Bình Dương đã triển khai nhiều biện pháp, tăng cường công tác tuyên truyền, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường lưu vực sông Đồn g Nai (LVSĐN).
Thực hiện hiệu quả các dự án trọng điểm
Bình Dương là một trong 11 tỉnh, thành nằm trong LVSĐN; trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã nảy sinh các vấn đề về môi trường. Để giải quyêt vân đề này, tỉnh đã ban hành các văn bản, kế hoạch, đề tài, dự án nhằm triển khai công tác bảo vệ môi trường (BVMT). Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, cùng với việc phòng ngừa và kiểm soát môi trường từ việc sàng lọc dự án đầu tư, Bình Dương cũng đẩy mạnh triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, camera quan sát và thiết bị lấy mẫu tự động cho các nguồn thải có lưu lượng nước thải từ 50m3/ngày trở lên… Qua đó đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhất là nước xả thải ra sông Đồng Nai.
Việc đưa vào sử dụng công trình cải tạo ô nhiễm kênh Ba Bò đã góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm tại đây và giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho khu vực thuộc phạm vi dự án. Ảnh: P.V
Trong thực hiện kế hoạch BVMT giai đoạn 2016-2020, tỉnh sẽ tập trung thực hiện 13 dự án ưu tiên đầu tư và 23 nhiệm vụ trọng tâm. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), đối với 13 dự án ưu tiên đầu tư, đến nay tất cả đều đã có quyết định phê duyệt dự án hoặc chủ trương đầu tư, trong từng dự án nhiều hạng mục đã hoàn thành hoặc đang triển khai thi công; tổng vốn đầu tư đã giải ngân cho các dự án trên 2.300 tỷ đồng. Đối với 23 nhiệm vụ, đến nay đã có 19 nhiệm vụ được triển khai, trong đó có 10 nhiệm vụ đã hoàn thành; tổng kinh phí giải ngân cho các nhiệm vụ hơn 26 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, công tác thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu các nguồn thải cũng được tỉnh chú trọng. Ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, đến nay tỉnh đã xây dựng hệ thống cơ sở nguồn thải của 5.530 doanh nghiệp; lập danh sách 53 nguồn thải với lưu lượng 50m3 trở lên thải vào LVSĐN. UBND tỉnh đã phân bổ gần 1 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện điều tra, lấy mẫu phân tích nước thải và cập nhật dữ liệu đối với một số nguồn thải này.
Giải quyết sớm các điểm nóng về môi trường
Ông Mai Hùng Dũng cho biết để khắc phục tình trạng ô nhiễm kênh Ba Bò, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm, như nạo vét bùn và rác thải, kiểm tra việc thu gom, đấu nối nước thải của các doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp Sóng Thần 1, Sóng Thần 2… Nhờ đó, hàm lượng chất ô nhiễm hữu cơ trên kênh Ba Bò đã giảm hơn 80% so với trước và cảnh quan môi trường được cải thiện. UBND tỉnh cũng đã phối hợp với UBND TP.Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch liên tỉnh để tăng cường phối hợp kiểm soát và xử lý triệt để ô nhiễm kênh Ba Bò trong giai đoạn 2017-2018.
Để đẩy mạnh công tác BVMT LVSĐN, trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tập trung triển khai việc xây dựng và ban hành kế hoạch phân vùng xả thải của các kênh rạch, sông suối trên địa bàn tỉnh; lập dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước cho các khu vực phát triển công nghiệp và đô thị nhưng chưa có hạ tầng thoát nước. Tỉnh cũng tập trung xử lý dứt điểm các khu vực ô nhiễm môi trường gây búc xúc trên địa bàn tỉnh như khu vực kênh Ba Bò, rạch Chòm Sao - Suối Đờn...
Phát biểu tại Phiên họp lần thứ 11 Ủy ban BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai mới đây, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đã đánh giá cao hoạt động BVMT LVSĐN trong 2 năm 2016-2017 của các địa phương. Điển hình như tỉnh Bình Dương đã đưa vào hoạt động Nhà máy xử lý nước thải đô thị Thuận An với công suất giai đoạn 1 là 17.000m3/ngày đêm; động thổ thi công xây dựng Nhà máy xử lý nước thải đô thị Dĩ An với công suất giai đoạn 1 là 20.000m3/ ngày đêm... Qua đó góp phần khắc phục tình hình ô nhiễm môi trường nước cục bộ tại các đô thị và giảm ô nhiểm khi thải lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.
KHÁNH ĐĂNG