Bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết gia tăng tại TP Hồ Chí Minh

Cập nhật: 18-04-2024 | 14:29:31

Ngày 17-4, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, một tuần trở lại đây, trên địa bàn ghi nhận sự gia tăng các ca bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết. Đặc biệt, số lượng trẻ mắc bệnh tay chân miệng đang tăng nhanh.

Cụ thể, trong tuần 15 (tính từ ngày 8 - 14/4), Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 287 trường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng, tăng 87% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 15 là 2.289 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm: Huyện Nhà Bè, Quận 6 và Quận 8. Trong tuần 15, Thành phố Hồ Chí Minh cũng ghi nhận 136 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 7% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 15 là 2.585 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm Quận 1, Quận 7 và thành phố Thủ Đức.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh dự báo, thời gian tới, số ca mắc tay chân miệng, sốt xuất huyết trên địa bàn sẽ tiếp tục gia tăng. Do đó, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế; đặc biệt, hiện đang là thời gian cao điểm của bệnh tay chân miệng ở trẻ em. Đây là bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, bệnh xảy ra quanh năm và thường gia tăng trong giai đoạn từ tháng 3 - 5 và từ tháng 9 - 12. Bệnh tay chân miệng lây qua đường tiêu hóa, qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh (bắt tay, ôm, hôn), tiếp xúc với đồ chơi, quần áo, đồ dùng sinh hoạt, bề mặt có chứa virus. Bệnh có khả năng lây lan nhanh, đặc biệt ở môi trường tập thể như mẫu giáo, trường học.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo, người dân cần thực hiện nguyên tắc ba sạch để phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ. Đó là ăn uống sạch bằng cách ăn chín uống chín, sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày, đảm bảo vật dụng ăn uống sạch sẽ và không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa.

Virus tay chân miệng có thể tồn tại ở bề mặt đồ vật trong không gian sống. Vì vậy, cần ở sạch, thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Trẻ em và người chăm sóc trẻ cần giữ tay sạch bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch; đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1495
Quay lên trên