Bệnh tay chân miệng (TCM) là một bệnh nhiễm trùng do vi-rút. Bệnh thường tự khỏi và không đe dọa nhiều tới sức khỏe. Tuy nhiên, nếu không được điều trị và chăm sóc kịp thời, bệnh dễ biến chứng, gây nguy hiểm.
Ghi nhận của chúng tôi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong những ngày qua, bệnh nhi nhập viện để điều trị bệnh TCM khá nhiều. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm, có 224 ca bệnh đến khám và điều trị, tập trung chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi.
Bác sĩ (BS) chuyên khoa II Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, ở thời điểm hiện tại, bệnh TCM không phải là mùa cao điểm, nhưng các phụ huynh cần chủ động phòng tránh bởi đầu năm học là thời điểm bệnh TCM rất dễ lây lan và lây lan trên diện rộng, vì thế người dân, nhà trường phải nâng cao ý thức phòng bệnh. BS Nguyệt khẳng định “thời điểm chuyển mùa, những vi khuẩn, vi -rút tồn tại sẵn, đang từ thể không hoạt động sang thể hoạt động. Cứ thay đổi thời tiết, từ mưa sang nóng, hoặc nhiệt độ trong ngày chênh lệch cao, trẻ ngủ dậy thường hắt hơi, sổ mũi, ngứa mũi. Bởi vi khuẩn vi-rút luôn tồn tại trong môi trường, trong cơ thể chúng ta nhưng không gây bệnh. Trẻ em, người già miễn dịch yếu, khả năng chống chọi kém nên dễ nhiễm vi khuẩn, vi-rút. Trẻ đi học trong môi trường chật hẹp nên dễ nhiễm khuẩn, lây bệnh”.
Ban đầu, trẻ thường sốt nhẹ, trẻ lớn đau họng, đau miệng, chảy nước miếng và biếng ăn hơn. Trẻ nhỏ thường đau khóc, bỏ bú. Khi đó, trong miệng trẻ có thể đã có những vết loét đỏ như vết lở miệng, xuất hiện nhiều ở vòm miệng, môi trong, lợi, lưỡi… có thể thấy những vết phát ban dạng phỏng nước, hoặc vết nổi cộm trên da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông của trẻ. Nếu trẻ sốt cao và có những triệu chứng khác như: Bứt rứt, khó ngủ, quấy khóc hoặc ngủ li bì, thỉnh thoảng giật mình và giơ hai tay lên thì nên nghĩ đến tình trạng biến chứng của bệnh và cần đưa đến bệnh viện kịp thời. Nếu để trễ từ 6 - 12 tiếng, bệnh có thể trở nặng, trẻ lừ đừ, run chi, trợn mắt, rung giật cơ, tim nhanh, mạch nhanh, thở nhanh và có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong. Do vậy phát hiện bệnh sớm để có biện pháp can thiệp kịp thời tránh biến chứng đáng tiếc, BS Nguyệt cho biết thêm.
Để tích cực phòng chống, giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh TCM đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em, các BS khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh. BS Nguyệt nhấn mạnh, cho đến nay, chưa có vắc xin phòng bệnh TCM vì vậy việc giữ gìn vệ sinh thân thể và vệ sinh thực phẩm là biện pháp chủ yếu phòng bệnh cho trẻ. Cho trẻ rửa tay thường xuyên với xà phòng trước và sau khi đi vệ sinh, khi làm đồ ăn cho trẻ. Làm sạch môi trường xung quanh như đồ chơi, nhà cửa. Tránh tiếp xúc với những trẻ có biểu hiện mắc bệnh TCM. Không cho trẻ bị bệnh đi mẫu giáo, nhà trẻ, trường học hoặc nơi đông người cho tới khi khỏe hẳn…
HUỲNH THỦY