(BDO) Sáng 8-8, Sở Y tế tỉnh thông báo, Bình Dương ghi nhận thêm 1 trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.5 của Omicron, nâng tổng số người nhiễm biến thể phụ lên 3 trường hợp.
Trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.5 được xác định là nam giới, sinh năm 1978, ở TX.Bến Cát. Qua điều tra dịch tễ cho thấy, bệnh nhân đã tiêm đủ các liều vắc xin ngừa Covid-19 và đã từng nhiễm Covid-19.
Tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ tại trường Tiểu học Phước Vĩnh A, huyện Phú Giáo
Liên quan đến vấn đề trên, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Hiện chưa có bất cứ một bằng chứng khoa học nào khẳng định vắc xin ngừa Covid-19 ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe người dân. Các nghiên cứu trên thế giới ghi nhận hiệu quả bảo vệ của mũi tiêm cơ bản vắc xin ngừa Covid-19 giảm dần theo thời gian khoảng 4- 6 tháng sau khi tiêm.
Đối với các biến chủng Omicron, hiệu quả bảo vệ giảm rất nhanh do nồng độ kháng thể cần thiết để trung hòa virus ở mức cao hơn so với các biến chủng SARS-CoV-2 trước đây. Do vậy, những người đã tiêm mũi cơ bản nếu không tiêm mũi nhắc lại vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Tiêm vắc xin các mũi nhắc lại sẽ làm gia tăng nồng độ kháng thể bảo vệ, giảm tỉ lệ nhập viện, giảm số ca chuyện nặng và ca tử vong.
Cha, mẹ, phụ huynh học sinh nên nhanh chóng đưa trẻ tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 vì các biến thể phụ BA.4, BA.5 của Omicron có khả năng lẩn tránh miễn dịch và có khả năng kháng với kháng thể vắc xin cao gấp 3-4 lần so với các biến thể cũ của Omicron.
“Tiêm vắc xin ngừa Covid-19 là yêu cầu cấp thiết trong phòng chống dịch, người dân cần tích cực đi tiêm mũi bổ sung, nhắc lại vắc xin ngừa Covid-19. Kết quả của một số nghiên cứu gần đây cho thấy những người đã tiêm vắc xin liều cơ bản và bị mắc Covid-19 thì miễn dịch bắt đầu giảm ở tuần thứ 10-19 sau tiêm. Nếu những người này được tiêm nhắc lại thì sẽ khôi phục khả năng miễn dịch, duy trì hiệu lực bảo vệ trước nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2”, bác sĩ Huỳnh Minh Chín cho biết thêm.
Tin, ảnh: HOÀNG LINH