Trước tình hình dịch bệnh TCM trong cả nước có nhiều diễn biến phức tạp, từ đầu năm đến nay đã có 16 trường hợp tử vong, với số mắc gấp 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 3 tháng đầu năm 2012, tình hình dịch bệnh TCM cũng diễn biến phức tạp và đã có gần 400 ca mắc, không có ca tử vong, tăng gấp 5,4 lần so với cùng kỳ năm 2011. Các huyện, thị có số ca mắc cao như: TX.Thuận An, TX.TDM, Bến Cát, Tân Uyên.

Một số biểu hiện

Bệnh TCM là bệnh do vi rút gây ra chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi và có thể xảy ra đối với người lớn. Vi rút thường gây sốt, đau họng và mụn nước ở bàn tay, bàn chân. Bệnh thường ở mức độ nhẹ và hồi phục trong vòng 7 - 10 ngày. Bệnh do vi rút đường ruột gây ra (EV). Một trong các chủng gây bệnh là EV71 có thể gây các biến chứng nặng như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp.

Theo bác sĩ Vương Huỳnh Diễm Trang, Phó Trưởng khoa Nhi BVĐK tỉnh cho biết, bệnh TCM là bệnh truyền nhiễm. Bệnh TCM thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ dưới 3 tuổi và rất dễ lây. TCM khởi phát những ngày đầu trẻ sẽ có những biểu hiện như nổi bóng nước ở những vị trí như lòng bàn tay, gối, mông... hay vết loét ở miệng. Bệnh này thường lây lan nhanh qua đường tiêu hóa, vì thế nên việc phòng bệnh phải hết sức lưu ý với trẻ sinh hoạt chung môi trường nhà trẻ, mẫu giáo.  

Một trường hợp đang được theo dõi tại BVĐK tỉnh

Vi rút gây bệnh TCM có thể lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với vi rút tiết ra từ dịch mũi, họng, nước bọt, dịch tiết từ các nốt phỏng, phân bệnh nhân hoặc người lành mang vi rút. Vi rút thường lây truyền qua bàn tay và tiếp xúc với các bề mặt bị nhiễm bẩn. Người bị nhiễm vi rút thường dễ truyền bệnh cho người khác trong tuần đầu mắc bệnh. Vi rút gây bệnh TCM có thể tồn tại trong cơ thể một vài tuần sau khi hết các triệu chứng của bệnh. Điều này có nghĩa là người bệnh sau khi đã phục hồi sức khỏe trong thời gian đầu vẫn có thể làm lây truyền bệnh cho người khác.

Bác sĩ Diễm Trang cho biết thêm, các biến chứng thường gặp của bệnh TCM là: viêm màng não, liệt mềm cấp, viêm cơ tim, phù phổi cấp do thần kinh. Các biến chứng có thể phối hợp với nhau như viêm màng não, phù phổi và viêm cơ tim trên cùng một bệnh nhân, thường gây tử vong cao và diễn tiến rất nhanh có thể trong 24 giờ.  Nguy hiểm hơn khi trẻ có biến chứng não thường không hôn mê sâu mà có những triệu chứng khó nhận biết như khó ngủ, quấy khóc liên tục, giật mình lúc thức hay lúc bắt đầu thiu thiu ngủ, trẻ có thể biểu hiện hốt hoảng, nói lảm nhảm, run chân tay, co giật. Ngoài ra, còn có một số triệu chứng khác có thể thấy khi có biến chứng như: sốt rất cao, nôn nhiều, mạch đập nhanh, yếu tay chân, méo miệng... Khi trẻ có biến chứng nếu không điều trị đúng và kịp thời có thể tử vong trong vài giờ.

Phòng tránh bằng cách nào?

Hiện nay bệnh TCM vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, số trẻ mắc bệnh TCM đang có chiều hướng gia tăng, khả năng bệnh TCM tăng cao trong thời gian tới. Thời gian qua, bệnh TCM tản phát trong cộng đồng, chưa tập trung thành ổ dịch nên công tác phòng chống, ngăn chặn dịch gặp cũng không ít khó khăn. Phòng dịch còn khó khăn, vì chưa có thuốc đặc hiệu, chưa có vắc-xin, trong khi ý thức của người dân chưa cao trong việc phòng chống bệnh TCM.

Bác sĩ Diễm Trang cho hay, hiện nay vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh nên cần thực hiện tốt các biện pháp sau: rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh, sau khi chăm sóc trẻ, trước khi cho trẻ ăn là đặc biệt chú trọng: rửa tay thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nhất là trước và sau khi nấu ăn, trước khi ăn và sau khi đi tiêu. Nếu có chăm sóc trẻ thì cần lưu ý rửa tay sau mỗi lần thay tả, làm vệ sinh cho trẻ; rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi, sàn nhà bằng nước và xà phòng, rồi khử trùng bằng cloramin B 5%; đeo khẩu trang mũi miệng khi hắt hơi hoặc ho; cách ly người bệnh tại nhà cho đến khi khỏi bệnh (thường ít nhất là 7 ngày).

T.PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=292
Quay lên trên