Bình Dương nỗ lực giữ địa bàn “sạch” tệ nạn ma túy

Cập nhật: 26-06-2013 | 00:00:00

 Công tác phòng, chống ma túy

Có thể nói tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây vẫn diễn biến phức tạp; phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy (TPMT) ngày càng tinh vi, manh động và liều lĩnh, sẵn sàng chống đối quyết liệt khi bị truy bắt. Số lượng ma túy phát hiện, thu giữ tăng, với nhiều dạng và chủng loại khác nhau như heroin, cần sa, ma túy tổng hợp (hàng đá) và các loại thuốc tân dược gây nghiện được sử dụng ngày càng phố biến. Nguồn ma túy chủ yếu được các đối tượng mua từ các tỉnh về bán lại cho con nghiện trên địa bàn.  Tuổi trẻ TX.Dĩ An ra quân tuyên truyền phòng chống ma túy

Trước tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp, các lực lượng chức năng đã vào cuộc khá quyết liệt. Hiện toàn tỉnh quản lý 3.813 người nghiện ma túy, chủ yếu là nam thanh niên (chiếm 3.582 người). Trong đó, số người nghiện do công an các huyện, thị, thành phố quản lý ở cộng đồng là 1.034 người. Trong lúc số nghiện mới tăng nhanh, thì việc cai nghiện chưa hiệu quả (tái nghiện khoảng 258 người năm 2012) là nguyên nhân làm cho số lượng người nghiện tăng nhanh trong năm 2012 (660 người).

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng chống tội phạm - ma túy - mại dâm - AIDS - văn hóa phẩm độc hại và phòng chống mua bán người (gọi tắt BCĐ 138), năm 2012, về công tác đấu tranh, chống ma túy, đã phát hiện bắt giữ 328 vụ, với 523 đối tượng; xử lý hành chính 125 đối tượng sử dụng trái phép ma túy. Tang vật thu giữ 281.6386 gam heroin, 688.0903 gam ma túy tổng hợp, 182.6603 gam cần sa… Phát hiện 12 vụ trồng cây cần sa tại huyện Tân Uyên, Dầu Tiếng, Bến Cát. Tòa án Nhân dân tỉnh đã xét xử 323 bị cáo liên quan đến tội phạm ma túy với mức phạt tù từ 3 năm đến trên 15 năm.

Theo BCĐ 138, tình hình người nghiện ma túy có xu hướng lan rộng ra các xã, phường, thị trấn (89,01% số xã, phường, thị trấn trong tỉnh có người nghiện ma túy). Ông Đoàn Phước Hậu - Phó Trưởng phòng Giáo dục (Trung tâm Giáo dục - Lao động - Tạo việc làm tỉnh), cho biết: “Hiện nay, đối tượng ma túy ngày càng trẻ hóa. Bởi, các em còn trẻ, bồng bột dễ bị nhiễm những thói hư tật xấu. Số em đến với trung tâm có độ tuổi từ 17 đến 30 chiếm 90%. Vì vậy, các ngành chức năng cần làm tốt công tác tuyên truyền về tác hại của ma túy để các em tự mình phòng tránh cho bản thân”.

Quyết tâm đẩy lùi tệ nạn ma túy

Với quyết tâm đẩy lùi, từng bước đưa ma túy ra khỏi cộng đồng, cấp ủy, chính quyền tỉnh xác định phòng, chống ma túy (PCMT) là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Từ đó, UBND tỉnh đã triển khai kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án “Xây dựng xã, phường, thị trấn  không có tệ nạn ma túy”, nhằm huy động các cơ quan, Nhà nước, doanh nghiệp, trường học tham gia vào công tác này. Ngoài ra, BCĐ 138 phối hợp với cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về tác hại, cảnh báo thủ đoạn của TPMT cho cán bộ, người dân, gắn với các phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Cùng với tuyên truyền, hội viên các đoàn thể còn tích cực nhận cảm hóa, giáo dục giúp đỡ người nghiện, người phạm tội ma túy hoàn lương. Năm 2012, các đoàn thể đã vận động 44 đối tượng nghiện ma túy tự nguyện đăng ký cai nghiện tại các trung tâm; cảm hóa, giúp đỡ, tạo việc làm cho 67 đối tượng nghiện ma túy, lầm lỡ hoàn lương trở về địa phương. Trung tâm Giáo dục - Lao động - Tạo việc làm tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục,  dạy văn hóa, dạy nghề, tổ chức lao động sản xuất cho học viên trong trung tâm, kết quả, mở 3 lớp dạy nghề trên 100 học viên tham gia, 2 lớp xóa mù chữ.

Các ngành chức năng và địa phương đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” do Mặt trận Tổ quốc phát động. Trong đó, chú ý đến địa bàn vùng xa, đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, tiến hành xây dựng các mô hình cơ sở hội, câu lạc bộ phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm; mô hình xã, phường không có thanh niên nghiện ma túy. Qua triển khai, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 10/91 xã, phường, thị trấn không có người nghiện ma túy.

Từ các hoạt động tuyên truyền, nhận thức của người dân về tác hại, hậu quả của ma túy được nâng lên, ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa - gia đình (Sở VH-TT&DL), nói: “Trước đây, hầu hết các gia đình có người thân nghiện ma túy thường tìm mọi cách giấu giếm, nhưng nay khi biết con em nghiện, nhiều phụ huynh đã trực tiếp nhờ chính quyền, đoàn thể giúp đỡ”.

Vì ma túy, nhiều gia đình tán gia bại sản, điêu đứng, tỷ lệ người nghiện ma túy nhiễm HIV cũng tăng lên. Theo đó, nhiều tệ nạn xã hội khác phát sinh gây nhức nhối đời sống dân cư. Để từng bước ngăn chặn, đẩy lùi, cần có sự phối hợp và hỗ trợ tốt các lực lượng chuyên trách như công an, quân sự và chính quyền, đoàn thể địa phương trong công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, đối tượng. Ngoài ra, cần tổ chức theo dõi, phát hiện, triệt phá các đường dây, tụ điểm mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng ma túy. Viện kiểm sát, tòa các cấp phối hợp kịp thời đưa ra xét xử các vụ án ma túy điểm, tăng cường tổ chức xét xử lưu động các vụ án ở các địa bàn phức tạp về ma túy để hỗ trợ cho công tác triệt phá và giáo dục, răn đe. Cùng với đó là nâng cao chất lượng cai nghiện tại trung tâm và cai tại cộng đồng; đồng thời chú trọng quản lý sau cai, không để tình trạng tái nghiện quá lớn như hiện nay.

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị:

 Các cấp, các ngành và người dân tỉnh Bình Dương hãy nói không với ma túy, với tệ nạn ma túy, cam kết thi đua thực hiện mục tiêu “Mỗi người hãy tự bảo vệ mình, gia đình trước hiểm họa ma túy. Đồng thời, mỗi người hãy là tuyên truyền viên tích cực PCMT để xây dựng môi trường khu dân cư không có ma túy”. Để lớp trẻ tránh xa ma túy, gia đình phải nghiêm khắc giáo dục con em; nhà trường, cơ quan, xí nghiệp tăng cường tuyên truyền tác hại của ma túy; Đoàn thanh niên tích cực giáo dục pháp luật, tác hại ma túy cho đoàn viên, học sinh hiểu và tránh xa.

Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Mai Thị Dung:

 Tại buổi giám sát, các đại biểu thảo luận, đánh giá thực trạng phòng, chống các tệ nạn xã hội, mại dâm, ma túy, HIV/AIDS, văn hóa phẩm độc hại trên địa bàn tỉnh, bà Mai Thị Dung đề nghị: Các sở, ngành phối hợp chặt chẽ triển khai, thực hiện công tác phòng, chống; rà soát lại các văn bản liên quan đến chế độ, chính sách đối với lực lượng làm và tham gia công tác phòng, chống các tệ nạn trên; các ngành, cấp cần chủ động phân bổ kinh phí để thực hiện công tác phòng, chống cho hiệu quả. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền theo chiều sâu và rộng, tập trung vào các đối tượng công nhân nhà trọ thông qua các câu lạc bộ chủ nhà trọ. Xây dựng tiêu chí gia đình văn hóa, khu, ấp văn hóa gắn với phòng, chống các tệ nạn xã hội. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

 THIÊN LÝ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=387
Quay lên trên