Con đường của thanh niên - Bài 4

Cập nhật: 21-03-2016 | 08:24:09

Bài 4: Giành nhau phần khó…

 “Tham gia cách mạng năm 1965, sau một thời gian công tác ngắn, tôi được bồi dưỡng và kết nạp vào Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam. Tôi nhớ không quên ngày 9-5-1965 được đứng vào hàng ngũ của Đoàn, một kỷ niệm để lại trong tôi rất nhiều cảm xúc, vừa vui mừng vừa cảm thấy trưởng thành và được tập thể thừa nhận là một thành viên của lực lượng xung kích đi đầu trong phong trào, hành động cách mạng”. Đây là những chia sẻ đầy xúc động của ông Nguyễn Văn Thỏa, nguyên Bí thư Tỉnh đoàn Sông Bé (giai đoạn 1983-1989) với phóng viên Báo Bình Dương trong cuộc trò chuyện nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

 Ông Nguyễn Văn Thỏa kể lại thời hào hùng của tuổi trẻ những năm tháng hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục, phát triển kinh tế. Ảnh: K.TUYẾN

 Trưởng thành trong chiến đấu

Tuy đã bước sang tuổi 70 nhưng ông Thỏa vẫn nhớ rõ một thời tuổi trẻ hào hùng. Ông kể: “Tháng 3-1969, tôi được điều động về công tác tại Đội biệt động trên núi Bà Rá, TX.Phước Long. Núi Bà Rá nằm giữa TX.Phước Long, chung quanh là địch. Với nhiệm vụ là tuyên truyền vận động cùng với đơn vị thực hiện ba mũi giáp công ngay trong lòng địch. Nhiệm vụ 1 là tuyên truyền vận động cách mạng trong quần chúng để xây dựng cơ sở cách mạng; nhiệm vụ 2 là luôn luôn đánh địch và khuấy động trong lòng địch; nhiệm vụ 3 là xây dựng cơ sở cách mạng. Trong thời gian công tác ở đây rất khó khăn, có nhiều thử thách đối với người cán bộ Đoàn cũng như công tác của Đội biệt động, chịu cảnh đói cơm lạt muối mà vẫn sống, tồn tại để chiến đấu và công tác. Lúc đó, do có kẻ chiêu hồi phản bội, cơ sở cách mạng bị địch bắt hết, những người lính biệt động phải chịu sự truy lùng gắt gao của địch, chịu những cảnh hết sức gay go ác liệt, cái sống cái chết tính trong gang tấc từng ngày. Từ năm 1969 đến cuối năm 1974, nhiều anh em hy sinh… nhưng những người còn lại không một ai nản lòng, vẫn xung kích chiến đấu, công tác”.

Trong thời gian công tác tại Đội biệt động, có thời điểm ông Thỏa là Đội trưởng Đội biệt động, kiêm phụ trách công tác thanh niên. Gian khổ, khó khăn ác liệt, hy sinh mất mát nhưng ông và đồng đội vẫn thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ như thường xuyên gây tiếng nổ trong lòng địch, rải truyền đơn, tuyên truyền vận động đưa thanh niên ra ngoài tòng quân, xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng và phát triển được đoàn viên, đảng viên, xây dựng được 3 chi bộ cùng một số cơ sở mật đơn tuyến. Đội còn xây dựng được cả cơ sở binh vận ngay trong lòng địch, mà sau khi giải phóng các cơ sở hỗ trợ quân ta rất nhiều việc trong khám phá âm mưu thủ đoạn của địch. Dù là sống giữa lòng địch nhưng đội đã vận động nhân dân đóng góp hàng trăm tấn lương thực để nuôi dưỡng cách mạng và thu nhận rất nhiều tin tức phục vụ cho huyện, tỉnh, Trung ương biết tình hình âm mưu của địch.

Ông Thỏa nói: “Trong cuộc chiến tranh ác liệt, tôi học tập tinh thần đồng đội rất nhiều về sự dũng cảm, hy sinh, không hơn thua mà giành nhau phần khó, nhường phần sống cho đồng đội. Hơn nữa chính là tinh thần yêu nước của nhân dân, dù sống giữa lòng địch ác liệt nhưng người dân luôn che chở, đùm bọc, sẵn sàng hy sinh, chịu đựng tù tội để bảo vệ cách mạng. Họ là ân nhân mà thế hệ trẻ hôm nay phải ghi nhớ”… Nghĩa nặng tình sâu với đồng bào, đồng đội nên sau khi Phước Long giải phóng, miền Nam thống nhất, ông đã lập một nơi thờ trên núi Bà Rá để tưởng nhớ đồng đội, đồng bào đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng.

Sống là cống hiến

Ngày 6-1-1975, tỉnh lỵ Phước Long giải phóng, ông Thỏa được phân công làm Bí thư Huyện đoàn Phước Long. Sau khi miền Nam thống nhất, năm 1976, tỉnh Thủ Dầu Một và tỉnh Bình Phước sáp nhập thành tỉnh Sông Bé. Tại Đại hội lần thứ nhất của Đoàn Thanh niên tỉnh Sông Bé, ông được bầu vào Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn và phụ trách huyện Phước Long. Trong thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, phong trào thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội diễn ra sôi nổi ở những vùng đồng bào dân tộc phía bắc của tỉnh Sông Bé. Theo những dòng ký ức, ông Thỏa kể tiếp: “Sau giải phóng, tình hình đất nước có rất nhiều khó khăn do hậu quả chiến tranh để lại, đặc biệt là khan hiếm lương thực thực phẩm, công nghiệp thì chưa phát triển, bị bao vây cấm vận… Hoàn cảnh đó đặt ra cho đất nước cũng như tỉnh Sông Bé nhiều nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhất là giải quyết vấn đề lương thực thực phẩm. Đoàn Thanh niên xem đây là nhiệm vụ hàng đầu, phải đẩy mạnh việc tiến quân vào mặt trận nông nghiệp mà phong trào nổi bật là làm thủy lợi” .

Ông Thỏa bảo, khi đó hàng ngàn thanh niên các huyện Tân Uyên, Thuận An được huy động để tham gia làm thủy lợi suối Giai (Đồng Phú), Bù Môn ở Bù Đăng, Lộc Quang ở Lộc Ninh. Ngoài việc làm thủy lợi, lực lượng thanh niên còn xuống bưng bàu ở Bình Giai, Bình Hà thuộc huyện Bù Gia Mập, Phú Riềng của Phước Long để vận động người dân trồng lúa nước, làm từ 1 đến 2 vụ. Cuộc vận động này là cuộc cách mạng cải tổ phong tục tập quán, thói quen du canh du cư, chuyển sang định canh định cư; từ nay đây mai đó thành thôn, thành xã, thành ấp ở đồng bào dân tộc mà trong đó thanh niên là lực lượng nòng cốt. Bên cạnh trồng lúa nước là trồng mì cứu đói. Tới mùa thu hoạch, thanh niên xung phong, xung kích lên xắt mì phơi khô. Hàng trăm ngàn tấn mì đem về ăn độn để giải quyết nạn đói. Trong phong trào định canh định cư gắn với tách hộ lập vườn, bà con dân tộc còn trồng cây điều. Có thể nói đây là một thành công mà Đoàn Thanh niên đóng góp vì cây điều trở thành cây công nghiệp có giá trị trên thị trường, một sản phẩm phục vụ cho công nghiệp chế biến rất tốt.

Theo ông Thỏa, hoạt động Đoàn lúc bấy giờ diễn ra ở nhiều đối tượng thanh niên khác nhau. Đối với công nghiệp phải phục hồi lại nhà máy. Nhà máy đường và một số công trình công nghiệp bị chiến tranh tàn phá, nên công nhân thi đua phong trào sáng kiến tiết kiệm. Đặc biệt, trong công nhân cao su có phong trào “Luyện tay nghề thi thợ giỏi” do Tỉnh đoàn đề xuất có ý nghĩa về mặt kinh tế - xã hội và cho đến nay phong trào này trở thành phong trào truyền thống của ngành cao su.

Ông Thỏa cũng không quên phong trào “Kế hoạch nhỏ” đã tạo tiếng vang cả nước. Lúc đó, thiếu nhi trong tỉnh thi đua gom góp giấy báo sau khi qua sử dụng để góp vào công trình “Đoàn tàu thiếu nhi” do Nhà máy xe lửa Dĩ An đóng toa tàu với mục tiêu Bắc - Nam qua lại gắn với nhiệm vụ kinh tế - xã hội; đồng thời có tính giáo dục cao đối với thiếu nhi về tinh thần Bắc - Nam hòa hợp. Lúc bấy giờ, Đoàn Thanh niên còn phát động phong trào “Mỗi đoàn viên thanh niên là một viên gạch hồng xây dựng thành đồng biên giới”, thể hiện tinh thần yêu nước, thanh niên trong tỉnh viết đơn tình nguyện bằng máu, tình nguyện vào bộ đội để bảo vệ Tổ quốc và chống quân xâm lược phía Bắc. Không những vậy, Đoàn Thanh niên còn đẩy mạnh phong trào học tập, xóa mù chữ, bổ túc văn hóa cũng như phong trào văn hóa văn nghệ - thể dục thể thao.

Ông Thỏa nói: “Trước khí thế cách mạng thắng lợi, thống nhất Tổ quốc, ánh hào quang rực rỡ của cách mạng lan tỏa thấm sâu trong mỗi người dân Việt Nam nói chung, trong tuổi trẻ khi ấy nói riêng. Khi lên suối Giai chịu rét chịu đói mà vẫn lao động hăng say; hay xuống bưng bàu làm ruộng, làm lúa nước lại rất kiên trì, có phương pháp vận động, làm người dân nhận thức được, từ làm chưa quen dần trở thành quen và nhân rộng. Tuổi trẻ chúng tôi khi đó làm không suy tư, không tính toán với tinh thần cống hiến. Đây là thời gian rèn luyện, thử thách nhiều nhất, nếu những cán bộ Đoàn trưởng thành trong công tác thanh niên thì họ có thể được tin tưởng giao những trọng trách khi Đảng và Nhà nước yêu cầu”. (Còn tiếp)

 K.TUYẾN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên