Bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng

Cập nhật: 09-11-2020 | 09:36:56

Dưới tác động của điều kiện thời tiết nắng mưa thất thường, dự báo bệnh tay chân miệng (TCM) đang có xu hướng gia tăng trong thời gian tới. Trước tình hình đó, ngành y tế tỉnh đã khẩn trương đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng bệnh, xử lý ca bệnh, ổ dịch tiềm ẩn nguy cơ phát tán bệnh trên diện rộng.


Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được điều trị sớm

Dịch bệnh có xu hướng tăng

Theo số liệu thống kê, tích lũy số ca mắc TCM của tỉnh đến thời điểm hiện nay là 2.029 ca, trong đó số ca mắc mới trong quý III chiếm 83,7% và giảm 30% so với cùng kỳ năm 2019. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nên tỷ lệ người mắc bệnh TCM trên địa bàn tỉnh không tăng so cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, Bình Dương đang kiểm soát tốt dịch bệnh, giám sát chặt chẽ các đối tượng mắc và nghi mắc bệnh, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan.

Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, số ca bệnh TCM có dấu hiệu tăng trở lại và tập trung ở nhóm trẻ mầm non, nhóm trẻ dưới 2 tuổi, chưa đi học. Theo TS-BS Văn Quang Tân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bệnh TCM là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ trở thành dịch do vi rút đường ruột gây ra. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa với nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh, gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương. Đặc biệt, bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và tập trung ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi. Hiện nay, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 10 - 15 bệnh nhi TCM.

TS-BS Văn Quang Tân khuyến cáo, khi trẻ bị TCM, nếu chỉ độ I thì có thể điều trị tại nhà. Bệnh TCM rất dễ lây song cũng dễ phát hiện bởi các dấu hiệu đặc trưng như chảy nước dãi, bỏ ăn, sốt, uống thuốc hạ sốt không đáp ứng, ngủ giật mình, đi loạng choạng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước và thường thấy ở lòng bàn tay, bàn chân, mông... Một số trẻ có thể bị nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, quấy khóc. Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được điều trị sớm. Nếu trẻ được phát hiện sớm, bệnh TCM có thể chữa khỏi tại nhà. Nếu không được điều trị và chăm sóc kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm, như: Viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch dẫn đến tử vong.

Nỗ lực phòng, chống bệnh

Trước tình hình bệnh TCM đang có xu hướng gia tăng, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thị, thành phố, các đơn vị y tế trực thuộc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh. Ông Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Dự báo số ca mắc bệnh TCM có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới đây bởi tính chất lây truyền của bệnh. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh TCM, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng và kéo dài, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống và tập trung vào các địa phương có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch bệnh”.

Thực hiện theo các khuyến cáo và hướng dẫn của ngành y tế, các huyện, thị, thành phố đã tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe. Ông Hồ Thanh Tâm, Trưởng ban Điều hành khu phố Bình Thuận 2, phường Thuận Giao, TP.Thuận An, cho biết khu phố có rất nhiều nhà trọ, con em công nhân lao động đông, đặc biệt ở lứa tuổi từ 10 tuổi trở xuống. Trong các cuộc họp tổ dân phố hoặc các cuộc họp với các khu nhà trọ, khu phố lồng ghép tuyên truyền các biện pháp phòng, chống lây nhiễm TCM và hướng dẫn tại chỗ cho bà con thực hiện phong trào 3 sạch.

“Hiện nay, Sở Y tế đang kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm, củng cố đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết. Ngành y tế tỉnh sẵn sàng tổ chức thu dung điều trị bệnh nhân, các trường hợp biến chứng nặng, thực hiện phòng tránh lây nhiễm chéo tại các bệnh viện và trong các cơ sở điều trị. Đặc biệt, ngành y tế đang phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục - đào tạo chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất chống dịch bệnh TCM trong trường học”, ông Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh cho biết thêm.

Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được điều trị sớm. Nếu trẻ được phát hiện sớm, bệnh TCM có thể chữa khỏi tại nhà. Nếu không được điều trị và chăm sóc kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm, như: Viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch dẫn đến tử vong.

 KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên