Tại Việt Nam nói chung, Bình Dương nói riêng chưa ghi nhận trường hợp nhiễm cúm A (H7N9) ở trên người cũng như trên gia cầm. Tuy nhiên, bệnh cúm A (H5N1) và cúm A (H1N1) đã xuất hiện tại một số tỉnh, thành. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tỉnh Bình Dương đã lên kế hoạch hành động nhằm chủ động trong công tác phòng chống dịch cúm A. Chúng tôi đã trao đổi với bác sĩ Quách Hoàng Mỹ (BS.QHM), Trưởng Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm về vấn đề này…
Cần đến cơ sở y tế khám bệnh ngay khi có biểu hiện ho, sốt… (Ảnh minh họa chụp tại Bệnh viện Đa khoa Bến Cát…)
- Xin BS cho biết tình hình dịch cúm A cũng như phương án phòng, chống nếu có dịch?
- Tính đến ngày 10-5, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A/H7N9, cúm A/H5N1 và cúm A/ H1N1. Tuy nhiên, dịch bệnh cúm A có nguy cơ lan truyền và có thểbùng phát thành dịch rất nhanh nếu không chuẩn bị triển khai các biện pháp phòng chống bệnh - dịch một cách kịp thời. Trước tình hình diễn biến phức tạp của các bệnh dịch cúm A, ngành y tế tỉnh nhà đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống các bệnh - dịch cúm A. Theo đó, ngành đã có kế hoạch phòng, chống các bệnh - dịch cúm A; với mục tiêu giảm tỷ lệ mắc và tử vong, khống chế kịp thời không đểdịch lớn xảy ra, bảo vệ sức khỏe người dân… Cụ thểlà 100% các huyện, thị, thành phố có phương án chủ động phòng, chống dịch; 100% ca nghi cúm A được phát hiện sớm, cách ly điều trị kịp thời và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm; 100% ổ dịch (nếu có) sẽ được khoanh vùng, xử lý triệt để. Bên cạnh đó là kiện toàn các đội cơ động phòng, chống dịch từ tỉnh đến huyện, thị, thành phố đểsẵn sàng đối phó khi có dịch…
- Việc quản lý khách vãng lai cũng như kết hợp với các ngành khác, cơ số thuốc, dụng cụ y tế để sử dụng nếu có dịch là sao, thưa BS?
- Bình Dương không có cảng hàng không, chỉ có một cảng đường sông nội địa nhưng không vì thế mà “lơ là” với lượng khách quốc tế hay từ quốc gia có dịch bệnh đến. Đặc điểm của Bình Dương là nơi có nhiều chuyên gia nước ngoài đến sinh sống, làm việc, giao thương nên chúng tôi thường xuyên phối hợp với cơ quan xuất nhập cảnh địa phương giám sát chặt những người đến từ vùng dịch, quốc gia có dịch. Những trường hợp nghi ngờ mắc cúm A, chúng tôi sẽ theo dõi sát và lấy mẫu xét nghiệm tầm soát.
Ngoài ra, bệnh lây lan từ gia súc, gia cầm, thủy cầm bị bệnh hiện là mối nguy rất cao gây dịch tại cộng đồng … Trong nhiều năm qua tỉnh đã có đội liên ngành (y tế, thú y, quản lý thị trường, công an môi trường…) thường xuyên có sự phối hợp trong công tác kiểm tra: vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm.
Ngày 16-5 tới đây chúng tôi tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ y tế tuyến tỉnh - huyện về giám sát - xử lý, chẩn đoán và điều trị chủ động phòng chống dịch bệnh. Về hậu cần chuẩn bị đủ cơ số thuốc, hóa chất, máy móc, con người… cho việc phòng chống dịch, với sự hỗ trợ chỉ đạo chuyên môn của Viện Pasteur TP.HCM. Với sự chủ động ứng phó như thế thì chúng ta có thểkhông lúng túng với dịch bệnh.
- Vậy cần khuyến cáo gì để người dân nâng cao ý thức phòng, chống bệnh thưa BS?
- Các bệnh cúm A nguy hiểm hầu hết do nhiễm chủng virus cúm A có nguồn gốc từ gia cầm. Đặc tính của virus cúm A là thường xuyên biến đổi có thểthành chủng mới và có khả năng lây truyền sang người. Chính vì vậy, đểphòng tránh bệnh, người dân cần nâng cao nhận thức hơn nữa về dịch bệnh nguy hiểm này. Ngành y tế khuyến cáo, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, môi trường; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; cải thiện sức khỏe và khả năng phòng bệnh; không giết mổ, chế biến, tiếp xúc với gia cầm bị bệnh; không sử dụng sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; không ăn tiết canh hay những thực phẩm nghi ngờ không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm… Khi có các biểu hiện như: sốt trên 38 độ C, ho, đau ngực, khó thở, nhức đầu, mệt mỏi sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh… cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất đểtư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Có một điều nữa mà người dân cần biết đểyên tâm là khi mắc bệnh, việc chữa trị sẽ hoàn toàn miễn phí nên nếu nghi ngờ mắc cúm A, có khả năng mắc bệnh do tiếp xúc với người bệnh, vùng dịch bệnh… nên tự bảo vệ mình, bảo vệ người xung quanh bằng cách đeo khẩu trang y tế, đến bệnh viện đểkhám, điều trị kịp thời…
Tuy nhiên, nói như thế không phải chúng ta hoàn toàn chủ quan hay quá lo lắng. Bởi thế, bên cạnh sự nỗ lực và các giải pháp đồng bộ mà ngành y tế đưa ra nhằm chủ động ứng phó kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh, cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành. Cần quan tâm đến công tác tuyên truyền hơn nữa từ đó nâng cao ý thức của cộng đồng về phòng, chống các bệnh cúm A.
Ngày 9-4, Việt Nam ghi nhận ca tử vong đầu tiên trong năm 2013 do cúm A/H5N1. Đó là một bé trai 4 tuổi ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Trước đó, bệnh nhi từng tiếp xúc với gia cầm, sau đó bị sốt cao. Bệnh nhi được người nhà đưa đến điều trị tại trạm y tế xã, dù được đề nghị chuyển lên tuyến trên nhưng đến 2 ngày sau gia đình mới chuyển bệnh nhi đi. Do đến muộn, bệnh tiến triển nặng nên bé đã tử vong. Ngày 3-5, TP.Hồ Chí Minh ghi nhận ca tử vong đầu tiên trên địa bàn do cúm A/H1N1. Đó là một bệnh nhân 72 tuổi, ở phường 2, quận 11. Trước đó, ngày 26-4, bệnh nhân đi du lịch tại huyện Cần Giờ cùng bạn bè, khi về nhà, ngày 28-4 thì phát sốt nhưng tự điều trị tại nhà. Sau đó bệnh diễn tiến nặng, bệnh nhân khó thở nên được người nhà đưa vào viện ngày 2-5 và đến ngày hôm sau thì tử vong.
QUỲNH NHƯ - HỒNG THUẬN