Lâu nay chúng ta đã quen với khái niệm Abenomics - Chính sách kinh tế đa hướng được đề xuất bởi cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - và bây giờ sẽ là "Bidenomics". Nếu thành công, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ khiến học thuyết kinh tế tồn tại suốt 40 năm qua của nước Mỹ trở thành dĩ vãng. Nhưng, đó là "nếu như".
Chỉ 1 năm trước, ông Joe Biden được xem là nhân vật lớn tuổi được nhiều người yêu mến trong bộ máy chính quyền, người đã tuyên bố rằng mình không phải là Donald Trump. Chính ông Biden tự cho rằng ông là "tổng thống chuyển tiếp" chứ không phải là một tổng thống đem lại sự thay đổi.
Bidenomics được cho là đang có những bước khởi đầu khả quan.
Nhưng, Biden khi đó hoàn toàn không phải là Biden của hiện tại. Trong một bài phát biểu vào ngày 27-5-2021 tại Cao đẳng Cộng đồng Cuyahoga ở Cleveland, ông Biden đã nói về việc tạo ra một mô hình mới khi đưa ra đề xuất ngân sách trị giá 6.000 tỷ USD: vực dậy tầng lớp thu nhập thấp trong xã hội Mỹ bằng sự kết hợp các đề xuất về giáo dục, y tế và thuế, cùng với đó là một chính sách công nghiệp và chủ nghĩa dân tộc kinh tế mới, mà cuối cùng sẽ tạo đà cho Mỹ chiến thắng Trung Quốc và các đối thủ cạnh tranh đang lên khác. Nếu có thể theo đuổi kế hoạch này thì ông sẽ khiến học thuyết kinh tế của Reagan (hay kinh tế học nhỏ giọt theo cách gọi của ông), vốn đã thống trị trong 40 năm qua, trở thành dĩ vãng.
Khác xa vai trò là một biến số trong lịch sử nước Mỹ, ông Biden đang nâng cao quan điểm, như có thể thấy qua cái tên mà ông đã đặt cho chương trình của mình: "Thỏa thuận mới", có ý gợi nhớ đến Thỏa thuận mới của Tổng thống Franklin D. Roosevelt trước đây. Tuy nhiên, với các nhà phân tích, nó đích thị là Bidenomics, xét cả về tư tưởng và cách đặt vấn đề.
Jared Bernstein, nhà kinh tế học thuộc Hội đồng Cố vấn kinh tế của Tổng thống Biden khẳng định đây không phải là lối tư duy hoàn toàn mới mẻ của vị tổng thống 78 tuổi này: Ông Biden từ lâu đã cho rằng vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng lãnh đạo trong lĩnh vực kinh tế. Ông tin rằng Mỹ đã đánh mất lợi thế sau nhiều thập niên thâm hụt và chính phủ bị tê liệt tới mức gây ám ảnh, dẫn đến đầu tư công giảm nhanh chóng và một tầng lớp trung lưu không được giáo dục đầy đủ khao khát có khả năng mua nhà ở, được hưởng đầy đủ dịch vụ giao thông công cộng, dịch vụ chăm sóc trẻ em và người già. Một quan chức cấp cao trực tiếp tham gia quá trình xây dựng chính sách cho biết: "Ông Biden đang nói rằng chúng ta cần một khế ước xã hội khác. Chỉ riêng khu vực tư nhân sẽ không thể giải quyết được những thách thức lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt - bất bình đẳng xã hội quá mức, khủng hoảng khí hậu, người dân rời bỏ lực lượng lao động, lợi thế công nghệ đang bị thu hẹp".
Phần lớn tư duy chia sẻ của cải theo sự chỉ đạo của chính phủ hiện nay được cho là xuất phát từ hơn 3 thập niên ông Biden còn là thượng nghị sĩ. Ông đã chứng kiến điều đó khi các đồng nghiệp có tư tưởng bảo thủ của ông trong Thượng viện hầu như không đầu tư vào việc đào tạo lại và nâng cao kỹ năng nghề cho lực lượng lao động Mỹ. Trong khi năng suất và GDP tăng mạnh thì thu nhập của tầng lớp trung lưu lại không tăng.
Không chỉ vậy, tầng lớp trung lưu ở Mỹ ngày càng suy giảm còn phải chịu thêm gánh nặng thuế trong những thập niên sau thời Ronald Reagan. Theo dữ liệu của chính phủ Mỹ, những thay đổi trong luật thuế đã khiến thuế thu nhập liên bang tăng vọt từ 50% trong năm 1950 lên hơn 80% như thời điểm hiện tại, trong khi thuế doanh nghiệp giảm từ 30% GDP xuống còn dưới 10%, khiến người giàu càng thêm giàu, còn công nhân nghèo lại càng nghèo và tuyệt vọng. Ngoài ra, với tình trạng thiếu hụt ngân sách chính phủ, đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển công đã giảm từ 2% trong những năm 1960 xuống còn 0,7% trong thời điểm hiện tại - khiến Mỹ trở thành một trong số ít các quốc gia phát triển thực sự giảm đầu tư công trong 1/4 thế kỷ qua.
Theo kế hoạch của ông Biden, bất kỳ cá nhân nào có thu nhập hơn 400.000 USD/năm đều sẽ bị tăng thuế thu nhập nhằm giúp hiện thực hóa các kế hoạch lớn của ông, trong khi những người có thu nhập dưới mức đó thì không. Quan chức chính phủ cấp cao tham gia xây dựng kế hoạch cho rằng kế hoạch này là nhằm mục đích tái cân bằng gánh nặng giữa doanh nghiệp và người lao động.
Ông Biden đã đề xuất một mức thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu mới mang tính cách mạng và trong trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội vào ngày 28-4, ông đã đưa ra kế hoạch trị giá 2.000 tỷ USD thứ ba trong vòng 100 ngày và tỏ ra tự hào rằng kế hoạch chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của ông sẽ là "kế hoạch lớn nhất kể từ sau Thế chiến II". Ông Biden cũng đang đề xuất gói chi tiêu mới trị giá khoảng 7.500 tỷ USD, gần gấp đôi số tiền mà Mỹ đã chi để giành chiến thắng trong Thế chiến II. Kế hoạch ngân sách của ông tập trung nhiều vào một loạt hoạt động nghiên cứu và phát triển, chi tiêu cơ sở hạ tầng mới do chính phủ lãnh đạo và hỗ trợ cho người dân Mỹ có thu nhập thấp. Kế hoạch đó bao gồm các khoản trợ cấp lớn giúp miễn học phí cho sinh viên theo học cao đẳng cộng đồng, dịch vụ y tế và chăm sóc trẻ em miễn phí, cũng như các chương trình tài trợ bổ sung của liên bang cho các trường hợp tập trung phần lớn học sinh có hoàn cảnh khó khăn...
Các kế hoạch tham vọng của ông Biden ẩn chứa trong "Bidenomics" trong việc tái định hướng nền kinh tế Mỹ từ chỗ tập trung vào giới tỷ phú sang đầu tư cho tầng lớp trung lưu được cho là có thể làm thay đổi trục ý thức hệ trên toàn cầu. Tuy đã đạt được một số kết quả ban đầu khả quan, song theo nhiều nhà phân tích, "Bidenomics" vẫn còn phải chờ xem phản ứng của luồng tư duy cũ và đặc biệt là thái độ của giới tài phiệt Mỹ, những người có ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả của mọi cuộc bầu cử của quốc gia này.
Theo CAND