Chiếc “cặp chết chóc” này từng xuất hiện lần đầu dưới thời chính quyền Tổng thống J.F Kennedy, không lâu sau cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân Cuba 1962. Khi ấy, cố Tổng thống Kennedy tỏ rõ thái độ rằng, ông muốn được tiếp cận không hạn chế tới các kế hoạch tiến hành chiến tranh hạt nhân. WP mới đây cho hay.
Người mang cặp luôn căng thẳng
53 năm sau, chiếc cặp (cũng được gọi là quả bóng) hạt nhân đã thường xuyên được cập nhật, nâng cấp và nó đại diện cho sức mạnh khổng lồ cùng trách nhiệm vô cùng lớn lao đã theo chân các vị tổng thống Mỹ đi tới mọi nơi. Không ít chính trị gia và giới truyền thông đã băn khoăn tự hỏi, có gì nằm trong chiếc cặp màu đen đầy bí ẩn và mê hoặc kia?
Cặp hạt nhân của Tổng thống Mỹ.
Thiếu tá không quân Robert Patterson, người “cầm bóng” cho Tổng thống Bill Clinton nói rằng, cảm giác mang theo chiếc cặp này rất căng thẳng. “Tôi thường phải mở nó ra chỉ để cảm thấy tỉnh táo hơn, để luôn hiểu rõ thứ trong đó là gì và các quyết định mà tổng thống có thể sẽ phải đưa ra”, Patterson nói với hãng tin AP.
Theo AP, quả bóng hạt nhân luôn ở cùng với tổng thống Mỹ trên máy bay, chuyên cơ, trực thăng, xe hơi, thang máy.... Khi ông ở Nhà Trắng, bóng hạt nhân sẽ được đặt trong một vị trí an toàn tại nơi này. Cũng theo Patterson, một số trợ lý phải ôm quả bóng hạt nhân nặng hơn 20kg đó chạy theo ông Clinton, khi nhà lãnh đạo chạy bộ quanh Nhà Trắng để tập thể dục.
Theo Bill Gulley, một cựu Giám đốc Văn phòng quân sự Nhà Trắng, một quả bóng hạt nhân không chứa trong nó nút bấm phóng tên lửa đạn đạo như người ta vẫn tưởng. Thay vì thế, nó có 4 hiện vật gồm một cuốn sách màu đen dày 75 trang, chứa các khả năng trả đũa hạt nhân, được in bằng mực đỏ và đen; một cuốn sách màu đen khác với danh sách các điểm ẩn náu bí mật dành riêng cho tổng thống; một chiếc cặp tài liệu nhỏ chứa 10 trang viết hướng dẫn cách điều hành hệ thống phát sóng khẩn cấp và một chiếc thẻ với mã cho phép phóng tên lửa.
Đôi khi mọi người còn phát hiện một chiếc ăngten thò ra từ chiếc cặp này, cho thấy khả năng nó chứa cả thiết bị liên lạc. Theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara, cái tên Quả bóng hạt nhân xuất phát từ “Dropkick,” bí danh dành cho một kế hoạch chiến tranh hạt nhân bí mật. Kích hoạt kế hoạch Dropkick sẽ cần tới một trong số các “quả bóng” này. Trợ lý quân sự được lựa chọn mang theo chiếc cặp cũng được huấn luyện để có thể hướng dẫn tổng thống tiến hành tấn công tên lửa hạt nhân chỉ trong có vài phút.
Cặp là một hệ thống liên lạc giúp tổng thống có thể đưa ra thông điệp cảnh báo tới toàn dân trong vòng dưới 10 phút, tuyên bố tình trạng khẩn cấp và các phương án sơ tán ngay lập tức. Tóm lại, một khi Tổng thống sử dụng chiếc vali này, toàn bộ Hoa Kỳ sẽ đặt trong tình trạng chiến tranh.
Vali hạt nhân của Tổng thống Obama có gì khác biệt?
Ngày nay, Tổng thống Barack Obama có khả năng cập nhật mã phóng vũ khí hạt nhân trên trang web đặc biệt của Nhà Trắng thông qua internet. Các chuyên gia an ninh mạng hàng đầu của Mỹ đảm trách nhiệm vụ ngăn những tên tin tặc tiếp cận chuỗi mã phóng. Trong khi đó, Tổng thống Obama buộc phải sử dụng chữ ký trên võng mạc để mở hệ thống này. Hệ thống mới của Nhà Trắng vẫn đảm bảo Tổng thống Mỹ là người duy nhất có khả năng tiếp cận mã phóng. Dù vẫn mang hình dáng của một chiếc vali nhưng thiết bị bên trong đã được thay mới rất nhiều.
Ngoài ra, Tổng thống Obama cũng không cần giữ bên mình chiếc thẻ nhựa chứa mã định danh mà thay vào đó là phương pháp quét võng mạc hiện đại. Công nghệ tiên tiến của Mỹ giúp chiếc vali luôn được kết nối internet để ông Obama có thể truy cập trang web chứa mã phóng ở mọi nơi trên thế giới.
Theo các nguồn tin, để mở chiếc vali, cần một mật mã dài 8 con số. Sau đó, Tổng thống phải sử dụng ít nhất 3 mật mã được cung cấp trước để khởi động chiếc máy tính đặt trong vali này. Sau khi khởi động hệ thống, một loạt bài kiểm tra khác để xác nhận thân phận Tổng thống được thực hiện. Cụ thể, ít nhất hai công nghệ kiểm tra được áp dụng đó là: kiểm tra vân tay và mắt. Sau đó, chiếc vali đã sẵn sàng.
Sẽ ra sao nếu tổng thống Mỹ bị bắt hoặc bị giết chết trong khi các nhận dạng sinh học của ông vẫn có thể sử dụng? Người Mỹ đã nghĩ đến trường hợp này. Lệnh của tổng thống Mỹ khi ban ra phải có sự xác nhận của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng rằng đây là lệnh xuất phát từ chính tổng thống Mỹ, hoàn toàn đủ điều kiện ra lệnh (không bị bắt hay khống chế). Lưu ý, việc xác nhận của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đơn thuần là xác nhận lại lệnh của Tổng thống cho các cơ quan quốc phòng, không có ý nghĩa xem lại quyết định đó.
Trong trường hợp Tổng thống chết hay bị giết, sẽ có những người kế nhiệm tạm thời có quyền khai hỏa vũ khí hạt nhân. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là người sẽ ra lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân nếu như tổng thống bị giết. Ngoài ra, Phó Tổng thống cũng sở hữu một chiếc vali hạt nhân, chiếc này sẽ được kích hoạt một khi chiếc của tổng thống bị hủy. Khi bắt đầu sử dụng, lệnh của tổng thống sẽ ngay lập tức được gửi đến các sĩ quan phụ trách việc phóng đầu đạn hạt nhân và thế là, chiến tranh hạt nhân bắt đầu. Thế giới còn cách thời kỳ đồ đá chừng 1 giờ.
Có 3 chiếc vali hạt nhân tồn tại trên đất Mỹ: 1 luôn đi theo tổng thống, 1 ở Nhà Trắng và 1 của phó tổng thốngChiếc vali hạt nhân không chỉ đơn thuần là công tắc khai hỏa vũ khí hạt nhân của hai siêu cường (Nga cũng có), nó còn là vật biểu hiện cho quyền lực của người đứng đầu hai nhà nước. Tuy ngày nay, vai trò của nó càng ngày càng bớt quan trọng do Mỹ và Nga đã không còn trong tình trạng đối đầu, tuy nhiên, vẫn sẽ là thảm họa nếu một trong hai chiếc vali được đem ra sử dụng.
Theo CAND