Nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, tỉnh Bình Dương hết sức quan tâm, tập trung tuyên truyền, vận động, từng bước làm thay đổi hành vi và nhận thức của người dân về sinh đẻ có kế hoạch (SĐCKH) và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS).
Giao lưu với các cộng tác viên DS-KHHGĐ
Mục tiêu hàng đầu của chính sách dân số của tỉnh không còn là số lượng mà chính là chất lượng dân số. Chính nhờ những nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, công tác dân số đã được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, mức sinh hạ thấp, đã góp phần đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, thực hiện công bằng xã hội... Từ một tỉnh có mức sinh rất cao, với tổng tỷ suất sinh là 4,5 con vào năm 1991, vào năm 2010, giảm xuống còn 1,7 con (cả nước năm 2010 là 2,03 con). Tỷ lệ các cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp tránh thai (BPTT) tăng từ 34,32% (năm 1991) lên 73,80% (năm 2010). Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 2,58% (năm 1991) giảm xuống còn 0,9% (năm 2010)... Tính đến cuối năm 2011, mức giảm sinh là 0,6 phần ngàn, so với năm 2010: Số người sinh con thứ ba trở lên giảm 1,23%; tỷ lệ các cặp vợ chồng thực hiện kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) ngày càng tăng.
Chính sách DS-KHHGĐ của tỉnh đã từng bước được điều chỉnh theo hướng bao quát toàn diện hơn, chú trọng hơn về chất lượng dân số với nội dung xây dựng gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - văn hóa xã hội cho tỉnh nhà. Trong thời gian qua UBND, HĐND triển khai các dự án, đề án, ban hành các chính sách chế độ, chính sách khen thưởng kịp thời xuống cho đối tượng, tổ chức thực hiện công tác DS-KHHGĐ. Với các mô hình câu lạc bộ (CLB): “Gia đình nông dân hạnh phúc”, “Chi hội phụ nữ không sinh con thứ 3”, “Tiền hôn nhân”... đội ngũ cộng tác viên dân số phối hợp với Ban chủ nhiệm CLB gần gũi, tìm hiểu những băn khoăn, khó nói về giới tính, sức khỏe sinh sản, tình yêu hôn nhân..., từ đó kịp thời giải đáp những thắc mắc của hội viên. Nhờ vậy, các đợt chiến dịch truyền thông DS-KHHGĐ đã đạt kết quả tốt. Đặc biệt là đội ngũ cộng tác viên. Quả đúng vậy, trong toàn hệ thống dân số, lực lượng cộng tác viên dân số nổi bật lên như những cánh én không mỏi, dệt nên cả mùa xuân của ngành dân số.
Song song với công tác truyền thông, dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ cũng không ngừng được đẩy mạnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hội, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Bình Dương cho biết: “Để công tác DS- KHHGĐ được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, toàn bộ hệ thống đã tăng cường tuyên truyền vận động, lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ đến vùng đông dân, có mức sinh cao và vùng khó khăn... Anh Trần Văn Thành, cộng tác viên ở phường Lái Thiêu, TX.Thuận An, nơi dân số biến động mạnh cho biết: “Tôi quản lý 300 hộ, trong đó có 255 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Tôi ghi chép, cập nhật đầy đủ biến động sinh, tử, đi, đến trên địa bàn. Trong các đột chiến dịch, tôi cấp phát các biện pháp tránh thai: thuốc viên, bao cao su. Còn khi các đối tượng đồng ý thực hiện các dịch vụ KHHGĐ “ngoài tầm tay”: triệt sản, đặt vòng, thuốc cấy, tiêm... thì chúng tôi tích cực chở anh chi em đi đến trạm y tế, hoặc bệnh viện đa khoa thị xã liền!”.
Bác sĩ Phạm Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc SKSS Bình Dương cho biết: “Trong năm 2011, toàn tỉnh đã tăng cường thực hiện công tác chăm sóc SKSS. Tỷ lệ sinh nở “mẹ tròn con vuông” tăng, trẻ suy dinh dưỡng giảm. Tỷ lệ phụ nữ khám, chữa bệnh phụ khoa, tầm soát bệnh ung thư ngày càng tăng...”.
Khó khăn thách thức cẫn còn nhiều: di dân tự do đến Bình Dương đông, biến động dân số lớn... song nhờ được xã hội hóa cao độ, đặc biệt là sự lồng ghép nhuần nhuyễn giữa truyền thông và dịch vụ SKSS-KHHGĐ, công tác DS-KHHGĐ Bình Dương đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, từng bước nâng cao chất lượng DS.
BẢO ANH
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh văn Nhị: Huy động các tổ chức xã hội và các thành phần kinh tế tích cực tham gia công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình
Tôi đề nghị lãnh đạo các cấp chính quyền, sở ban ngành và các đoàn thể tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau: Tổ chức quán triệt đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam (DS-SKSSVN) giai đoạn 2011-2020 trong cơ quan, đơn vị mình. Trong đó, Sở Y tế đóng vai trò chủ đạo trong việc phối hợp với các cấp, các ngành, đoàn thể tỉnh tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch hành động của tỉnh giai đoạn 2011-2015 để thực hiện Chiến lược DS-SKSSVN phù hợp với tình hình thực tiễn về DS-SKSS và điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh. Phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2012; hạn chế dần tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, bảo đảm duy trì cơ cấu giới tính khi sinh ở mức cho phép; từng bước triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng dân số (trí lực, thể lực và tầm vóc) đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh nhà trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, đoàn thể, đồng thời huy động các tổ chức xã hội và các thành phần kinh tế tích cực tham gia công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình/ chăm sóc sức khỏe sinh sản, mở rộng và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các tầng lớp nhân dân.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hội, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ: Duy trì và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHG
Chúng tôi luôn bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời các phương tiện tránh thai theo đúng nhu cầu kế hoạch năm của từng huyện, thị. Toàn ngành DS-KHHGĐ đã luôn duy trì và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ bằng các biện pháp: hỗ trợ kinh phí cho đội dịch vụ KHHGĐ-SKSS lưu động tại khu ấp, xã, phường, thị trấn trong các đợt chiến dịch, tăng cường công tác quản lý đối tượng thực hiện dịch vụ KHHGĐ tại cộng đồng, cung cấp tài liệu, tư vấn và chăm sóc y tế cho các đối tượng mới thực hiện biện pháp tránh thai và thường xuyên giám sát, đánh giá chất lựợng dịch vụ KHHGĐ.