Đó là chủ đề Ngày Phòng chống tăng huyết áp thế giới năm nay (17-5-2016). Theo các nghiên cứu, chỉ có một nửa trong số những người có huyết áp cao biết rằng mình có bệnh. Do đó, việc biết rõ chỉ số huyết áp của mình có vai trò rất quan trọng giúp người bệnh kiểm soát và ngăn ngừa những tai biến của các bệnh lý liên quan về tim mạch. Đối với những người chưa bị bệnh, việc biết chỉ số huyết áp của mình qua khám sức khỏe định kỳ cũng giúp họ biết và phòng bệnh tăng huyết áp một cách hiệu quả hơn…
Biết chỉ số huyết áp của mình để biết cách phòng bệnh tăng huyết áp hiệu quả Ảnh: H.THUẬN
Thống kê tại Việt Nam cho thấy, năm 2000 cả nước có khoảng 16% người lớn bị tăng huyết áp, đến năm 2009 tỷ lệ này đã tăng lên 25% và năm 2016 tỷ lệ người lớn bị tăng huyết áp là 48%. Theo các chuyên gia, đó là một mức báo động đỏ trong thời điểm hiện tại. Đây là thông tin được giáo sư Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam đưa ra tại hội nghị tăng huyết áp Việt Nam lần thứ hai, do Hội Tim mạch học Việt Nam và Phân hội Tăng huyết áp Việt Nam tổ chức ngày 14-5 tại Hà Nội.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ở những người tuổi càng cao thì tỷ lệ tăng huyết áp càng cao. Tuy nhiên, với những người trẻ tỷ lệ bị bệnh tăng huyết áp cũng có xu hướng tăng hơn trước đây. Tăng huyết áp là một trong những bệnh lý về tim mạch phổ biến nhất với rất nhiều biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Tuy nhiên, tỷ lệ người kiểm soát tốt bệnh này lại còn ít dù biện pháp thực hiện khá đơn giản. Việc kiểm tra huyết áp thường xuyên là biện pháp quan trọng nhất giúp phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp.
Bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe tỉnh cho biết, những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tăng huyết áp gồm: Hút thuốc lá, rối loạn mỡ máu, bệnh đái tháo đường, uống nhiều rượu bia, áp lực cuộc sống, ăn mặn… Tất cả những yếu tố này làm cho mạch máu dễ xơ vữa. Do đó, nếu không kiểm soát tốt huyết áp, người có những yếu tố nguy cơ trên rất dễ gặp phải những biến chứng nguy hiểm. Trong đó, nguy hiểm nhất là biến chứng tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, phình tắc mạch động mạch (phình động mạch chủ), suy thận và bị những ảnh hưởng đến mắt như giảm thị lực, thậm chí là mù lòa.
Những dấu hiệu để nhận biết tăng huyết áp, có thể dựa vào những biểu hiện thường gặp như: Choáng váng, đau nhức đầu; mất ngủ, ù tai, chóng mặt, hoa mắt; đau tức ngực, khó thở, hồi hộp; buồn nôn, đỏ mặt… Tuy nhiên, bệnh tăng huyết áp thường diễn biến âm thầm, ít có biểu hiện lâm sàng nên nhiều bệnh nhân thường hay chủ quan. Chính vì thế, cách để phát hiện bệnh sớm duy nhất là kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là khi có các dấu hiệu nghi ngờ, hoặc khi con số huyết áp gần tới mức tối đa cho phép (gần đến giá trị 140/90mmHg). Do vậy, việc hiểu biết một cách đầy đủ về bệnh tăng huyết áp sẽ giúp mọi người sớm phát hiện ra bệnh, điều trị một cách đầy đủ, hiệu quả nhằm hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Để phòng bệnh tăng huyết áp, bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Tuyết khuyến cáo, với người chưa bị bệnh, phải thực hiện lối sống lành mạnh: Vận động thể dục thể thao phù hợp, có chế độ dinh dưỡng hợp lý để không bị tăng cân, không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu. Với những người bệnh, phải chú ý kiểm soát huyết áp của mình ở chỉ số bình thường. Đo huyết áp thường xuyên, hàng ngày để theo dõi huyết áp của mình và phát hiện những dấu hiệu bất thường. Người bị bệnh phải tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ: Uống thuốc đầy đủ, đủ liều, đúng giờ. Khi có những dấu hiệu khác thường hoặc tác dụng phụ của thuốc, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều chỉnh kịp thời. Người bệnh cần điều chỉnh lối sống theo hướng lành mạnh, tốt cho sức khỏe: bỏ bia rượu; không hút thuốc lá; giảm cân nếu thừa cân, béo phì; giảm ăn mặn, tăng cường rau xanh, hạn chế ăn mỡ động vật, lục phủ ngũ tạng; luyện tập thể dục phù hợp theo tư vấn của thầy thuốc; sống thoải mái, tránh căng thẳng, lo âu và thường xuyên theo dõi huyết áp tại nhà. “Để phát hiện sớm dấu hiệu tăng huyết áp, mỗi người phải biết rõ chỉ số huyết áp của mình. Với người bình thường, đo huyết áp và theo dõi thường xuyên là phương pháp duy nhất để biết mình có bị tăng huyết áp hay không. Với người bệnh, đo huyết áp thường xuyên để theo dõi những dấu hiệu khác thường, kịp thời đến cơ sở y tế để điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra…”, bác sĩ Tuyết nói.
HỒNG THUẬN